Hải quân Israel: Nhỏ tới không ngờ, nhưng chớ coi thường, sẵn sàng sống mái với "gấu" Nga

Chỉ Nhàn |

Quả là khó tin khi mà quy mô Hải quân Israel lại nhỏ tới vậy, lực lượng tàu chiến cũng “mi nhon”, thậm chí không có lấy một chiếc tàu mặt nước hơn 1.500 tấn.

Đúng là rất khó tin, bởi bấy lâu nay Quân đội Israel được biết tới là lực lượng quân sự mạnh nhất ở khu vực Trung Đông, trang bị hiện đại với hàng nghìn xe tăng, thiết giáp, pháo binh, hàng trăm máy bay chiến đấu tối tân…

Thế nhưng đối với Hải quân Israel, đó là câu chuyện hoàn toàn khác, phải nói rằng chắc hẳn người ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi biết về quy mô lực lượng chiến đấu trên biển của cường quốc quân sự Trung Đông.

Nhỏ về mọi mặt

Thật vậy, so với lực lượng lục quân, không quân hùng hậu, Hải quân Israel quá bé nhỏ. Toàn bộ quân số thường trực của Hải quân Israel chỉ có 9.500 binh sĩ, trang bị có 63 chiếc tàu.

Dĩ nhiên, 63 thì cũng chẳng phải quá ít so với các lực lượng hải quân trên thế giới, tuy nhiên vấn đề là đội tàu chiến đấu chủ lực trên mặt nước chỉ có 11 chiếc và "tệ hại" hơn là không có lấy nổi một chiếc nào cỡ trên 1.500 tấn.

Quả thực, vô cùng khó tin, có tiềm lực quân sự khổng lồ, dồi dào về ngân sách lại nhận được sự viện trợ lớn từ Mỹ nhưng Hải quân Israel không hề có một chiếc hạm nào "tương xứng" với vị thế của họ.

Lớp tàu chiến lớn nhất có trong biên chế của họ hiện nay là 3 tàu INS Eilat, Lahav, Hanit thuộc lớp hộ tống hạm Sa'ar 5 có lượng giãn nước toàn tải 1.275 tấn, dài 85,64m.

Lớp tàu mặt nước lớn thứ 2 và đông đảo nhất trong số 11 chiếc tàu chiến chủ lực là 8 chiếc Sa'ar 4.5 được Israel đóng trong giai đoạn 1970-1980 với lượng giãn nước toàn tải 488-498 tấn, dài 61,7m.

Hải quân Israel: Nhỏ tới không ngờ, nhưng chớ coi thường, sẵn sàng sống mái với gấu Nga - Ảnh 1.

Ba tàu chiến lớn nhất Israel hiện nay - Sa'ar 5.

Phần còn lại của "hạm đội tàu mặt nước" Hải quân Israel là 45 tàu tuần tra "con con" có lượng giãn nước trung bình 50-70 tấn.

Đội tàu ngầm của Israel thì khá khẩm hơn một chút với 6 tàu lớp Dolphin/Dolphin 2 do Đức chế tạo theo hai đơn đặt hàng giai đoạn những năm 1990 và cuối những năm 2000.

Hai lớp tàu này có lượng giãn nước khi lặn 1.900-2.400 tấn, trang bị khá tốt với công nghệ tối tân của Đức kết hợp cùng Israel.

Dù vậy, nhỏ không có nghĩa là kém, nên nhớ là Hải quân Nga rất thành công trong việc tạo ra đội tàu tên lửa nhỏ dưới 1.000 tấn mà có thể tấn công mục tiêu cách xa đến hàng nghìn km. Israel cũng vậy, đội tàu nhỏ của họ được đánh giá có sức mạnh ngang ngửa tàu hộ vệ frigate.

Chất lượng tốt đến không thể tưởng tượng

Ví dụ điển hình, Sa'ar 5 chỉ 1.275 tấn của Israel được trang bị bệ phóng thẳng đứng 32 ống cho tên lửa đối không Barak 1; hai bệ phóng 8 tên lửa chống hạm Harpoon và hai bệ ngư lôi 324mm.

Ngoài ra, Israel dự định lắp pháo hạm Oto Melara 76mm nhưng phía Italy đã không cung cấp loại vũ khí này khiến họ đành lắp bệ pháo CIWS Phalanx 20mm.

Đặc biệt, hiếm có tàu chiến cỡ nhỏ nào trên thế giới trang bị hệ thống radar cực mạnh như Sa'ar 5.

Trong đó chiếc INS Lahav được tích hợp radar mạng pha chủ động ELM-2248 có tầm trinh sát đến 250km, theo dõi được hàng trăm mục tiêu cùng lúc cả trên không và trên bộ.

Đuôi tàu được tối ưu thiết kế để có nhà chứa máy bay kèm với bãi đỗ cho trực thăng hạng trung săn ngầm Panther. Nhìn lại tàu hộ vệ Gepard 3.9 mà Nga chế tạo, có lượng giãn nước đến 2.000 tấn nhưng con tàu không có hangar chứa máy bay.

Thế nên, quả thật phải nói là vô cùng "khâm phục" với khả năng thiết kế, tích hợp vũ khí của Mỹ - Israel áp dụng cho Sa'ar 5.

Hải quân Israel: Nhỏ tới không ngờ, nhưng chớ coi thường, sẵn sàng sống mái với gấu Nga - Ảnh 3.

Pháo hạm 76mm trên tàu tên lửa Sa'ar 4.5 khai hỏa.

Với lớp tàu tên lửa nhỏ Sa'ar 4.5 của Israel còn thần kỳ hơn nữa, có lượng giãn nước chưa đủ 500 tấn, dài có hơn 60m nhưng lớp tàu tích hợp số vũ khí chẳng khác gì Sa'ar 5, thậm chí còn mang được theo cả trực thăng săn ngầm hạng trung Panther.

Sa'ar 4.5 có hai phiên bản gồm: lớp Aliya trang bị 4 tên lửa chống hạm Harpoon và 4 tên lửa chống hạm Gabriel kèm pháo 20mm; lớp Hetz trang bị 8 tên lửa Harpoon kèm 6 tên lửa Gabriel hoặc 32 tên lửa phòng không Barak 1 và pháo 76mm hoặc 25mm.

Gabriel là loại tên lửa hành trình chống hạm do Israel tự sản xuất, phiên bản Mk IV đạt tầm bắn tới 200km, trang bị đầu tự dẫn radar chủ động.

Về 6 chiếc tàu ngầm Dolphin do Đức chế tạo thì chất lượng là "miễn chê". Trên phiên bản Dolphin 2 trang bị động cơ đẩy không khí độc lập AIP cho phép tàu lặn lâu hơn so với các tàu ngầm diesel - điện thông thường.

Các tàu này đều được trang bị đến 10 ống phóng ngư lôi gồm 6 ống cỡ 533mm và 4 ống cỡ 650mm cho phép triển khai đa dạng nhiều loại vũ khí gồm ngư lôi, tên lửa và thủy lôi.

Thậm chí, có nguồn tin cho rằng Israel đã tích hợp thành công tên lửa hành trình Popeye Turbo ALCM (tầm phóng 320km) cho các tàu ngầm Dolphin mua từ Đức. Và với loại vũ khí này, họ đã "tát vỡ mặt" lực lượng phòng thủ bờ biển Syria trước mặt "gấu" Nga.

Hải quân Israel: Nhỏ tới không ngờ, nhưng chớ coi thường, sẵn sàng sống mái với gấu Nga - Ảnh 4.

Tàu ngầm tấn công lớp Dolphin.

Đừng đùa, không phải dạng vừa đâu!

Trong phần lớn các cuộc tấn công của Israel vào Syria kể từ năm 2012, Hải quân Israel hầu như không không tham gia oanh tạc trực tiếp.

Duy chỉ có một lần họ đã khiến cho cả Nga - Syria choáng váng nhưng cũng đủ để nhớ rằng "chúng tôi không phải dạng vừa đâu".

Theo London Sunday Times, ngày 5/7/2013, tàu ngầm Dolphin của Hải quân Israel đã sử dụng tên lửa hành trình tầm xa oanh tạc thành công căn cứ chứa tên lửa ở hải cảng Latakia, Syria.

Mặc dù chính quyền Israel như thông lệ không xác nhận họ đã thực hiện cuộc tấn công nhưng nhiều hãng tin lớn gồm cả CNN (Mỹ) đều cho rằng điều này thực sự đã xảy ra.

Cuộc tấn công được cho là nhắm vào nhà kho chứa các quả đạn tên lửa hành trình P-800 Oniks của tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P mà Syria mua của Nga. Loại tên lửa này có thể khiến các tàu chiến Israel gặp nguy hiểm bởi tốc độ siêu âm và đầu đạn 300kg của chúng.

Điều đáng nói, vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh Latakia là nơi đặt căn cứ của Hải quân Nga ở Syria. Nhiều tàu quân sự và quân nhân Nga lúc đó đang hiện diện ở Latakia, tất nhiên là sẽ không có quy mô lớn và hiện đại ở thời điểm lúc này.

Tuy vậy, việc dám đánh thẳng vào lực lượng quân sự Syria gần căn cứ của Nga cho thấy sự đáng sợ của Hải quân Israel - "lực lượng nhỏ nhưng lá gan to".

Israel sắp có chiến hạm 2.000 tấn!

Dự kiến, trong năm nay (2019), Hải quân Israel có thể nhận được chiếc tàu chiến cỡ 2.000 tấn đầu tiên của mình thuộc lớp Sa'ar 6 do Đức chế tạo.

Theo các tài liệu được công bố, Sa'ar 6 được thiết kế trên cơ sở tàu hộ tống lớp Braunschweig của Đức, mỗi con tàu được chế tạo với giá 480 triệu USD.

Sa'ar 6 có lượng giãn nước 2.000 tấn, dài 90m, trang bị nhiều loại vũ khí - radar hiện đại gồm: pháo hạm 76mm; pháo tự động 25mm Typhoon; 32 ống phóng thẳng đứng mang tên lửa phòng không Barak 8 (tầm bắn 100km) hoặc hệ thống phòng không điểm C-Dome; 16 tên lửa chống hạm; 6 ngư lôi 342mm.

Hải quân Israel diễn tập bắn đạn thật trên biển

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại