Điều chỉnh nhiều tuyến xe buýt, nhiều người than bất lợi
Mới đây, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) Nguyễn Hoàng Hải cho biết, hiện có 43 tuyến buýt hoạt động dọc hành lang tuyến, chiếm khoảng 40% số lượng tuyến của toàn mạng lưới.
Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng và báo cáo UBND TP phương án kết nối trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông.
Theo đó, Hà Nội sẽ điều chỉnh 4 tuyến buýt trùng lộ trình với tuyến ĐSĐT 2A (tuyến số 02, 21, 27, 33), duy trì hoạt động của tuyến buýt số 01. BX Gia Lâm- BX Yên Nghĩa.
Theo ông Hải, phương án này theo nguyên tắc giảm tối đa hiện tượng trùng tuyến, giảm mật độ, số lượng xe buýt trên trục dọc tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, chỉ xem xét giữ lại một số tuyến buýt để có thể kết nối trực tiếp từ Yên Nghĩa tới các khu vực xa trung tâm.
Đồng thời, bố trí các điểm dừng xe buýt hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi chuyển tuyến, đảm bảo khoảng cách điểm dừng xe buýt tới nhà ga không quá 500m...
Ngày 22.3, khi nghe tin Sở GTVT Hà Nội đề xuất điều chỉnh một số tuyến xe buýt nhằm tránh trùng lộ trình với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (2A), nhiều hành khách đang sử dụng xe buýt thường xuyên cũng tỏ ra thấy việc điều chỉnh này khiến nhiều người di chuyển bất tiện hơn.
Anh Nguyễn Văn Long (45 tuổi, Yên Nghĩa, Hà Đông) cho hay, đơn vị làm việc của tôi ở Tây Sơn, do đó hàng ngày chỉ cần đi một tuyến xe buýt 02 là tới nơi làm việc.
Tuy nhiên, bây giờ nếu muốn tới cơ quan, anh Long phải đi tàu trên cao và dừng lại ở một ga khác hoặc phải xuống ga Láng để bắt tiếp một tuyến buýt khác mới tới nơi làm việc được.
Như vậy thời gian chờ và chuẩn bị của tôi sẽ lâu hơn so với trước, việc lên xuống như vậy cũng rất mất công” - anh Long phàn nàn.
Nhiều tuyến buýt dọc tuyến đường Nguyễn Trãi phải thay đổi lộ trình. Ảnh: TRẦN VƯƠNG
Không đẩy người dân vào thế khó...
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, việc điều chỉnh tại ga Cát Linh có 7 tuyến buýt, Yên Nghĩa có 11 tuyến và mỗi ga khác có trung bình từ 2-3 tuyến.
Như vậy hành khách khi sử dụng tuyến đường sắt trên cao này có thể kết nối cùng với hệ thống giao thông công cộng khác.
Việc Hà Nội làm giao thông công cộng như đường sắt trên cao mục đích không phải triệt tiêu phương tiện khác mà là để hạn chế phương tiện cá nhân, thay đổi thói quen sử dụng phương tiện của người dân.
Liên quan tới vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại cho rằng, xét về thứ tự tổ chức ưu tiên luôn phải ưu tiên cho phương tiện có lưu lượng vận tải lớn, tốc độ nhanh, vì thế việc điều chỉnh ưu tiên khách cho tàu điện trên cao là hợp lý.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện điều chỉnh tuyến thì Hà Nội phải bảo đảm tổ chức kết nối giữa các phương tiện tạo sự thuận lợi cho người di chuyển.
Còn PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT cho rằng, việc điều chỉnh nói trên là đúng và thông thường, ở các nước họ cũng làm vậy.
Theo đó, khi có tuyến đường sắt trên cao, người ta sẽ điều chỉnh tuyến xe buýt để làm sao sử dụng tối đa đường sắt trên cao vì tốc độ cao hơn, lưu lượng vận tải lớn hơn.
Điều chỉnh 4 tuyến trùng lộ trình
Sở GTVT Hà Nội đề xuất điều chỉnh tuyến buýt để tránh trùng lộ trình với đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đồng thời tăng khả năng kết nối với mạng lưới giao thông đô thị.
Cụ thể, tuyến buýt 02 (Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa) sẽ chuyển thành tuyến ngang (Bác Cổ - Bến xe Mỹ Đình) kết nối với đường sắt 2A tại Ga Láng, cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ ngã tư Sở tới Bến xe Yên Nghĩa (9km). Điều chỉnh tuyến buýt 27 (Bến xe Yên Nghĩa - Nam Thăng Long) thành tuyến ngang (KĐT Định Công - Nam Thăng Long), kết nối với tuyến ĐSĐT 2A tại Ga Láng, cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ga Láng đến Bến xe Yên Nghĩa (10 km).
Tuyến buýt 33 (Bến xe Yên Nghĩa - Xuân Đỉnh) sẽ chuyển thành tuyến ngang (Cụm công nghiệp Thanh Oai - Xuân Đỉnh), kết nối với đường sắt 2A tại 2 ga (Hà Đông, Văn Khê), cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ga Văn Quán đến Ga Hà Đông và từ Ga Văn Khê tới Ga Yên Nghĩa (3 km).
Điều chỉnh hợp nhất 2 nhánh tuyến 21A (Bến xe Giáp Bát - Bến xe Yên Nghĩa) và nhánh tuyến 21B (KĐT Pháp Vân, Tứ Hiệp - Bến xe Mỹ Đình) thành một tuyến ngang số 21 (KĐT Pháp Vân, Tứ Hiệp - Trần Vỹ) kết nối với tuyến 2A tại 2 ga (Thượng Đình, Vành Đai 3), cắt bỏ đoạn trùng tuyến từ Ga Vành Đai 3 đến Ga Yên Nghĩa (7,5 km).