Khinh hạm hộ vệ Sa’ar 6
Khinh hạm hộ vệ lớp Sa’ar 6 của Hải quân Israel được Công ty ThyssenKrupp Marine Systems đóng mới dựa trên mẫu tàu tuần tra, hộ vệ hạng nhẹ German MEKO 100 của Đức. Tàu hộ vệ lớp Sa’ar 6 được tăng cường khả năng tấn công so với lớp Sa’ar 5.
Thân tàu được thiết kế giảm thiểu tiết diện để chống phản xạ ra-đa cũng như giảm phát hồng ngoại từ tàu.
Mô hình tàu hộ vệ lớp Sa'ar 6 đang đóng mới của Israel. Ảnh: Lực lượng phòng vệ Israel (IDF)
Với hệ thống động cơ kép chạy diesel, tàu hộ vệ lớp Sa’ar 6 có thể hoạt động trong thời gian dài trong phạm vi hoạt động lên tới 2.500 hải lý và vận tốc tối đa 26 hải lý/giờ.Tàu hộ vệ Sa’ar 6 có chiều dài 90m, chiều rộng 13,2m, chiều cao 21,5m và lượng giãn nước xấp xỉ 2.000 tấn cùng thủy thủ đoàn tối đa 70 người.
Hệ thống khoang chỉ huy tích hợp được đặt ở mũi tàu. Khoang chứa máy bay và sân đỗ trực thăng ở đuôi tàu có thể chứa máy bay trực thăng hàng hải đa nhiệm cỡ vừa như SH-60 Seahawk.
Tàu hộ vệ Sa'ar 6 của Israel sẽ được biên chế vào lực lượng bảo vệ các mỏ khí đốt thiên nhiên của nước này. |
Loạt tàu hộ vệ lớp Sa’ar 6 đóng mới sẽ được trang bị nhiều loại vũ khí, từ súng máy đến tên lửa hạm đối không và hạm đối hạm. Phần mũi tàu được trang bị súng máy bắn nhanh Oto Melara 76mm chống các mục tiêu trên không và trên biển.
Tàu cũng được trang bị 16 tên lửa đối hạm như Gabriel, RGM-84 Harpoon và RBS-15 Mk3. Ngoài ra, hệ thống vũ khí trên tàu còn bao gồm 2 ống phóng ngư lôi tương thích với ngư lôi MK54 Lightweight và 2 ụ súng điều khiển từ xa 30mm Rafael Typhoon.
Đặc biệt, tàu hộ vệ lớp Sa’ar 6 đời mới còn được trang bị hệ thống tên lửa phòng không hiện đại Barak 8 có khả năng đánh chặn và tiêu diệt tất cả mục tiêu đường không như tên lửa đối hạm, tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và máy bay không người lái.
Ngoài ra, tàu còn có thể lắp đặt 2 hệ thống phòng không C-Dome hiện đại, với phiên bản hải quân Iron Dome (Vòm Sắt) nổi tiếng. Hệ thống này đặt tại mũi tàu, được thiết kế nhằm bắn hạ tên lửa tầm ngắn và đạn pháo.
Hệ thống tên lửa phòng không Barak 8
Hệ thống phòng không tên lửa Barak 8 – tên lửa hạm đối không tầm xa – là một hệ thống phòng không hải quân, gồm một trung tâm điều khiển, điều hành, chỉ huy, liên lạc và thông tin (BMC4I), một hệ thống ống phóng theo phương thẳng đứng chứa tên lửa đánh chặn Barak 8 cùng một ra-đa đa nhiệm có khả năng trinh sát, theo dấu và dẫn đường.
Hệ thống này có thể sử dụng tên lửa đánh chặn Barak 8 hoặc Barak 8ER có khả năng ngăn chặn các mối đe dọa đường không với độ bao phủ 360o.
Thử nghiệm tên lửa Barak 8 phiên bản cho hải quân. Ảnh: timesofisrael.com |
Hiện nay, hệ thống Barak 8 có ba phiên bản: Barak 8 AMD/LRSAM - phiên bản hệ thống tên lửa phòng không tầm xa nguyên bản được thiết kế cho Hải quân Israel và bán cho nước ngoài; MRSAM tầm trung, phiên bản mặt đất của hệ thống Barak 8 AMD.
Phiên bản này bao gồm một hệ thống điều khiển, ra-đa theo dấu và các hệ thống ống phóng di động; và Barak MX - phiên bản mô-đun của hệ thống tên lửa phòng không Barak có khả năng thay đổi linh hoạt các mô-đun đáp ứng nhu cầu sử dụng cả trên biển và trên đất liền.
Barak 8 là tên lửa được lắp đặt và phóng đi từ tàu chiến dựa trên hệ thống ống phóng theo phương thẳng đứng đã được kiểm chứng trong thực tế tác chiến. Với không gian lắp đặt nhỏ, các ống phóng tên lửa của hệ thống Barak 8 có thể được trang bị dễ dàng cho các tàu chiến mới cũng như tàu hiện đang trong biên chế Hải quân Israel.
Cụ thể, hệ thống Barak 8 bao gồm tên lửa phóng theo phương thẳng đứng, một động cơ hỏa tiễn 2 tầng đẩy, một ra-đa tự động tìm kiếm mục tiêu và một hệ thống liên kết dữ liệu hai chiều.
Barak 8 có thể phản công nhiều mục tiêu ngay cả trong trường hợp bị tấn công dồn dập do được trang bị đầu đạn có uy lực, cùng lúc theo dấu nhiều mục tiêu và cơ chế chạm nổ hiệu quả.
Tên lửa của hệ thống Barak 8 có chiều dài khoảng 4.5m, đường kính 0.54m, sải cánh 0.94m, tốc độ tối đa gấp 2 lần vận tốc âm thanh và tầm bắn hiệu quả 70km. Tên lửa Barak 8 đã thể hiện khả năng đánh chặn nổi bật trong nhiều tình huống trên thực địa trong tác chiến phản công bao vây quy mô lớn.
Ngoài ra, tên lửa còn có thể được trang bị thêm động cơ đẩy phụ nhằm gia tăng tầm bắn và một hệ thống liên kết dữ liệu độc lập hỗ trợ theo dấu nhiều mục tiêu cùng lúc và tối ưu hóa khả năng phòng thủ trong một khu vực rộng.
Hệ thống Barak 8 có giá trị chiến lược trong phòng không kể cả trên mặt đất và trên biển, có khả năng hoạt động cả ngày lẫn đêm và trong mọi điều kiện thời tiết, có thể cùng lúc tấn công nhiều mục tiêu trong các tình huống phức tạp. Phiên bản Barak MX còn có khả năng phòng không tầm ngắn, tầm trung và cả tầm xa.
Hệ thống phòng thủ C-Dome
Hệ thống phòng thủ tầm gần C-Dome (C-Dome) được thiết kế bởi Rafael nhằm bảo vệ tàu chiến khỏi các mối đe dọa trong chiến tranh hiện đại. Hệ thống C-Dome chống lại các đợt tấn công dồn dập bằng cách phản công nhiều mục tiêu liên tiếp trong thời gian ngắn với lựa chọn tấn công tự động hoặc bán tự động.
Mô hình hệ thống C-Dome trên tàu chiến. Ảnh: Rafael |
Các bộ phận cấu thành C-Dome bao gồm một hệ thống lắp đặt ống phóng lắp dưới thân tàu, có khả năng khai hỏa hàng loạt tên lửa đánh chặn theo phương thẳng đứng. C-Dome sử dụng hệ thống ra-đa trinh sát của tàu mà không cần một ra-đa kiểm soát hỏa lực riêng.
Hệ thống kiểm soát và điều khiển vũ khí được tích hợp thông suốt vào hệ thống quản lý tác chiến trên tàu. Hệ thống C-Dome sử dụng tên lửa đánh chặn Iron Dome đã được thử nghiệm trong tác chiến với hơn 1.200 lần đánh chặn thành công.
Hệ thống có thể phát hiện tên lửa bắn ra từ khoảng cách 4 đến 70km và phóng tên lửa đánh chặn Tamir phá hủy mục tiêu khi chúng còn ở trên không.
Tamir là tên lửa đánh chặn động năng chống tên lửa tầm ngắn, có chiều dài 3m, đường kính 0.16m, nặng 90km với tầm bắn từ 2 đến 40km. Các tên lửa đánh chặn này không cần bảo quản mà được đựng trong hộp chứa chống nước biển.
Mỗi mô-đun ống phóng theo phương thẳng đứng có thể chứa 10 tên lửa đánh chặn. Tên lửa được phóng theo phương thẳng đứng với tầm bao phủ 360o; tính năng này không có trên hệ thống tên lửa Iron Dome. Đầu đạn hiện đại bảo đảm tiêu diệt hiệu quả nhiều mục tiêu khác nhau. Tên lửa của hệ thống C-Dome rất linh hoạt và khả năng thay đổi góc bay nhanh cho phép đánh chặn những mục tiêu cơ động nhất.
Thiết bị kích nổ gần mục tiêu tối tân làm gia tăng tính sát thương và đầu đạn có uy lực cao của nó cho phép gia tăng khả năng hủy diệt mục tiêu. Hệ thống C-Dome có tiết diện nhỏ và có thể lắp đặt trên các tàu chiến cỡ nhỏ, bao gồm tàu tuần tra xa bờ và tàu hộ vệ hạng nhẹ.
Bên cạnh các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại, tàu hộ vệ Sa’ar còn được trang bị hệ thống radar ELM-2248 MF-STAR.
Việc Hải quân Israel trang bị vũ khí hiện đại cho khinh hạm hộ vệ lớp Sa’ar 6 và ký kết hợp đồng đóng tàu ngầm Dolphin II mới thay thế loạt tàu cũ cho thấy quyết tâm bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) với các mỏ khí tự nhiên khổng lồ đang nằm trong tầm ngắm của các tổ chức Hamas và Hezbollah.