Góc khuất khó lường sau chiến thắng vang dội của Nga ở Syria

Vũ Thu Hương |

Thực sự, trong khi ông Putin và Nga có thu được một số ích lợi ngắn hạn sau việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Syria, tuy nhiên, điều này còn cách xa với việc Nga giành thắng lợi trong cuộc chiến ở Syria, Russiamatters nhận định.

heo Russiamatters, ngày 13/10, việc chính quyền ông Trump tuyên bố rút quân Mỹ khỏi miền bắc Syria đã tạo ra một cơn bão truyền thông. Nhiều báo, trang tin tuyên bố động thái này là "chiến thắng", là "món quà" cho Nga và nhà lãnh đạo Vladimir Putin.

Tuy nhiên, thực sự, trong khi ông Putin và Nga có thu được một số ích lợi ngắn hạn sau việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Syria, tuy nhiên, điều này còn cách xa với việc Nga giành thắng lợi trong cuộc chiến ở Syria.

Góc khuất khó lường sau chiến thắng vang dội của Nga ở Syria - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin

Sự rút lui bất ngờ của Mỹ

Mỹ tuyên bố ngày 13/10 rằng sẽ rút khoảng 1.000 quân khỏi miền bắc Syria, mặc cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn và người Kurd đứng đầu tự bảo vệ mình ở quốc gia Trung Đông.

Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến một số nhà hoạch định chính sách bất ngờ và nhiều người lập luận rằng Mỹ đã phản bội các đối tác người Kurd của mình, mặc dù ông Trump đã nhiều lần bày tỏ mong muốn từ bỏ Syria.

Những người phản đối chính sách của ông Trump đã nhanh chóng chỉ ra rằng việc Mỹ rút khỏi Syria mang lại lợi ích lớn cho vai trò của Nga ở quốc gia Ả Rập này.

Lợi ích của Mỹ và Nga ở Syria

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng thừa nhận rằng ngoài Mỹ, việc loại bỏ IS là mối quan tâm ưu tiên cao đối với đất nước ông. Việc có hàng ngàn công dân Nga đứng trong hàng ngũ của tổ chức khủng bố IS này khiến cho Kremlin lo sợ rằng những người này có thể trở về quê hương.

Thêm nữa, việc ngăn chặn IS cũng phù hợp với sự ủng hộ kiên định của Nga đối với đồng minh, Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Ngoài việc ngăn chặn IS, Mỹ và Nga cũng quan tâm đến việc chống lại ảnh hưởng của Iran ở Syria.

Ngăn chặn Iran là một trong những ưu tiên chiến lược của Washington và được nêu trong Chiến lược an ninh quốc gia năm 2017.

Còn với Moscow, mặc dù Nga và Iran đều ủng hộ chế độ ở Syria nhưng họ là đối thủ chiến lược chứ không phải đồng minh.

Tuy nhiên, Mỹ và Nga bất đồng trong cách chống lại ảnh hưởng của Iran ở Syria.

Tiền lệ và thực tế lịch sử ở Syria

Nga thực sự là đối thủ số một của Mỹ và đang cạnh tranh để thay thế ảnh hưởng của Mỹ không chỉ ở Syria mà trên toàn khu vực. Moscow muốn Mỹ ra khỏi Syria.

Tổng thống Putin muốn đảm bảo rằng đất nước của ông phải nắm giữ vai trò chi phối với tương lai của Syria và tuyên bố rằng tất cả các quân đội nước ngoài không được Syria mời sang giúp đỡ thì đều phải rời khỏi Syria.

Hôm 22/10, khi đứng cạnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, ông Putin nói: "Syria nên thoát khỏi sự hiện diện quân sự bất hợp pháp của nước ngoài", với ngầm ý rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria phải chấm dứt.

Syria là một trong số ít các quốc gia Trung Đông chưa bao giờ có quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Washington chưa bao giờ thực sự xem Syria là lợi ích chiến lược quốc gia. Trong khi đó, Syria đã là một đồng minh thân cận của Nga kể từ những năm 1950, khi cả hai nước đã cùng nhau ngăn chặn nỗ lực của Mỹ để đi đến hiệp ước hòa bình riêng biệt giữa Israel và các quốc gia Ả Rập.

Moscow là quốc gia viện trợ thiết bị quân sự lớn cho Syria. Mục tiêu của Nga rất rõ ràng kể từ khi bắt đầu tham gia vào cuộc nội chiến Syria: Hỗ trợ và bảo vệ chính quyền Assad.

Để đạt được những mục tiêu này, Moscow đã triển khai quân đội của mình tới Syria vào năm 2015. Các lực lượng Nga sau đó đã tiến hành giúp đỡ chính quyền Assad chống lại phe đối lập và khủng bố như Salafi-jihadi, IS, al-Qaida...

Nga đã đạt được lợi ích ngắn hạn là thể hiện được sức mạnh của mình, khả năng môi giới và phơi bày việc Mỹ không còn là một đồng minh không đáng tin cậy.

Nga càng trở nên có sức cuốn hút hơn khi Mỹ có hành động bỏ rơi người Kurd ở Syria gần đây, do đó, các nước như Ai Cập, Iraq, Saudi Arabia và Jordan gần đây đã tìm cách mở rộng hợp tác kinh tế và an ninh với Moscow.

Hiện nay, khi dấu chân của Mỹ ở Syria giảm dần, Nga đang nỗ lực để tăng cường mở rộng ảnh hưởng ở Syria và khu vực đồng thời hạn chế ảnh hưởng của Mỹ.

Chính quyền ông Assad đã sống sót nhờ sự hỗ trợ của Nga và Iran, nhưng giờ những thách thức của một quốc gia có hàng thập kỷ nội chiến là không nhỏ. Và chắc chắn rằng chính quyền ông Assad cùng với Nga và Iran khó có thể giải quyết đầy đủ những thách thức này.

Dù rõ ràng Nga đã vượt qua Mỹ trong việc gây ảnh hưởng ở Syria nhưng giờ nước này cũng phải đứng trước mớ bòng bong của việc chống lại Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Nga cũng sẽ phải đối diện với những thách thức cả về kinh tế lẫn an ninh ở mảnh đất Trung Đông này.

Nga rõ ràng đã được hưởng lợi từ việc giảm sự hiện diện của Mỹ ở Syria, nhưng điều này còn cách xa với chiến thắng trong cuộc chiến Syria như nhiều người vẫn nhắc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại