Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông) đưa tin, ngày 12/12 vừa qua, tòa án Canada đã cho phép bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn viễn thông Huawei - được tại ngoại, với khoản tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD. Chỉ vài giờ sau khi được trả tự do, bà Mạnh đã có phản ứng đầu tiên trên tài khoản mạng xã hội cá nhân.
Cụ thể, trong dòng trạng thái được đăng tải trên mạng xã hội WeChat, bà Mạnh cho biết bà rất tự hào về Huawei và về đất nước mình:
"Tôi đang ở Vancouver, và đã được trở về với gia đình", bà Mạnh thông báo cho người thân và bạn bè về tình hình của mình.
"Tôi rất tự hào về Huawei, và tự hào về đất nước của mình. Xin cảm ơn tất cả mọi người vì đã dành sự quan tâm và lo lắng cho tình hình của tôi", nữ CFO của tập đoàn Huawei cho hay.
Dòng trạng thái được đăng trên tài khoản WeChat của bà Mạnh.
Bà Mạnh, con gái ruột của nhà sáng lập tập đoàn viễn thông Huawei - Nhậm Chính Phi - đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ khi đang quá cảnh tại thành phố Vancouver, Canada do cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Iran.
Tuy đã được tại ngoại, nhưng bà Mạnh vẫn đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ để phía Mỹ tiếp tục điều tra và xét xử bà về cáo buộc gian lận này. Nếu bị kết tội, nữ CFO của tập đoàn Huawei có thể sẽ phải nhận mức án lên tới 30 năm tù giam cho mỗi cáo buộc.
Bà Mạnh đã một mực khẳng định mình không phạm pháp, và phía Bắc Kinh cũng đã có những phản ứng rất mạnh mẽ như triệu tập Đại sứ Canada và Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Ottawa phải thả người ngay lập tức.
Tuy cả Mỹ và Trung Quốc đều cố gắng không khơi gợi về mối liên hệ giữa vụ bắt giữ bà Mạnh và các cuộc đàm phán thương mại của hai nước, nhưng rất nhiều người đã nghĩ tới điều này, do bà Mạnh giữ chức vụ cao trong tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc và thuộc hàng top trên thế giới.
Ông Trump tuyên bố ý định can thiệp, Bắc Kinh liền "hoan nghênh"
Vụ việc này đã khiến hai nước càng thêm căng thẳng và xung đột, đặc biệt là trong thời điểm được đánh giá là vô cùng nhạy cảm, khi lãnh đạo hai bên chỉ vừa mới đạt được sự đồng thuận về một thỏa thuận đình chiến thương mại tạm thời vào đầu tháng này.
Hôm 11/12 vừa qua, trả lời phỏng vấn của Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông rất có thể sẽ can thiệp vào quyết định của Bộ Tư pháp Mỹ trong vụ bắt giữ CFO của tập đoàn Huawei, nếu như điều này có lợi cho an ninh quốc gia, hay giúp Washington đạt được thỏa thuận "lớn chưa từng có" (theo lời ông Trump) với Trung Quốc.
Phát biểu tại cuộc họp báo định kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định Bắc Kinh hoan nghênh mọi nỗ lực của phía Mỹ nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại.
"Dù là bất cứ ai, kể cả Tổng thống Mỹ hay một quan chức cấp cao, sẵn sàng nỗ lực thúc đẩy [các cuộc đàm phán] theo hướng tích cực, thì tất nhiên chúng tôi sẽ hoan nghênh điều đó", ông Lục cho biết.
Sau khi gửi những lời cảnh báo, đe dọa trả đũa tới chính phủ hai nước Canada và Mỹ, thì Trung Quốc dường như đã có động thái đầu tiên khi tiến hành bắt giữ ông Michael Kovrig, một nhà cựu ngoại giao Canada tại nước này, chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi bà Mạnh bị bắt và giam giữ tại Canada.
Tới nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục từ chối tiết lộ thông tin về địa điểm giam giữ ông Kovrig. Trước khi trở thành cố vấn cấp cao cho tổ chức phi chính phủ Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, ông Kovrig từng là một nhà ngoại giao tại Bắc Kinh, và đã từng tham gia lên kế hoạch cho chuyến thăm Hồng Kông năm 2016 của Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Trong cuộc họp báo định kỳ, ông Lục không đưa ra bình luận về mối liên hệ giữa hai vụ bắt giữ nói trên, tuy nhiên ông đã cảnh báo Canada cần "chấn chỉnh lại những sai sót của mình ngay lập tức".