Có chiêu hạ Tomahawk "sứ giả chiến tranh" như VN từng đánh bại F-111 cánh cụp cánh xòe

Trịnh Ngọc Tiến - Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng |

Trong thời gian qua, truyền thông có lẽ đã ca ngợi hơi thái quá về sức mạnh của tên lửa Tomahawk sau cuộc tập kích vào sân bay Shayrat của Syria vào ngày 7/4/2017.

Vỏ quýt dày sẽ có móng tay nhọn

Trong Chiến tranh phá hoại Miền Bắc Việt Nam, chỉ tính từ tháng 1 năm 1966 đến tháng 7 năm 1966, đã có 393 máy bay Mỹ bị bắn rơi (theo Tạp chí Bình luận quân sự nước ngoài (Nga), số 1982) khiến Lầu Năm Góc phải tiến hành nhanh chóng chế tạo một loại máy bay có thể tránh được sự theo dõi của radar đối phương.

Họ quyết định chế tạo một loại máy bay có thể bay bám địa hình với tốc độ cận âm và siêu âm khi bay cao, đó chính là máy bay "cánh cụp, cánh xòe" F-111 - loại ném bom chiến thuật - chiến lược 2 người lái.

F-111 hoạt động tốt trong mọi thời tiết, đặc biệt là ban đêm, bay thấp nhằm lợi dụng những "điểm mù" của radar do hiệu ứng trái đất cong, cũng như lợi dụng nhiễu địa vật của đồi núi Việt Nam

Khi máy bay bay bám địa hình với độ cao cực thấp (từ 80m đến 300 m, phổ biến là 200m) đã tránh được sự theo dõi của hầu hết các loại radar của lực lượng phòng không Bắc Việt Nam. Do được trang bị thiết bị cảnh báo phát hiện radar đối phương và mang tên lửa đối không nên F-111 có thể độc lập tác chiến mà không cần máy bay dẫn đường và tiêm kích bay kèm.

Có chiêu hạ Tomahawk sứ giả chiến tranh như VN từng đánh bại F-111 cánh cụp cánh xòe - Ảnh 1.

Máy bay "cánh cụp, cánh xòe" F-111.

Những cái đầu nóng của Lầu Năm góc hy vọng, với những đỉnh cao về công nghệ quân sự như vẽ bản đồ số, bay bám địa hình, việc đưa F-111 vào hoạt động cùng với máy bay ném bom chiến lược B-52 và các loại máy bay chiến thuật khác sẽ khuất phục được ý chí và tinh thần của quân và dân Việt Nam.

Dù đã gây cho chúng ta những thiệt hại đáng kể, tuy nhiên kể từ khi đưa vào sử dụng (1968) đến khi kết thúc cuộc tập kích đường không 12/1972, 23 F-111 đã bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc.

Sau thời gian bỡ ngỡ ban đầu, chúng ta đã có những phương án đối phó hiệu quả. Do trang bị không ồ ạt, không bay theo đội hình mà trong tác chiến tại Miền Bắc Việt Nam, F-111 thường tác chiến đơn lẻ theo kiểu "cắn trộm", đánh nhanh, rút nhanh.

F-111 phải lợi dụng các trục đường quốc lộ, các con sông lớn để bay bám vào địa vật này, bên cạnh đó, chúng ta đã quản lý chắc đường bay, hướng bay. Khi cất cánh từ tàu sân bay hoặc căn cứ không quân, F-111 phải bay ở độ cao lớn, khi vào gần mục tiêu mới bay thấp để tránh phát hiện.

Như vậy, ngay từ khi địch bắt đầu xuất kích, ta đã "quản lý mục tiêu" và báo động từng cấp cho lực lượng phòng không trên mỗi khu vực.

Bởi lẽ ngoài mạng radar cảnh giới Quốc gia, chúng ta còn nhiều nguồn thông tin khác như vọng quan sát các hoạt động máy bay địch bằng mắt thường, ống nhòm, kính quang học và thông tin liên lạc chuyển tiếp trải rộng khắp miền Bắc và chiến trường, hệ thống này gọi là mạng BB (bộ binh)…

Bằng cách này, đêm ngày 27/12/1972, lực lượng dân quân tự vệ nhà máy cơ khí Mai Động (Hà Nội) bằng cách đón lõng, phục kích, bằng súng phòng không 14,5 ly đã bắn rơi tại chỗ một máy bay F-111 khi chúng vào đánh Hà Nội. Phi công đã phải nhảy dù xuống vùng Lương Sơn (Hòa Bình) và bị quân và dân ta bắt sống.

Sau một loạt chiếc F-111 bị hạ, ngày 9/10/1972 Hãng thông tấn AP đưa tin: Tiểu ban thượng nghị viện Mỹ tuyên bố rằng cuộc thử nghiệm F-111 là một thất bại lớn.

Sau chiến tranh Việt Nam, F-111 còn được sử dụng trong cuộc tập kích đường không vào Libi năm 1986 và chiến tranh vùng Vịnh lần 1 (1991) và ít bị tổn thất. Năm 1998, Không quân Mỹ ngừng bay loại này.

Có chiêu hạ Tomahawk sứ giả chiến tranh như VN từng đánh bại F-111 cánh cụp cánh xòe - Ảnh 2.

Xác F-111 bị phòng không Việt Nam bắn rơi tại chỗ.

Tomahawk - "Sứ giả của chiến tranh"

Sau thế chiến II, Mĩ, Liên Xô đã tích cực đầu tư để phát triển tên lửa hành trình, nhưng chỉ khi thấy những thiệt hại về máy bay và số lượng phi công trong chiến tranh Việt Nam, người Mĩ mới nghiêm túc trong đầu tư phát triển tên lửa hành trình và kết quả tên lửa Tomahawk (ký hiệu BGM-109) ra đời.

Đây là loại tên lửa hành trình tầm xa với nhiều biến thể, sử dụng một lần, được phóng đi từ các hệ thống phóng mặt đất, chiến hạm hoặc tàu ngầm trên biển.

Do có tầm bắn xa, có khả năng sống sót cao, bay thấp nên Tomahawk khó bị phát hiện bằng radar, mức độ chính xác cao, giữ được yếu tố bí mật, bất ngờ nên nó thường được dùng để khai hỏa các cuộc chiến.

Mục tiêu là nhằm vào các trung tâm chỉ huy, các đài radar, các trận địa phòng không nguy hại để phẫu thuật, loại bỏ, làm tê liệt chỉ huy, tạo điều kiện cho các lực lượng không quân khác bước vào chiến đấu. Từ đặc điểm này, người Mĩ gắn cho nó biệt danh: "Sứ giả của chiến tranh".

Từ sử dụng F-111 với mục đích tấn công nhanh đến sử dụng tên lửa Tomahawk tiến công phẫu thuật mục tiêu là bước tiến dài đối với quân đội Mĩ, nó làm thay đổi chiến thuật sử dụng lực lượng, làm cho quân đội các nước phải tính toán lại trong chiến lược xây dựng chiến thuật phòng thủ của mình.

Tuy nhiên một điều khác nhau căn bản giữa sử dụng 2 loại vũ khí đó là: Sử dụng tên lửa Tomahawk tiến công mục tiêu sẽ đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ và an toàn hơn so với sử dụng máy bay F-111, cự ly tiến công của tên lửa Tomahawk xa hơn mà không phải phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật.

Bên cạnh đó, tên lửa Tomahawk nếu bị bắn hạ hoặc rơi vì lý do nào đó, mức độ tổn thất cũng không cao bằng sử dụng máy bay (giá trị một chiếc máy bay chiến đấu cùng phi công có giá gấp nhiều lần một quả tên lửa Tomahawk). Sử dụng tên lửa Tomahawk (hiện nay) cũng như F-111 (trước kia) thường khi cuộc chiến mới bắt đầu.

Lúc này lực lượng phòng không của đối phương còn mạnh, bên tiến công dễ bị tổn thất. Mặc dù sử dụng tên lửa Tomahawk tiến công mục tiêu có thể gây tốn kém nhưng với những nước có tiềm lực và ngân sách quốc phòng cao thì điều này vẫn có thể chấp nhận được.

Có chiêu hạ Tomahawk sứ giả chiến tranh như VN từng đánh bại F-111 cánh cụp cánh xòe - Ảnh 3.

Tàu chiến Mỹ khai hỏa tên lửa hành trình Tomahawk. Ảnh minh họa.

Những điểm yếu chí tử của Tomahawk

Mỗi loại vũ khí đều có những điểm mạnh, yếu khác nhau; tên lửa Tomahawk cũng không là một ngoại lệ. Là một sản phẩm công nghệ cao, thường xuyên được nâng cấp, cải tiến chủ yếu tập trung vào nâng cao khả năng dẫn đường để đảm bảo tên lửa tiến công chính xác mục tiêu.

Bên cạnh những điểm mạnh, tên lửa hành trình Tomahawk có những điểm yếu mà chúng ta có thể triệt để khai thác đó là:

Thứ nhất: Tên lửa Tomahawk là một khí cụ bay không người lái, nó không có khả năng tránh các đòn hỏa lực như máy bay có người điều khiển nên rất dễ tổn thương trước các đòn tiến công bằng hỏa lực.

Bên cạnh đó, nó chỉ có tốc độ cận âm (khoảng 800 km/h), hơn nữa độ cao bay cũng khá thấp, mặc dù khó bị radar phát hiện, nhưng lại dễ bị hỏa lực phòng không tầm thấp bắn hạ. Trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, trong số 288 tên lửa Tomahawk được bắn đi, 29 quả đã bị bắn hạ bởi quân đội Iraq, tỷ lệ đánh chặn đạt 10%.

Còn năm 1993, khi Tomahawk tấn công vào các căn cứ hạt nhân của Iraq, tỷ lệ bắn hạ thành công của Iraq đã đạt đến 18%.

Năm 1999, lực lượng phòng không Nam Tư đã bắn hạ được khoảng 40 quả Tomahawk, đạt tỷ lệ 20%. Phi công tiêm kích Miroslav Druginic được Nam Tư ghi nhận trong 1 đêm đã bắn rơi 6 tên lửa hành trình bằng một chiếc MiG-21.

Ước tính trong cuộc tấn công Nam Tư, chỉ có 60-70% trong tổng số tên lửa hành trình của Mỹ bay tới được mục tiêu, thay vì 80-90% như đã đạt được trong điều kiện lý tưởng của chiến tranh Iraq năm 1991.

Thứ hai: Là tên lửa hành trình do vậy nó phải bay bám địa hình như các trục đường quốc lộ, các con sông lớn (như máy bay F-111) do vậy rất dễ để chúng ta có thể đón lõng, xây dựng các trận địa phục kích.

Đường bay của Tomahawk bị phụ thuộc cứng nhắc vào đặc điểm chia cắt nhất định của bề mặt địa hình. Vì thế, buộc phải phóng một số lượng lớn Tomahawk bay theo cùng một đường bay hay một số đường bay nằm gần nhau.

Do đó, nếu dự báo được đường bay của Tomahawk sẽ dễ dàng thiết lập hệ thống phòng không nhiều tầng cho mục tiêu cần bảo vệ.

Thứ ba: do các phiên bản mang phóng từ mặt đất (đã bị hủy bỏ trong hiệp định giải trừ quân bị các lực lượng Hạt nhân tầm trung năm 1987) và trên không hạn chế; hiện tại tên lửa Tomahawk chủ yếu được phóng đi từ các tàu chiến trên biển. Do vậy chúng ta có thể phán đoán được đường bay của nó để xây dựng trận địa phòng thủ.

Thứ tư: Mặc dù khả năng bộc lộ phản xạ radar thấp nhưng nó lại bộc lộ quang, nhiệt lớn (do quá trình bay, động cơ phản lực hoạt động liên tục) do đó có thể dùng các phương tiện trinh sát mắt, trinh sát quang điện tử, trinh sát hồng ngoại… phát hiện, theo dõi.

Có chiêu hạ Tomahawk sứ giả chiến tranh như VN từng đánh bại F-111 cánh cụp cánh xòe - Ảnh 4.

Căn cứ không quân Syria bị Tomahawk tập kích

Thứ năm: Tên lửa Tomahawk là một sản phẩm công nghệ cao, áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến như công nghệ dẫn đường vệ tinh (GPS), công nghệ so sánh địa hình (TERCOM).

Giai đoạn dẫn đường cuối cùng được thực hiện bởi hệ thống Điều chỉnh định dạng khu vực theo hình ảnh số (DSMAC). Tuy nhiên đối phương có thể dễ dàng đánh lừa hoặc gây nhiễu, ngụy trang màn khói mục tiêu.

Đây cũng là điểm yếu căn bản của Tomahawk; đối với cơ chế dẫn đường TERCOM, bản đồ khu vực mục tiêu bắt buộc phải được nạp vào tên lửa. Do đó, tên lửa gặp nhiều khó khăn khi hoạt động ở những khu vực địa lý phức tạp nhiều đồi núi.

Trong những lần tấn công vào Afghanistan, nơi có địa hình phức tạp đã bộc lộ điểm yếu của Tomahawk. Tên lửa gặp khó khăn trong việc tiếp cận các mục tiêu bên trong các khu vực rừng núi

Cơ chế dẫn đường DSMAC thì đòi hỏi tên lửa phải có bộ nhớ đủ lớn để cập nhật nhiều hình ảnh, ngoài ra cần có hệ thống liên kết dữ liệu băng thông rộng để cập nhật ảnh mục tiêu trong thời gian thực.

Việc truyền và nhận hình ảnh có độ trễ nhất định từ 1-2 giây. Ngoài ra, điều kiện thời tiết như mưa, sương mù, gió cát... có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng hình ảnh và tốc độ truyền dữ liệu. DSMAC thường bị chậm và chưa thực sự hiệu quả.

Nó cũng dễ bị đánh lừa bởi các biện pháp ngụy trang. Để gây nhiễu DSMAC, có thể sử dụng các màn khói ở cự ly cách mục tiêu bị tấn công 25–30 km và sử dụng các vật cản hồng ngoại để làm trục trặc các hệ dẫn quang-điện tử và truyền hình giai đoạn cuối.

Đối với khả năng dẫn đường bằng tín hiệu GPS, nếu tín hiệu vệ tinh bị gây nhiễu sẽ khiến tên lửa dễ bay trượt mục tiêu. Trong chiến tranh Iraq, có nhiều tên lửa Tomahawk đã bị gây nhiễu. Theo một số nguồn tin, một lượng không nhỏ đã bay lạc sang tận Afghanistan và không phát nổ.

Trong chiến dịch "Con Cáo sa mạc" từ ngày 16 đến ngày 19/12/1998, Mĩ phóng 415 quả tên lửa hành trình trong đó có 325 quả tên lửa Tomahawk phóng từ tàu biển, 90 quả AGM-86 phóng từ máy bay, dự kiến khả năng 100/147 mục tiêu của Irắc bị phá huỷ.

Tuy nhiên tên lửa hành trình của Mĩ chỉ đánh trúng khoảng 20%, vì Irắc đã có kinh nghiệm phòng tránh. Từ đầu năm 2003, khi Mỹ tấn công Iraq, trong 5 ngày đầu, hàng chục tên lửa Tomahawk đã trượt mục tiêu do Iraq sử dụng các thiết bị gây nhiễu mua của Nga.

Chỉ sau khi không quân Mỹ phá hủy các máy gây nhiễu bằng một đợt ném bom rải thảm, các tên lửa Tomahawk mới có thể khôi phục khả năng tấn công.

Trong vụ tập kích sân bay Shayrat của Syria vào ngày 7/4/2017, Mỹ đã phóng 59 quả tên lửa Tomahawk. Tuy nhiên, theo tin của Bộ quốc phòng Nga nhiều quả bị rơi trước khi tới mục tiêu, thậm chí rơi ngay từ ngoài biển.

Sân bay Shayrat bị hư hại, nhưng sân bay đã khôi phục hoạt động vào ngay hôm sau. Như vậy, cuộc tấn công trị giá tới gần 100 triệu USD chỉ đạt hiệu quả rất nhỏ.

Không rõ nguyên nhân tỷ lệ đánh trúng đích rất nhỏ trong cuộc tấn công này, nhưng rất có thể là do các tên lửa Tomahawk đã bị Syria gây nhiễu hệ thống dẫn đường với sự trợ giúp về kỹ thuật của quân đội Nga.

Có chiêu hạ Tomahawk sứ giả chiến tranh như VN từng đánh bại F-111 cánh cụp cánh xòe - Ảnh 5.

Một đầu đạn, được cho là của tên lửa Tomahawk bị vỡ còn nguyên vẹn, rơi ở Tartus, tỉnh Latakia. Syria.

Có chiêu để hạ tên lửa Tomahawk

Trong thời gian qua, truyền thông có lẽ đã nói hơi quá về sức mạnh của tên lửa Tomahawk sau cuộc tập kích vào sân bay Shayrat của Syria vào ngày 7/4/2017.

Tuy nhiên, phân tích một cách khách quan, khoa học và biện chứng chúng ta thấy rằng, tên lửa Tomahawk tuy là một sản phẩm công nghệ cao, nhưng nó không phải là một "sức mạnh" không thể đánh bại.

Để chống lại hiệu quả với những đòn tập kích đường không nói chung và của tên lửa hành trình nói riêng, mỗi quốc gia cần xây dựng cho mình một lực lượng phòng không đủ mạnh, phân bố hợp lý. Xây dựng lực lượng phòng không ba thứ quân, trong đó lực lượng Phòng không – Không quân là nòng cốt.

Ngay từ trong thời bình, phải tiến hành xây dựng các khu vực phòng thủ một cách hợp lý, tránh co cụm; điều quan trọng là các lực lượng vũ trang phải duy trì nghiêm nền nếp huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.

Xây dựng tâm lý quyết đánh và chiến thắng; tích cực cập nhật các thông tin về địch. Sáng tạo, áp dụng các phương pháp huấn luyện mới cho bộ đội. Thường xuyên tổ chức các đợt diễn tập bắn đạn thật với mục tiêu là tên lửa hành trình để lực lượng vũ trang làm quen, đưa bộ đội vào sát tình huống chiến đấu.

Bên cạnh công tác huấn luyện nâng cao trình độ của các lực lượng vũ trang; phải tích cực nghiên cứu, phát triển, cải tiến, mua sắm các loại vũ khí phòng không phù hợp như máy bay cảnh báo sớm (nhằm khắc phục triệt để vùng mù của radar) tuy nhiên yêu cầu này chỉ phù hợp với những nước có tiềm lực kinh tế hùng mạnh.

Đầu tư phát triển các hệ thống quan sát quang điện tử truyền hình (hiện nay có thể quan sát trong điều kiện mây mù, đêm tối đến 40 km, không bị ảnh hưởng của chế áp điện tử), thiết bị quan sát hồng ngoại (IRST) và bố trí trên các nóc nhà cao tầng xung quanh các thành phố lớn, khu công nghiệp để kịp thời phát hiện tên lửa hành trình từ xa.

Để tiêu diệt tên lửa hành trình, vũ khí phù hợp nhất hiện nay theo nghiên cứu của các nhà quân sự chính là các loại súng, pháo loại nhỏ đa nòng (từ 30mm trở xuống), tốc độ bắn nhanh như các loại pháo phòng không tự hành (ZSU-23-4,...).

Nghiên cứu dự báo thủ đoạn tiến công cũng như những điểm mạnh, điểm yếu của vũ khí là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, liên quan mật thiết đến nghệ thuật sử dụng lực lượng.

Kinh nghiệm trong chiến tranh giải phóng của dân tộc là một thực tiễn phong phú và sáng tạo về nghệ thuật tổ chức, cách đánh của lực lượng vũ trang; chúng ta phải biết vận dụng sáng tạo "Lấy đoản binh thắng trường trận"...

Trong chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, điều kiện tác chiến có nhiều thay đổi, vì vậy cách đánh của lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng phòng không nói riêng cần phải vận dụng và phát triển phù hợp mới có thể đánh thắng địch, góp phần quan trọng bổ sung, ngày càng hoàn thiện nghệ thuật tác chiến trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại