Dấu hiệu cúm
Theo TS Đỗ Thiện Hải - Trưởng khoa Nội nhiễm - Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp. Bệnh cúm thường có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho... Chủng cúm hay gặp nhất là cúm A và B, thường có thể tự khỏi sau 2-7 ngày.
TS Hải cho biết việc điều trị cúm chủ yếu là điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi, cách ly phòng lây nhiễm, sau vài ngày sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh cúm dễ biến chứng sang viêm đường hô hấp, nhất là ở trẻ em có sức đề kháng kém. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch…, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng...
Ngoài biến chứng gây viêm phổi, viêm não, gần đây bắt đầu xuất hiện những ca biến chứng sang viêm cơ tim. Bệnh nhi bị viêm cơ tim sau cúm thường có biểu hiện sốt cao, đau ngực, đau bụng, buồn nôn, nhịp tim nhanh và tử vong đột ngột. Phần lớn trẻ mắc bệnh dưới 3 tuổi, đủ tuổi tiêm vắc-xin ngừa cúm, nhưng hầu hết số trẻ này chưa được gia đình cho đi tiêm. Một số trẻ có biến chứng viêm não sau khi nhiễm cúm khoảng từ ngày thứ 3 đến thứ 10.
Những trẻ này thường nhập viện trong tình trạng sốt, viêm đường hô hấp, ho, khò khè, lơ mơ, co giật, xét nghiệm cúm dịch có dương tính. Hiện nay, trung tâm còn vài bệnh nhân đang đợi kết quả xét nghiệm xem có bị biến chứng viêm não không. Tuy nhiên, những ca bệnh này đều có biểu hiện của viêm não như trẻ phản ứng chậm chạp, sốt cao, lơ mơ, li bì…
Chủ động phòng bệnh bằng vắc xin
TS. Hải khuyến cáo với thời tiết đông xuân như hiện nay số ca mắc bệnh còn có thể tăng trong những ngày tới. Chính vì vậy, phụ huynh cần chủ động phòng cúm cho trẻ nhất là các trường hợp trẻ bị bệnh bệnh mãn tính, bệnh bẩm sinh, có tiền sử viêm phổi.
Để phòng bệnh cúm, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể; đeo khẩu trang.
Dấu hiệu của bệnh cúm. |
Theo bác sĩ Phạm Thị Ngoan – Trưởng phòng tiêm chủng, Bệnh viện Đa khoa An Việt khuyến cáo việc tiêm phòng cúm là cần thiết. Đặc biệt với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm cao như nhân viên y tế; trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…); người trên 65 tuổi.
Theo Bác sĩ Ngoan liều tiêm và lịch tiêm phòng vắc xin cúm ở trẻ em và người lớn cụ thể như sau:
Trẻ em từ 6 đến 35 tháng tuổi: tiêm liều 0,25ml.
Người lớn và trẻ em từ 36 tháng tuổi trở lên: tiêm liều 0,5 ml.
Trẻ em dưới 9 tuổi nếu trước đây chưa bị cúm hoặc chưa từng tiêm vắc xin cúm thì nên tiêm 2 mũi. Mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng. Và sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.
Tiêm ngừa cúm cần được tiêm mỗi năm một lần do thời gian miễn dịch trung bình một năm. Có rất nhiều chủng virus cúm (influenza) và các chủng virus cúm cũng luôn luôn biến đổi. Vì vậy, thành phần của vắc xin cúm được nghiên cứu, cập nhật và thay đổi hàng năm để phù hợp hơn với các chủng virus cúm đang lưu hành năm đó. Vắc xin cúm sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của bạn để tạo ra kháng thể chống lại virus cúm.
BS Ngoan cho biết tiêm phòng cúm rất hiếm khi xảy ra phản ứng phụ của vắc xin. |
Nhiều phụ huynh lo lắng tác dụng phụ của vắc xin cúm, bác sĩ Ngoan cho biết các phản ứng sau tiêm của vắc xin cúm có thể xảy ra như sưng, nóng, đỏ tại vị trí tiêm vắc – xin, sốt, đau cơ, buồn nôn, mệt mỏi. Tuy nhiên, các tác dụng không mong muốn xảy ra sau khi sử dụng vắc - xin phòng cúm đường tiêm thường sớm xuất hiện, nhẹ và tự hết sau vài ngày mà không cần can thiệp điều trị.