Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Kỹ thuật tên lửa-khí tài đặc chủng (Cục Kỹ thuật binh chủng, Tổng cục Kỹ thuật) cho biết: TLCT vẫn đang là một trong những loại vũ khí chống tăng có hiệu quả nhất trên chiến trường hiện nay.
Hệ thống TLCT hiện đại được thiết kế để có thể sử dụng theo nhiều phương thức linh hoạt, cùng một quả tên lửa có khả năng phóng trên nhiều loại phương tiện mang khác nhau, như trên bộ, trên không, trên biển, mặt nước...
Sự phát triển của xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại, trang bị nhiều loại vỏ giáp tiên tiến đòi hỏi phải phát triển, nâng cấp TLCT thích hợp, nhằm tiêu diệt hiệu quả xe tăng chiến đấu hiện đại và các mục tiêu kiên cố. Hiện nay, TLCT trên thế giới đã phát triển đến thế hệ thứ tư và tiếp tục được cải tiến, nâng cấp cao hơn, được xem như thế hệ thứ năm.
TLCT được trang bị cho Quân đội ta từ lâu. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bộ đội ta đã sử dụng TLCT hiệu quả để tiêu diệt xe tăng địch, như ở Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh (năm 1968), Đường 9-Nam Lào (năm 1971), trận Cửa Việt (năm 1973)...
Hiện nay, TLCT biên chế trong Quân đội ta có nhiều chủng loại, dùng cho bộ binh mang vác, bộ binh cơ giới, lắp đặt trên xe chiến đấu bộ binh, trên pháo tự hành và nhiều loại phương tiện khác.
Các tổ hợp TLCT bao gồm đạn và khí tài (bệ phóng, đài điều khiển) nằm trong quy hoạch sử dụng đến năm 2020 và những năm tiếp theo, đang được Quân đội ta tiến hành cải tiến, nâng cấp tính năng kỹ thuật, chiến thuật. Công tác cải tiến tập trung vào đạn TLCT theo các hướng mang đầu đạn kép (Tandem) và mang đầu đạn nhiệt áp (Thermobaric).
Cải tiến nâng cấp đạn TLCT theo hướng mang đầu đạn kép bao gồm: Thay đầu đạn cũ bằng đầu đạn Tandem và thuốc phóng mới, giữ nguyên thân tên lửa và các phần còn lại.
Sau cải tiến, tên lửa có khả năng xuyên thép đồng nhất dày 750-800mm sau khi đã phá lớp giáp phản ứng nổ. Sau cải tiến, TLCT sử dụng chế độ điều khiển trực tiếp bằng tay và chế độ bán tự động. Vận tốc của tên lửa cải tiến lên tới 135m/s và có khả năng diệt xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới ở cự ly từ 500m đến 3.000m.
Cải tiến đạn TLCT theo hướng mang đầu đạn nhiệt áp, bao gồm: Thay đầu đạn và thuốc phóng mới, giữ nguyên thân tên lửa và các phần còn lại (khối điều khiển, con quay, máy lái, mồi lửa điện...).
Khi nổ, đạn TLCT tạo ra vùng áp suất 0,3Bar, cách tâm nổ 7m và tạo ra hiệu ứng mạnh hơn khi tiêu diệt các mục tiêu kiên cố như boong-ke, công sự kín, lô cốt, tòa nhà. Tên lửa có chế độ điều khiển trực tiếp bằng tay và chế độ bán tự động. Vận tốc bay của tên lửa sau cải tiến trung bình 120m/s và có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly tới 3.000m.
Các đạn TLCT đều có chung cải tiến là thay thế thuốc phóng động cơ hành trình để tăng cường cự ly, tốc độ bay của đạn. Vận tốc trung bình của tên lửa cải tiến tăng 12,5% và thời gian bay rút ngắn xuống khoảng 3 giây tại tầm bắn tối đa.
Việc thay thế đầu đạn bảo đảm hiệu suất chiến đấu của TLCT cao hơn. Hệ thống điều khiển và bệ phóng của TLCT cũng được cải tiến, bảo đảm hoạt động ở các chế độ dẫn đường bằng tay và dẫn đường bán tự động. Các TLCT sau khi cải tiến trang bị cho bộ binh, tích hợp trên xe và tháp pháo, lắp trên máy bay trực thăng...
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Bình, hiện nay, Quân đội ta đã hoàn thành triển khai giai đoạn 1 của Dự án cải tiến TLCT. Các đạn TLCT sau cải tiến đã được bắn thử nghiệm thành công.
Tổng cục Kỹ thuật đang làm công tác chuẩn bị để tổ chức bắn trình diễn TLCT cải tiến báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng. Phòng Kỹ thuật tên lửa-khí tài đặc chủng chỉ đạo, phối hợp với lực lượng kỹ thuật các đơn vị tiến hành bảo đảm kỹ thuật để bắn đạn thật TLCT trên xe thiết giáp BMP của Binh chủng Tăng-Thiết giáp; TLCT mang vác của Binh chủng Pháo binh.
Những kết quả trên làm cơ sở để tiến hành giai đoạn 2 cải tiến TLCT đồng loạt, với số lượng lớn, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và dự trữ quốc phòng cho quân đội.