Ham làm đẹp, người phụ nữ hoảng hốt mặt nổi toàn mụn... lạ

Tiểu Nhã |

Ai cũng biết làm đẹp cần chọn những địa chỉ an toàn. Nhưng nhiều khi bệnh nhân vẫn rơi vào bẫy quảng cáo và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Biến chứng vì lăn kim

Mới đây, chị Nguyễn Bích Hương – Hà Nội phải đeo khẩu trang vào khám bệnh vì mặt bị tổn thương nặng nề. Xét nghiệm bác sĩ chẩn đoán chị Hương bị nhiễm vi rút herpes gây ra.

Trên một diễn đàn về làm đẹp của các bà mẹ, nhiều người cũng tâm sự về việc dị ứng kim lăn. Một thành viên chia sẻ sau khi lăn kim được một tuần da bỗng nổi sần đỏ lên như bị dị ứng sau đó tình trạng này không dứt chị phải đến bệnh viện kiểm tra bác sĩ cho biết đây là biến chứng của lăn kim.

Ham làm đẹp, người phụ nữ hoảng hốt mặt nổi toàn mụn... lạ - Ảnh 1.

Hình ảnh lăn kim bị nhiễm herpes

Hay như trường hợp Nguyễn Thị Mai Anh (Tây Hồ, Hà Nội) bị nổi mụn vì lăn kim. Mai Anh cho biết, cô đã tìm hiểu các phương pháp điều trị sẹo sau điều trị trứng cá. Mai Anh lựa chọn lăn kim, cô thực hiện ở một spa mỗi lần lăn kim mất 970 nghìn đồng. Mai Anh lăn kim 4 lần, mỗi lần lăn kim Mai Anh phải đeo khẩu trang cả tuần.

Kết quả không như cô mong đợi, sẹo vẫn trên mặt còn da thì lại thêm hàng loạt mụn trứng cá mới. Mụn trứng cá nào cũng sưng tấy và đỏ ửng lên khiến Mai Anh thêm tự ti hơn. Cô than thở "tiền mất, tật mang"

Bác sĩ Cao Xuân Ngọc - Giảng viên lớp laser thẩm mỹ Khoa Y Dược – Đại học Quốc Gia Hà Nội cho biết, anh cũng gặp nhiều trường hợp bị biến chứng do lăn kim. Những biến chứng thường gặp: bệnh nhân bị nhiễm trùng hoặc phát mụn rộp do nhiễm Herpes, dị ứng, và cả những trường hợp bị đen thâm do lăn kim không đúng cách.

Ham làm đẹp, người phụ nữ hoảng hốt mặt nổi toàn mụn... lạ - Ảnh 2.

Bác sĩ Cao Xuân Ngọc

Những quảng về phương pháp lăn kim được hứa hẹn sẽ giải quyết được một số vấn đề về da: da sần sùi, lão hóa, lỗ chân lông to, da nhăn, chảy sệ, sẹo lõm, mụn đầu đen... Vì thế, nhiều người đã tìm đến phương pháp lăn kim với mong muốn tìm được làn da mịn mang tươi trẻ.

Tuy nhiên, bác sĩ Ngọc cho biết hiện nay ở Việt Nam đang loạn giá kim lăn và ở đâu người ta cũng quảng cáo lăn kim vì vậy kỹ thuật làm đẹp này trở thành mối họa ẩn mình.

Biến chứng hay gặp

Theo bác sĩ Ngọc lăn kim, phi kim là những công nghệ sử dụng các đầu kim nhỏ gây ra các vi tổn thương trên bề mặt da. Từ đó tạo ra các đường dẫn để hấp thu các sản phẩm xuống dưới da. Ngoài ra, dưới tác động của các đầu kim sẽ gây các vi tổn thương. Từ đó kích thích tăng sinh các collagen ngay vùng da được điều trị.

Mặc dù phương pháp lăn kim này có rất nhiều hiệu quả trong điều trị. Tuy nhiên, nó là một phương pháp có xâm lấn. Vì vậy các biến chứng xảy ra là không thể tránh khỏi.

Trong đó biến chứng nhiễm khuẩn là hay gặp nhất. Dưới tác động của các đầu kim sẽ tạo ra các lỗ xâm lấn vào da. Trường hợp không đảm bảo vô khuẩn thì vi khuẩn sẽ theo đường của tổn thương xâm nhập vào gây ra các nhiễm khuẩn trên bề mặt.

Có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn do dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn, thao tác làm không đảm bảo vô khuẩn, quá trình chăm sóc tại nhà của khách hàng.

Những trường hợp nổi mụn khi lăn kim, theo giải thích của bác sĩ Ngọc đối với những da đang có mụn thì chúng ta không được phép lăn. Hoặc một số trường hợp mà chỉ có một vài nốt mụn, chúng ta có thể lăn nhưng tránh nốt mụn ra. Khi lặn kim phải có thuốc kháng sinh bôi vào nốt mụn để dự phòng trước khi lăn.

Một số trường hợp lăn kim xong bị tăng sắc tố, bác sĩ Ngọc cho biết bình thường sau khi lăn kim khoảng 3-5 ngày, da thường sẽ bong ra một lớp mỏng giúp cho da sáng lên. Tuy nhiên, tác động này cũng làm cho hàng rào bảo vệ của da bị mất. Vì thế nếu làn da không được chống nắng thì nguy cơ rất dễ bị tăng sắc tố sau lăn kim.

Để hạn chế được tai biến tăng sắc tố sau lăn kim, bác sĩ Ngọc khuyến cáo chăm sóc da tốt để cho da nhanh phục hồi hàng rào bảo vệ. Trước khi lựa chọn bất cứ phương pháp nào, chị em nên cân nhắc thật kỹ và tìm hiểu các cơ sở làm đẹp an toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại