Người muốn dẫn độ CFO Huawei về Mỹ: "Lạnh lùng" với tội phạm, từng "trảm" trùm ma túy, băng đảng khét tiếng

Tất Đạt |

Nếu bị dẫn độ sang Mỹ, bà Mạnh Vãn Chu sẽ phải "đương đầu" với một công tố viên dày dạn kinh nghiệm với tội phạm quốc tế.

Công tố viên Mỹ có khả năng yêu cầu dẫn độ Giám đốc Tài chính (CFO) Huawei Mạnh Vãn Chu về Mỹ cũng chính là người đã theo đuổi các vụ án hình sự nhằm vào Jho Low - đối tượng bị truy nã gắt gao nhất của Malaysia trong bê bối quỹ đầu tư 1MDB - và Joaquín Guzmán Loera, một trùm ma túy khét tiếng của Mexico được biết đến với biệt danh "El Chapo".

Theo SCMP, vị công tố viên nói trên là Richard P. Donoghue. Ông được bổ nhiệm làm Chưởng lý Eastern District, New York từ tháng 1/2018. Tại đây, ông đã đưa các thành viên của băng đảng MS-13, tội phạm "cổ cồn trắng" và các chính trị gia tham nhũng ra xét xử.

Từ khi trở lại New York, ông đã tiếp nhận các vụ án hình sự và dân sự có yếu tố quốc tế.

Văn phòng của ông Donoghu hiện đang tìm cách dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu - CFO của Huawei và cũng là con gái của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi - về Mỹ với các cáo buộc liên quan tới việc tập đoàn Huawei vi phạm cấm vận của Mỹ và EU đối với Iran.

Vụ bắt giữ bà Mạnh tại Canada đã khiến Trung Quốc nổi giận và làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hôm 11/12 (giờ Canada), tòa án Canada đã cho phép bà Mạnh được tại ngoại với khoản tiền bảo lãnh tổng cộng 7,46 triệu USD bằng tiền mặt và thế chấp tài sản.

Người muốn dẫn độ CFO Huawei về Mỹ: Lạnh lùng với tội phạm, từng trảm trùm ma túy, băng đảng khét tiếng - Ảnh 1.

Công tố viên Richard Donoghue từng xét xử những tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Ảnh: Bộ Tư pháp Mỹ

Hàng loạt thành tích chống tội phạm

Hồi tháng 10, đội ngũ của ông Donoghue đã đưa một nghi phạm ra ở Long Island ra tòa với tội danh đe dọa sát hại hai thượng nghị sĩ Mỹ vì ủng hộ ông Brett Kavanaugh vào Tòa án Tối cao Mỹ.

Một tháng sau đó, ông Donoghue cùng các cộng sự đã đưa ra cáo buộc nhằm vào đối tượng bị truy nã gắt gao của Malaysia là Jho Low và Roger Ng - một cựu chuyên viên tại ngân hàng Goldman Sachs - vì hành vi biển thủ và rửa tiền từ quỹ đầu tư 1MDB. Vụ bê bối này là nguyên nhân khiến Thủ tướng Malaysia tiền nhiệm Najib Razak mất chức.

Cũng trong tháng 11, văn phòng của ông Donoghue đã khởi tố vụ gian lận dân sự đối với ngân hàng UBS của Thụy Sĩ do liên quan đến việc bán chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đặc biệt hơn cả, ông Donoghue đã thụ lí vụ xét xử Guzmán, một trùm ma túy với biệt danh "El Chapo" (tạm dịch: Kẻ lùn - ND). Được biết, với vai trò là người đứng đầu tổ chức vận chuyển ma túy quốc tế Sinaloa Cartel, Guzmán đã bị Bộ Ngân khố Hoa Kỳ coi là "kẻ buôn ma túy quyền lực nhất trên thế giới".

Trước đây, tên này đã trốn thoát khỏi một trong những nhà tù kiên cố nhất của Mexico bằng đường hầm bí mật nhưng đã bị bắt lại vào năm 2016 và bị dẫn độ về Mỹ vào năm 2017.

Người muốn dẫn độ CFO Huawei về Mỹ: Lạnh lùng với tội phạm, từng trảm trùm ma túy, băng đảng khét tiếng - Ảnh 2.

Trùm ma túy Joaquin ‘El Chapo’ Guzman tại tòa án liên bang Brooklyn ở New York. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, ông Donoghue cũng có kinh nghiệm trong việc truy tố các thành viên của băng đảng tội ác MS-13. Ông Trump đã thường xuyên nhắc tới MS-13 như là bằng chứng đanh thép nhất cho chính sách nhập cư của mình.

Cụ thể, MS-13 nổi tiếng với những vụ giết người thuê, hoạt động mại dâm và buôn bán ma túy trên toàn thế giới. Cảnh sát Mỹ nhận định tội ác của băng đảng rất tinh vi, tàn bạo và đã trở thành nỗi ám ảnh, gây khiếp sợ khắp nước Mỹ và khu vực lân cận.

Năm 2008, FBI ước tính MS-13 có khoảng 6.000 đến 10.000 thành viên tập trung ở Mỹ. Với con số này, băng MS-13 đã lọt vào danh sách những băng đảng tội phạm lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã cam kết sẽ “tiêu diệt” MS-13 với sự hỗ trợ của những nhân vật quan trọng, trong đó có ông Donoghue.

"Tất cả những thành viên của MS-13 tại Long Island nên biết rằng, ông Richard Donoghue sẽ dùng tất cả những công cụ pháp lí cần thiết để quét sạch tội ác khỏi đường phố," ông Sessions nói.

Kho kinh nghiệm "đồ sộ"

Trước khi trở lại Eastern District, ông Donoghue đã dành 7 năm làm phó chủ tịch cao cấp kiêm trưởng cố vấn tranh tụng tại CA Technologies, một công ty phần mềm ở Long Island và được Broadcom mua lại với giá 18,9 tỉ USD vào năm ngoái.

Ông Donoghue là một trong hai công tố viên liên bang chịu trách nhiệm giám sát các vụ án hình sự tại New York và các khu vực lân cận. Khu vực Eastern District bao gồm Brooklyn, Queens, Long Island và cả Sân bay Quốc tế John F. Kennedy.

Tại văn phòng của mình, ông Donoghue quản lí 115 trợ lí luật sư hình sự và 60 luật sư dân sự.

Tốt nghiệp từ trường Luật thuộc Đại học St. John, ông Donoghue từng có thời gian phục vụ với vai trò là lính nhảy dù trong quân đội Mỹ. Ông đã bắt đầu sự nghiệp pháp lí của mình khi đang tại ngũ.

Ông gia nhập Văn phòng Chưởng lý vào năm 2000 với cương vị là trợ lí và sau này trở thành trưởng phòng hình sự. Donoghue được bổ nhiệm làm Chưởng lý tạm thời vào tháng 1, nhưng không được tổng thống Donald Trump chính thức thông qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại