GS.TS Phạm Như Hiệp: Telehealth giúp hoạt động khám chữa bệnh an toàn hơn trong đại dịch COVID-19

Thu Hà (thực hiện) |

Ngày 1/9/2020, Bệnh viện Trung ương Huế khai trương Trung tâm Tư vấn, Khám chữa bệnh từ xa do Tập đoàn Viettel phối hợp xây dựng. Telehealth đã đóng góp thế nào trong giai đoạn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế “chia lửa” với Đà Nẵng? Chúng tôi có cuộc trò chuyện với GS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện về vấn đề này.

GS.TS Phạm Như Hiệp: Telehealth giúp hoạt động khám chữa bệnh an toàn hơn trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Bệnh viện (BV) Trung ương Huế vừa khai trương Trung tâm Tư vấn và Khám chữa bệnh từ xa đầu tiên ở miền Trung. Cảm giác của ông như thế nào khi đứng trong một sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo Bô Y tế nhưng không phải tại Huế mà từ Hà Nội và hàng trăm bác sĩ từ các điểm cầu khác?

GS.TS Phạm Như Hiệp: Sự kiện khai trương Trung tâm Tư vấn và Khám chữa bệnh từ xa sử dụng công nghệ Viettel Telehealth của BV Trung ương Huế mặc dù không có sự tham gia trực tiếp của Bộ Y tế nhưng lãnh đạo Bộ vẫn theo dõi từ đầu cầu tại Hà Nội. Cùng với đó là sự tham gia của hơn 300 bác sĩ tại 5 điểm cầu trực tiếp và sự theo dõi tại hơn 90 điểm cầu từ các bệnh viện khác cũng như được live stream trên website của BV Trung ương Huế...

Sự kiện này với chúng tôi rất sức quan trọng vì khi thực hiện được việc khám chữa bệnh từ xa, kể cả trong thời điểm dịch COVID-19 cần hạn chế đi lại, chúng tôi sẽ giúp các bệnh nhân ở tại chỗ vẫn nhận được sự theo dõi, điều trị của các bác sĩ ở tuyến trung ương. Điều này rất cần thiết.

GS.TS Phạm Như Hiệp: Telehealth giúp hoạt động khám chữa bệnh an toàn hơn trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

BV Trung ương Huế vừa “chia lửa” thành công với Đà Nẵng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Nhận một nhiệm vụ vô cùng nặng nề là điều trị số lượng lớn bệnh nhân Covid-19 nặng, chắc rằng BV đã trải qua một thời kỳ rất khó khăn. Ông có thể chia sẻ những ấn tượng, câu chuyện, kỷ niệm về giai đoạn lịch sử đó không?

GS.TS Phạm Như Hiệp: Bệnh viện Trung ương Huế đã “thực chiến” với Covid-19 trong giai đoạn 1 của dịch. Tuy nhiên, ở giai đoạn 1, bệnh viện điều trị chủ yếu là các bệnh nhân từ nguồn nhập cảnh. Những bệnh nhân đó không phải bệnh nhân nặng và không đến viện trong tình trạng hồi sức, nếu có thì chỉ là những bệnh nền vừa phải. Vì thế, việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở giai đoạn đó khá đơn giản. Chúng tôi chỉ gặp một vài bệnh nhân không phải bệnh nhân Covid-19 nhưng là F1 và trong tình trạng hồi sức nặng.

Còn lần này, việc hỗ trợ điều trị cho Đà Nẵng lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Những bệnh nhân đến đây chủ yếu là từ khoa thận nhân tạo. Đó là những bệnh nhân đã suy thận trong nhiều năm, tình trạng rất nặng. Bệnh viện đã trải qua thời kỳ rất khó khăn, bởi phải triển khai đồng loạt việc cấp cứu, điều trị cùng lúc cho hơn 20 bệnh nhân phần lớn nằm trong tình trạng hồi sức.

Những bệnh nhân không hồi sức thì lại thuộc dạng bệnh nền rất nặng, phải chạy thận nhân tạo hỗ trợ có chu kỳ, triển khai các kỹ thuật cao như ECMO, lọc máu liên tục. Đa phần các bệnh nhân phải thở máy. Có những bệnh nhân nặng đến mức đã có hiện tượng ngừng tuần hoàn tại Đà Nẵng sau đó mới chuyển đến BV Trung ương Huế.

Đó là một giai đoạn rất khó khăn với BV Trung ương Huế. Bạn nói đúng, đó là một giai đoạn lịch sử. Có lẽ sau này rất khó gặp lại những tình huống như vậy nữa.

Khó khăn nhất là điều trị bệnh nhân trong tình trạng phải kiểm soát về nhiễm khuẩn cực kỳ nghiên ngặt. Đó là một thách thức rất lớn đối với bệnh viện. Chúng tôi đã hoàn thành việc “chia lửa” cho Đà Nẵng nhờ vào sự quyết tâm rất cao của các y bác sĩ tại BV Trung ương Huế, đặc biệt là hệ thống Hồi sức và sự hỗ trợ của Bộ Y tế.

GS.TS Phạm Như Hiệp: Telehealth giúp hoạt động khám chữa bệnh an toàn hơn trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Đã từng được tham gia một số buổi hội chẩn trực tuyến do Bộ Y tế chủ trì cùng sự tham gia của Tiểu ban điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid và nhiều điểm cầu là các đơn vị tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19. Thưa ông, những buổi hội chẩn trực tuyến quy mô như thế có phải là điểm rất mới trong 2 lần chống dịch Covid-19 không? Trước đó, đã bao giờ Việt Nam tổ chức các buổi hội chẩn quy mô lớn như vậy chưa?

GS.TS Phạm Như Hiệp: Hội chẩn trực tuyến rất cần thiết. Bộ Y tế đã thiết lập Hội chẩn trực tuyến dưới sự hỗ trợ của Viettel từ giai đoạn đầu của dịch vì khoảng tháng 3/2020 đã liên tục có các ca bệnh nặng, ca bệnh khó. Cho đến nay, các hoạt động hỗ trợ trực tuyến vẫn được Bộ Y tế duy trì thường xuyên.

Những buổi hội chẩn trực tuyến giúp chúng tôi rút ra được rất nhiều kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Đây là bước tiến rất mới. Trước đây, triển khai công tác khám chữa bệnh trực tuyến thường khó và sự quan tâm không được cao như bây giờ. Từ khi có dịch Covid-19, việc khám chữa bệnh trực tuyến phát huy tác dụng rất cao vì vừa ngăn ngừa bệnh tật vừa giúp cho cơ sở y tế khám chữa bệnh cho bệnh nhân một cách tốt nhất trong điều kiện dịch bệnh.

GS.TS Phạm Như Hiệp: Telehealth giúp hoạt động khám chữa bệnh an toàn hơn trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Các buổi hội chẩn hội tụ chuyên gia hàng đầu của cả nước thông qua nền tảng trực tuyến Telehealth đã trợ giúp như thế nào cho BV Trung ương Huế trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19? Làm 1 phép so sánh, nếu là ngày trước, không có sự hỗ trợ của nền tảng công nghệ hiện đại như vậy, việc điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng có gặp khó khăn gì không?

GS.TS Phạm Như Hiệp: Nếu như không có nền tảng trực tuyến, việc chuyên gia hàng đầu tiếp cận với bệnh nhân rất khó, vì họ ở nơi rất xa. Chuyên gia của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BV Đại học Y Hà Nội hay các bệnh viện lớn sẽ rất khó hỗ trợ cho các bệnh viện điều trị trực tiếp COVID-19.

Nền tảng công nghệ Telehealth đã tạo điều kiện cho các chuyên gia được tiếp xúc với các nhân viên y tế tại chỗ, nắm chắc tình hình bệnh nhân trong các khu cách ly. Nền tảng trực tuyến cũng giúp nhân viên y tế của chúng tôi tiếp cận với bệnh nhân nhanh hơn, an toàn hơn. Tất cả những điều đó sẽ nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Viettel là đơn vị rất mạnh về viễn thông, đồng thời cũng đóng góp rất nhiều cho các dự án vì sức khoẻ của người dân cũng như hợp tác với ngành y tế triển khai các hoạt động tư vấn và khám chữa bệnh từ xa. Đặc biệt trong 2 giai đoạn chống dịch, Viettel hỗ trợ cho ngành y tế rất nhiều trong việc phối hợp triển khai các hoạt động phòng chống dịch cũng như hội chẩn các ca nặng từ các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tuyến cơ sở có tham gia điều trị bệnh Covid-19.

GS.TS Phạm Như Hiệp: Telehealth giúp hoạt động khám chữa bệnh an toàn hơn trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 5.

Quay trở lại với hệ thống Telehealth mà BV vừa khai trương và đưa vào sử dụng. BV Trung ương Huế sẽ sử dụng hệ thống này vào các hoạt động đào tạo và khám chữa bệnh như thế nào? Trước đó, Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến của BV vẫn tổ chức các buổi đào tạo trực tuyến về COVID-19. Trong thời gian tới, đây có phải là hoạt động chủ đạo mà BV sẽ tiến hành không?

GS.TS Phạm Như Hiệp: Hệ thống Telehealth được khai trương ở BV Trung ương Huế có 2 mục đích.

Thứ nhất là khám chữa bệnh cho bà con ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện đến BV Trung ương Huế. Thông qua Telehealth, các bác sĩ BV Trung ương Huế mặc dù ở rất xa nhưng vẫn có thể tiếp cận với bệnh nhân dựa trên các thông số, các hoạt động thăm khám của các bác sĩ tuyến cơ sở. Vừa khám và điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi còn hỗ trợ cho các bác sĩ tuyến cơ sở nâng cao chất lượng chuyên môn.

GS.TS Phạm Như Hiệp: Telehealth giúp hoạt động khám chữa bệnh an toàn hơn trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 6.

Thứ 2, thông qua Telehealth, chúng tôi sẽ thực hiện được việc đào tạo các bác sĩ cơ sở dễ dàng hơn. Họ không cần đến tập trung tại BV Trung ương Huế hoặc các cơ sở y tế, BV đầu ngành để được đào tạo. Thông qua việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân, chúng tôi đã thực hiện “cầm tay chỉ việc” giúp các bác sĩ của bệnh viện tuyến dưới nâng cao trình độ.

Trong ngành y, việc đào tạo trực tiếp, đào tạo thực hành rất quan trọng để giúp cho người thầy thuốc vượt qua giai đoạn đầu khó khăn, trở thành người thầy thuốc giỏi ở tuyến cơ sở.

Ông dự định tận dụng nền tảng trực tuyến Telehealth vào sự phát triển của BV như thế nào?

GS.TS Phạm Như Hiệp: Nền tảng trực tuyến Telehealth rất quan trọng vì thông qua đó chúng tôi tiếp cận và hỗ trợ được cho BV tuyến dưới trong công tác chữa bệnh và đào tạo. Ngoài ra, hệ thống Telehealth giúp kết nối các BV tuyến trên với nhau, phối hợp điều trị và hội chẩn các bệnh khó, bệnh hiếm trong nước cũng như trên thế giới.

Ông nhắc nhiều về vai trò của Telehealth trong việc khám chữa bệnh khi có dịch Covid-19. Cụ thể, hệ thống này đã phát huy tác dụng thế nào?

GS.TS Phạm Như Hiệp: Vai trò của Telehealh rất quan trọng, giúp kết nối được tuyến trên với tuyến dưới, kết nối được thầy thuốc với bệnh nhân. Nó giúp cho hoạt động khám chữa bệnh diễn ra an toàn trong điều kiện dịch bệnh, giúp bệnh nhân không phải di chuyển, hạn chế được nguy cơ tiếp xúc với dịch bệnh.

Đặc biệt trong điều kiện có địa phương bị cách ly hoặc giãn cách xã hội theo quyết định 16 của Thủ tướng thì vai trò của Telehealth vô cùng cần thiết giúp người thầy thuốc không phải đến vùng nguy hiểm bệnh nhân không phải đi ra khỏi vùng dịch, đảm bảo các yếu tố cách ly.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại