Nói trước bước không qua: 240 tên lửa S-300 Venezuela sẵn sàng nghênh đón bầy Tomahawk Mỹ

Bảo Lam |

Quân đội của Nicolas Maduro có khả năng chặn đứng cuộc can thiệp quân sự của Mỹ.

"Sẵn sàng bảo bệ Tổ quốc với các vũ khí có trong tay nếu một ngày nào đó Đế quốc Bắc Mỹ dám động chạm tới mảnh đất thiêng liêng này" - ông Nicolas Maduro tuyên bố trước các quân nhân của mình ở bang Cojedes (Venezuela). Có vẻ như cụm từ “ngày nào đó” bây giờ đã không còn xa.

Những sự kiện chính trị ồn ào bắt đầu hồi tháng 1, sau một thời gian đã có dấu hiệu lắng xuống. Kế hoạch cách mạng màu của Mỹ tại Venezuela đã không mang lại kết quả. Tuy nhiên, Washington còn có nước cờ dự phòng khác – can thiệp quân sự, mà kết quả sẽ phải là Tổng thống Venezuela bị lật đổ.

Và trong kế hoạch này cũng có kịch bản từng được thử nghiệm ở một loạt các quốc gia. Guaido - nhà lãnh đạo phe đối lập -  hồi đầu tháng 5, bắt đầu nói nhiều về việc cần phải có một cuộc can thiệp quân sự trong bối cảnh phức tạp này. Chỉ nó mới có thể chấm dứt “chế độ tội ác của Maduro” và thay thế “chế độ toàn trị” bằng “chế độ dân chủ”.

Đương nhiên, Washington đã phản ứng lại với “lời kêu cứu” này. Thực ra, tạm thời mới chỉ bằng lời nói. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố rằng, mọi phương án hành động đối với Venezuela sẽ được cân nhắc.

Để không ai nghi ngờ về việc Mỹ sẵn sàng áp dụng những biện pháp mạnh nhất, ông Pompeo nói rằng, các tổ hợp tên lửa phòng không (do Nga sản xuất) của quân đội Venezuela không gây ảnh hưởng tới việc Mỹ triển khai chiến dịch quân sự chống lại ông Maduro.

Vậy lời tuyên bố trên đúng đến mức nào?

S-300 sẵn sàng nghênh đón Tomahawk

Tổng thống tiền nhiệm của Venezuela, ông Hugo Chavez, đã xây dựng một quân đội mạnh nhất tại Mỹ La tinh nhờ 2 điều.

Thứ nhất, nhờ trữ lượng dầu mỏ vô cùng lớn nên quốc gia này có thể mua các loại vũ khí cần thiết để trang bị cho một quân đội hùng mạnh. Ở đây, cần phải chia thành hai giai đoạn. Ban đầu, khi Caracas có mối quan hệ bình thường với “thế giới văn minh”, họ mua vũ khí của NATO.

Chính vì thế, trong lực lượng không quân Venezuela có rất nhiều máy bay vận tải quân sự của Mỹ, cũng như các tiêm kích F-16. Ngoài ra, còn có cả khí tài quân sự của Anh, Pháp, Israel. Và không thể nói rằng chúng đã lỗi thời tính đến thời điểm hiện nay.

Ông Chavez, khi cắt đứt mối quan hệ với Mỹ, đã trở thành đối tác về kinh tế và quân sự của Nga. Cũng như Trung Quốc, họ bắt đầu mua vũ khí của Nga.

Sau một thời gian, khi Venezuela bắt đầu gặp khó khăn về ngoại tệ, các hợp đồng cung cấp vũ khí của Nga cho Venezuela được thực hiện dưới dạng trao đổi để đổi lấy dầu mỏ hoặc trên cơ sở các khoản tín dụng dài hạn.

Từ năm 2005 đến hết năm 2017, số lượng vũ khí với tổng giá trị lên tới 11 tỷ USD đã được cung cấp cho Venezuela. Bắt đầu từ năm 2009, một vài khoản tín dụng với tổng trị giá khoảng 6,2 tỷ USD đã được cấp cho Caracas. Hiện nay, khoản nợ của Venezuela trước Nga là 3,1 tỷ USD và thời hạn thanh toán đến năm 2027.

Bên cạnh đó, Nga và Venezuela đã chứng tỏ mối quan hệ hợp tác kỹ thuật-quân sự một cách khá rõ nét. Tháng 12 năm ngoái, để tham gia vào cuộc tập trận quân sự, hai chiếc máy bay chiến lược Tu-160 và một  máy bay vận tải quân sự hạng nặng An-124 Ruslan của Nga đã tới Venezuela.

Vì vậy, cả trong giai đoạn trước đây và bây giờ, Venezuela đều tích luỹ được một tiềm lực quân sự đáng nể.

Nói trước bước không qua: 240 tên lửa S-300 Venezuela sẵn sàng nghênh đón bầy Tomahawk Mỹ - Ảnh 1.

Tổ hợp phòng không S-300VM của Venezuela.

Phương tiện phòng không đáng gờm nhất là 3 khẩu đội tên lửa phòng không cơ động S-300VM Antey-2500 trên xe bánh xích (theo định danh của NATO là Gladiator). Tổ hợp này có nhiệm vụ bảo vệ các đơn vị đang hành quân.

Tuy nhiên, nó cũng có thể tích hợp vào hệ thống phòng không một cách bình thường để bảo vệ các khu vực cố định trên lãnh thổ đất nước và những căn cứ tại các khu vực này. Các tổ hợp phòng không S-300 của quân đội Venezuela đang được sử dụng theo phương án nói trên.

Theo trang mạng svpressa.ru, S-300VM Antey-2500 là hệ thống phòng cơ động uy lực nhất hiện nay, nó được coi là tổ hợp duy nhất có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật với tầm bắn lên tới 2.500 km. 

Tổ hợp S-300VM được trang bị loại đạn tên lửa cực mạnh 9M82M Giant, chuyên dùng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa không đối đất siêu âm, đôi khi là các máy bay gây nhiễu ở tầm xa.

Một tiểu đoàn S-300VM có thể được trang bị 80 quả tên lửa, như vậy 3 tiểu đoàn tương đương 240 quả tên lửa.

Điều này có nghĩa, phương án tấn công ưa chuộng của Mỹ khó có thể mang lại kết quả. Bởi vì người Mỹ thiên về hướng hành động cẩn trọng khi đưa các tàu ngầm tới khoảng cách đủ xa để phóng các tên lửa hành trình cận âm Tomahawk có tầm bắn lên tới 1.600km.

Theo svpressa.ru, tỷ lệ S-300VM đánh chặn thành công Tomahawk bằng 01 quả tên lửa là 0,7-0,8. Thậm chí, nếu người Mỹ đưa tới Venezuela 5 chiếc tàu ngầm lớp Virginia (mỗi tàu mang 12 tên lửa Tomahawk) thì cũng không mang lại kết quả gì đáng kể.

Nói trước bước không qua

Tuy nhiên, Venezuela không chỉ sở hữu duy nhất tổ hợp phòng không S-300VM. Họ còn có cả 12 tổ hợp tên lửa phòng không Buk-2ME tầm trung. Chúng có khả năng đánh chặn các máy bay ở khoảng cách lên tới 50km, các tên lửa hành trình – tối đa 26km. Thêm nữa, tổ hợp này hoàn toàn hiện đại và mới được bàn giao cho quân đội vào năm 2008.

Bên cạnh đó là tổ hợp phòng không tầm ngắn Tor-M1 có từ thời Liên Xô, đánh chặn được các mục tiêu ở khoảng cách từ 1 đến 16km. Trên mỗi tổ hợp cơ động bố trí 16 quả tên lửa.

Tuy nhiên, cả Tor lẫn một tổ hợp khác của Liên Xô – S-125, cũng là mối đe doạ thực sự đối với lực lượng không quân địch. Chính bằng tên lửa của tổ hợp phòng không S-125, chiếc máy bay tàng hình F-117 đã bị bắn hạ tại Nam Tư 20 năm trước. Trong khi đó, người Mỹ từng khẳng định rằng F-117 không thể bị bắn hạ cả về thực tiễn lẫn lý thuyết.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng Venezuela đang sử dụng tổ hợp tự hành nâng cấp S-125 Pechora của Nga với khả năng bắn hạ cả các tên lửa hành trình.

Đương nhiên, họ còn có số lượng "đủ dùng" các tổ hợp phòng không vác vai Igla-S của Nga và Mistral của Pháp.

Nói trước bước không qua: 240 tên lửa S-300 Venezuela sẵn sàng nghênh đón bầy Tomahawk Mỹ - Ảnh 2.

Công ty ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) của Israel công bố hình ảnh sẵn sàng chiến đấu của quân đội Venezuela với tổ hợp phòng không S-300VM Antey-2500 và tiêm kích Su-30MK2.

Đến năm 2006, lực lượng tiêm kích Venezuela chỉ gồm 12 chiếc F-16A hạng nhẹ của Mỹ. Sau đó, họ bắt đầu mua sắm các tiêm kích đa năng Su-30MK2V của Nga để chiếm lĩnh ưu thế trên không. Hiện nay, không quân nước này sỡ hữu khoảng 24 chiếc. Do đó,  các máy bay ném bom của Mỹ khó có thể có được cuộc dạo chơi nhàn nhã trên bầu trời Venezuela.

Tất nhiên, cần phải tính tới các tàu đổ bộ đa năng của Lính thuỷ đánh bộ Mỹ với khả năng triển khai đổ bộ ồ ạt lên bờ biển Venezuela. Song điều đó sẽ không xảy ra.

Người Mỹ có khả năng triển khai các chiến dịch trên bộ chỉ sau khi lực lượng không quân tiêu diệt hạ tầng quân sự của đối phương. Nhưng, như svpressa.ru dự đoán ở trên, cuộc tấn công bằng đường không sẽ không mang lại hiệu quả cho Mỹ.

Lầu Năm Góc cũng sẽ không dám tung lính thuỷ đánh bộ vào "chảo lửa" do gần 70.000 lính bộ binh, 300 xe tăng, 150 tổ hợp pháo tự hành các loại và 70 hệ thống pháo phản lực bắn loạt của Venezuela tạo nên.

Cho nên, theo svpressa.ru có thể trả lời thẳng thừng tuyên bố của ông Pompeo về việc các phương tiện phòng không Nga không thể ngăn chặn được chiến dịch quân sự chống lại Venezuela bằng câu tục ngữ "Nói trước bước không qua".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại