Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), trước đó, chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland nhấn mạnh hai công dân Canada đang gặp phải vấn đề rắc rối ở Trung Quốc. Nhiều khả năng, cơ quan chức năng Trung Quốc đang bắt giữ cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig. Ông Kovrig đã bị bắt hôm 10/12.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Canada Guillaume Berube cho hay, công dân Canada thứ hai bị mất tích bí ẩn ở Trung Quốc là doanh nhân Spavor. Ông này kinh doanh ở thành phố Đan Đông và hoạt động trong lĩnh vực trao đổi văn hóa với Triều Tiên.
“Chúng tôi đang nỗ lực xác định vị trí của ông Spavor cũng như tiếp tục nêu vấn đề này với chính phủ Trung Quốc”, ông Berube nói.
Thương nhân Spavor vốn là người quan tâm tới vấn đề Triều Tiên và là nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ mang tên “Trao đổi văn hóa Paektu”. Ông này từng tới thăm Triều Tiên nhiều lần cùng với các phái đoàn để khảo sát cơ hội kinh doanh ở Triều Tiên.
Thậm chí, ông Spavor còn gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 10/2017. Ông Spavor cũng tham gia cuộc diễu binh tại Triều Tiên hồi tháng Hai và đăng tải một đoạn video trên tài khoản Twitter cá nhân về sự kiện này. Ông Spavor còn là người giúp sắp xếp chuyến thăm Triều Tiên cho cựu tuyển thủ bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA Dennis Rodman.
Theo kế hoạch, thương nhân Spavor sẽ tham dự một cuộc hội thảo ở Seoul vào tối ngày 11/12, nhưng ông đã không xuất hiện.
“Chúng tôi không biết tin gì về ông ấy. Ông ấy cũng không xuất hiện. Đáng lẽ ông ấy phải có mặt ở Seoul nhưng lại không ai nhìn thấy ông ấy cả”, một nguồn tin chia sẻ.
Thông tin thương nhân Spavor biến mất được công bố sau vài ngày cựu nhân viên ngoại giao Canada Kovrig bị bắt trong một chuyến thăm tới Bắc Kinh.
Theo thông tin được Beijing News đăng tải hôm 12/12, ông Kovrig bị tình nghi liên quan tới các hoạt động gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia Trung Quốc.
“Canada đặc biệt quan ngại về việc ông Kovrig bị bắt giữ. Canada đã đề cập trực tiếp vấn đề này với các quan chức Trung Quốc”, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Freeland chia sẻ.
Vụ bắt giữ ông Kovrign diễn ra sau 10 ngày, Giám đốc Tài chính (CFO) Tập đoàn Công nghệ Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt ở Vancouver theo yêu cầu từ phía Mỹ. Bà Mạnh có khả năng bị dẫn độ tới Mỹ để điều tra.
Trước đó, một tòa án quận ở New York đã đề nghị chính phủ Canada bắt giữ và dẫn độ bà Mạnh, người bị cáo buộc nói dối về mối quan hệ với SkyCom, một công ty cố tình bán các công nghệ do Mỹ sản xuất cho Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Washington và Liên minh châu Âu (EU) với Tehran.
Phía Trung Quốc cũng đã cảnh báo Canada có thể phải lĩnh hậu quả nghiêm trọng nếu như không lập tức thả bà Mạnh.
Tới ngày 11/12, tòa án ở thành phố Vancouver thuộc tỉnh British Columbia tại Canada đã cho phép bà Mạnh Vãn Chu được tại ngoại và nộp số tiền bảo lãnh là 10 triệu CAD (7,5 triệu USD).