Hà Nội: Cảnh báo nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt trong dịp Lễ hội đầu năm

Ngọc Minh |

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội trong 9 ngày nghỉ Tết nguyên đán số ca mắc sởi và tay chân miệng tăng, chưa ghi nhận có trưởng hợp tử vong.

Sởi tăng số ca mắc

Cụ thể, trên địa bàn TP. Hà Nội ghi nhận 6 ca mắc sởi phải vào viện điều trị, nâng tổng số mắc từ đầu năm đến nay lên 114 ca, tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2018. Tay – chân – miệng trong tuần ghi nhận 09 trường hợp. Lũy tích năm 2019 ghi nhận 59 trường hợp.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết thời tiết miền Bắc hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh đường hô hấp và tiêu hóa phát triển, đặc biệt trong dịp Lễ hội đầu năm.

Để chủ động phòng chống các dịch bệnh này, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động trong việc vệ sinh môi trường khử khuẩn, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh.

Hà Nội: Cảnh báo nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt trong dịp Lễ hội đầu năm - Ảnh 1.

Các tác nhân gây bệnh đường hô hấp và tiêu hóa phát triển, đặc biệt trong dịp Lễ hội đầu năm.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội ông Nguyễn Nhật Cảm cũng cho biết thêm sởi là bệnh truyền nhiễm, dễ lây thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi.

Theo điều tra dịch tễ cho thấy 89,1% số ca mắc chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ liều, 53,1% trường hợp mắc sởi là trẻ trên 5 tuổi và người lớn.

Tại khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai số ca mắc sởi tăng đột biến, trong đó có đối tượng mắc khi đang mang bầu, người già, người có bệnh lý mãn tính

Để phòng chống bệnh sởi có nguy cơ bùng phát, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân cần chủ động hơn nữa trong tiêm vắc xin phòng bệnh. Các gia đình cần đưa trẻ từ đủ 9 tháng tuổi đến các điểm tiêm chủng tại trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin sởi mũi 1; khi trẻ đủ 18 tháng tuổi cần tiêm nhắc lại vắc xin sởi mũi 2.

Ngoài sởi, hiện dịch cúm cũng đang tăng các trường hợp mắc cúm trên người chủ yếu là cúm mùa: A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo trong giai đoạn mùa Đông- Xuân hiện nay, nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người không hề nhỏ, nhất là khi nhu cầu vận chuyển, tiêu thụ gia cầm tăng cao.

Để chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn cả người lớn và trẻ em, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, trước

Thực hiện nghiêm túc việc ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch cho ăn uống và sinh hoạt.

Dân không ăn thịt và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm mắc bệnh, ốm chết; đặc biệt không ăn tiết canh cũng như các loại thịt gia súc, gia cầm chưa được nấu chín. Đồng thời ngủ màn, phòng chống muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm phải đến ngay cơ sở y tế để được khám bệnh và hướng dẫn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại