Hà Nội: Số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng 4 lần so với cùng kỳ 2022, ghi nhận thêm 1 ca tử vong

PV |

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 1 đến 8/9, TP Hà Nội ghi nhận 1.669 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 540 trường hợp so với tuần trước đó; ghi nhận thêm 1 ca tử vong là bệnh nhân nữ 20 tuổi ở huyện Quốc Oai.

Cụ thể, các ca mắc sốt xuất huyết mới trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Hoàng Mai (137 ca), Đống Đa (119 ca), Thanh Trì (115 ca), Hà Đông (109 ca), Nam Từ Liêm (104 ca), Cầu Giấy (94 ca), Chương Mỹ (81 ca), Phú Xuyên (79 ca), Thanh Xuân (75 ca), Phúc Thọ (72 ca).

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội ghi nhận 8.362 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong (một nam bệnh nhân 19 tuổi, quận Hà Đông; một bệnh nhân nữ 45 tuổi, quận Hoàn Kiếm và một bệnh nhân nữ 20 tuổi, huyện Quốc Oai). So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gấp 4 lần, số ca tử vong tương đương.

Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong năm 2023 là: Thạch Thất (763 ca), Hoàng Mai (672 ca), Thanh Trì (624 ca), Hà Đông (476 ca), Đống Đa (454 ca), Phú Xuyên (441 ca), Bắc Từ Liêm (433 ca), Nam Từ Liêm (432 ca), Cầu Giấy (429 ca).

Theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần này có thể tiếp tục có xu hướng gia tăng so với tuần trước. Dự báo, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới.

Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau.

Nguyên nhân gia tăng bệnh sốt xuất huyết hiện nay là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, đặc biệt miền Bắc đang trong điều kiện thời tiết nắng mưa đan xen.

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh giữa các vùng miền cũng làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh. Môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý, dẫn đến phát sinh các ổ bọ gậy của muỗi truyền bệnh.

Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2023 và 2024, hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền.

Theo khuyến cáo các chuyên gia y tế, bệnh sốt xuất huyết diễn biến khó lường, thậm chí dễ dẫn đến biến chứng giảm tiểu cầu gây xuất huyết nặng, viêm phổi cấp hay suy đa tạng… nhất là với những người có bệnh nền.

Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người dân cần làm xét nghiệm chẩn đoán và điều trị dưới sự giám sát của nhân viên y tế, không tự ý điều trị tại nhà.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, kéo dài, Bộ Y tế cũng đã gửi Công văn số 5480/BYT-DP đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Trong đó, các cơ sở y tế dự phòng phải đảm bảo đủ nhu cầu về hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là hóa chất phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và máy phun hóa chất để thực hiện công tác xử lý ổ dịch trên địa bàn triệt để, hiệu quả.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập đảm bảo sẵn sàng thiết bị, thuốc, đặc biệt là dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại