Theo Aviationist, vào lúc khoảng 16:00 (giờ địa phương) ngày 29/9/2020, một tiêm kích tàng hình F-35B và một chiếc KC-130J của lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ đã đâm vào nhau trong quá trình tiếp nhiên liệu trên không.
Hậu quả của vụ va chạm khiến chiếc F-35B bị rơi còn máy bay tiếp dầu KC-130J đã phải hạ cánh bằng bụng nhưng an toàn, xuống cánh đồng gần Sân bay Thermal, California.
Máy bay tiếp dầu KC-130 đồn trú tại căn cứ không quân Miramar của Thủy quân lục chiến Mỹ tại San Diego, bang California trong khi chiếc tiêm kích F-35 đồn trú tại Iwakuni, Nhật Bản.
Theo Thủy quân Lục chiến Mỹ, phi công lái F-35B đã phóng ra ngoài an toàn và đang được điều trị. Tất cả các thành viên phi hành đoàn của máy bay KC-130J được thông báo là cũng an toàn tính mạng.
Máy bay tiếp dầu KC-130J đáp xuống cánh đồng ở California
Tuy nhiên, những vụ va chạm trên không như vậy giữa máy bay tiếp dầu và máy bay chiến đấu thường có thể gây ra hậu quả khá nghiêm trọng.
Ngày 6/12/2017, 6 lính Thủy quân Lục chiến Mỹ đã thiệt mạng khi máy bay tiếp dầu VMGR-152 KC-130J va chạm với một chiếc F/A-18D cùng thuộc Phi đội tiêm kích Thủy quân Lục chiến Số 242 (VMFA-242) ở ngoài khơi bờ biển Nhật Bản.
Vụ tai nạn ngày hôm qua là sự cố thứ tư liên quan tới một máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ F-35 của Mỹ.
Ngày 28/9/2018, một chiếc F-35B Lightning II của Thủy quân lục chiến Mỹ đã bị rơi gần Căn cứ Không quân Beaufort ở Nam Carolina, trên bờ biển phía Đông nước Mỹ. Phi công đã phóng ra khỏi máy bay một cách an toàn. Năm 2019, một chiếc F-35A của Nhật Bản cũng đã bị rơi ngoài khơi nước này.
Ngày 9/4/2019, một tiêm kích F-35A Lightning II mang số hiệu 79-8705, cũng là chiếc đầu tiên trong số 13 máy bay F-35 được lắp ráp tại Nhà máy Nagoya, bị rơi ở Thái Bình Dương, cách bờ biển Misawa ở phía đông bắc Nhật Bản khoảng 135km khiến Thiếu tá phi công Akinori Hosomi 41 tuổi thiệt mạng.
Gần đây hơn, một chiếc F-35A của Không quân Mỹ thuộc Phi đội máy bay chiến đấu Số 58 đã bị rơi ở Florida vào ngày 19/5/2020. Tuy nhiên, phi công đã may mắn nhảy dù thoát nạn.