Cảnh giác với đi ngoài phân đen
Nam bệnh nhân V.N.T (61 tuổi, Hải Dương) quyết định đi khám do có tình trạng đi ngoài phân đen kéo dài kèm theo mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt.
Bệnh nhân được bác sĩ chỉ định nội soi tiêu hóa. Kết quả khám phát hiện có ổ loét kích thước lớn 1,5cm, bờ phù nề, đáy sâu phủ giả mạc trắng. Kết quả xét nghiệm vi khuẩn HP dương tính.
Bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng (Forrest III). Bác sĩ cho biết trường hợp bệnh nhân T nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tình trạng chảy máu ồ ạt, thiếu máu, sốc và tử vong.
Trước tình trạng nguy hiểm, bệnh nhân nhanh chóng nhập viện điều trị nội trú. Sau 4 ngày điều trị nội khoa tích cực và theo dõi sát sao diễn biến bệnh, ông T bình phục tốt và được xuất viện. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ vẫn cần tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để phòng tránh bệnh tái phát.
ThS.BSNT Lưu Tuấn Thành - Chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho hay, trường hợp của bệnh nhân T bị xuất huyết tiêu hóa do nhiễm vi khuẩn HP nên rất dễ tái phát bệnh. Do đó, bệnh nhân sẽ phải dùng đúng thuốc, điều trị triệt để nhằm phòng tránh tình trạng kháng thuốc khiến người bệnh tái nhiễm vi khuẩn.
Qua trường hợp bệnh nhân T, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên chủ quan khi đi ngoài phân đen vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý bất thường ở đường tiêu hóa. Người dân cần cảnh giác và thăm khám kịp thời.
Vi khuẩn Helicobacter pylori (hay còn gọi là vi khuẩn HP) là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng viêm loét dạ dày - tá tràng.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP ở mức cao, khoảng 70-80% dân số. Vi khuẩn HP có thể dễ dàng lây nhiễm qua đường hô hấp thông qua thói quen ăn uống, sinh hoạt.
Khi phát hiện nhiễm vi khuẩn HP, bệnh nhân cần được thăm khám, đánh giá các yếu tố nguy cơ và kiểm tra tổn thương ở dạ dày - tá tràng. Từ kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ đưa ra chiến lược điều trị, cũng như đánh giá sát sao sau điều trị, giúp phòng tránh bệnh tái phát nhiều lần.
Theo bác sĩ Tuấn Thành, khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng dưới đây, người dân cần nghĩ tới tình trạng viêm loét dạ dày - tá tràng, cần đi khám sớm:
- Đau bụng vùng thượng vị (vùng trên rốn);
- Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn;
- Đầy hơi, ợ chua, nóng rát vùng thượng vị;
- Đại tiện phân đen;
- Thiếu máu chưa rõ nguyên nhân.
Tình trạng viêm loét dạ dày - tá tràng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Thủng dạ dày - tá tràng: Tình trạng này có thể khiến bệnh nhân bị đau bụng dữ dội, đột ngột.
- Xuất huyết tiêu hóa trên: Tổn thương gây ra viêm loét, chảy máu, đây là tình trạng cấp cứu cần được can thiệp kịp thời, nếu không sẽ gây mất máu trầm trọng và đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
- Hẹp môn vị - hành tá tràng: Đây là một dạng mô viêm xơ phát triển trên ổ loét ở môn vị - tá tràng, gây hẹp lòng ruột ở dưới dạ dày, khiến thức ăn khó đi qua đường tiêu hóa.