Thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa tin về nạn kích điện bắt giun đất ở nhiều nơi nhưHòa Bình, Bắc Giang, Sơn La, Tuyên Quang... Người săn bắt dùng máy kích điện cắm xuống đất, khiến toàn bộ giun trong khoảng một mét vuông sẽ chui lên.
Giun tươi được người dân bắt về đem bán cho các lò sấy ở ngay tại địa phương. Sau khi sấy khô, giun đất được bán cho các thương lái Trung Quốc. Giun đất sấy được bán với giá không hề rẻ, từ 1-1,2 triệu đồng/kg, có những thời điểm lên tới 1,5 triệu đồng/kg.
Vai trò của giun đất với ngành nông nghiệp
Theo TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, giun đất có vai trò lớn với ngành nông nghiệp, có tác dụng làm tơi xốp đất. Phân giun đất là phân bón sạch, rất tốt cho cây trồng. Giun đất có thể làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Không chỉ có vai trò lớn với nông nghiệp, giun đất còn được sử dụng làm thuốc trong y học cổ truyền.
Giun đất (ảnh minh hoạ).
Công dụng của giun đất trong y học cổ truyền
Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Việt Nam, cho hay giun đất có tên khoa học là Pheretima asiatica Mich – Lumbricus terrestris.
Trong y học cổ truyền, giun đất có vị mặn, tính hàn; quy các kinh can, tỳ, phế, thận; có tác dụng thanh nhiệt, trấn kinh, lợi niệu, giải độc. Giun đất chủ trị sốt cao phát cuồng, động kinh co giật, hen phế quản, di chứng bại liệt nửa người, đau nhức do phong thấp, tiểu không thông.
TS Giang cho hay y học hiện đại đã chứng minh giun đất có tác dụng hạ nhiệt, an thần, giãn phế quản, giãn mạch, kháng histamin, chống co giật, chống hình thành huyết khối…
Lương y Sáng liệt kê một số bài thuốc sử dụng giun đất:
- Chữa đau nhức khớp xương, viêm sưng đỏ, tiểu tiện vàng ít nước: Giun đất khô 6g, phụ tử chế 6g, nhũ hương 5g, một dược 5g, thiên nam tinh 6g tất cả tán bột trộn với rượu hoàn viên uống.
- Hạ sốt cao, cắt cơn co giật: giun đất khô 10g, bọ cạp 3g, liên kiều 10g, kim ngân hoa 12g, câu đằng 12g. Sắc uống hoặc tán bột mỗi lần 3g, chia 2 lần.
- Chữa sốt cao: giun đất 10g, chu sa 3g. Tán bột hoàn viên mỗi ngày uống 3g.
- Chữa hen phế quản: giun đất 15g, cam thảo sống 15g. Tán bột trộn đều mỗi ngày uống 3g/2 lần.
Cần bào chế rất cẩn thận
Tuy nhiên, để giun đất có thể dùng an toàn cho con người, TS Giang cho biết giun cần phải được bào chế rất cẩn thận, theo các bước sau:
- Giun đất để làm thuốc thì loại có khoang trắng là tốt nhất. Giun sau khi đào sẽ được rửa sạch bằng nước ấm cho sạch nhớt.
- Sau đó, giun đất được mổ dọc thân giun, rửa sạch đất trong bụng.
- Sau khi mổ bụng, giun được rửa sạch, ngâm với nước gạo qua đêm, sau đó vớt ra cho ráo nước rồi tẩm rượu một ngày và sấy khô kiệt.
- Sau đó đem sao giun đất cùng với gạo nếp, xuyên tiêu cho đến khi gạo chín vàng thơm. Hoặc giun đất sau khi được sơ chế sạch thì tẩm rượu hoặc tẩm gừng sao.
- Giun đất được bào chế cẩn thận, bảo quản trong lọ hoặc gói kín, khi dùng có thể sắc uống, tán bột, đốt tồn tính… tùy vào phương thuốc chữa bệnh.
Hậu quả khi tận diệt giun đất
Theo các chuyên gia, mặc dù có những công dụng nhất định, việc tận thu, tận diệt giun đất sẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái tự nhiên, gây ra nhiều hậu quả nặng nề.
Lương y Sáng cho biết tác dụng chữa bệnh của giun đất đang bị thổi phồng. Hiện nay, rất nhiều người cho rằng giun đất chữa được ung thư, điều này là không có căn cứ khoa học. Giun đất chỉ là một trong những dược liệu chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu bắt giun đất kiểu tận diệt như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn tới môi trường.
TS. Giang cho biết thêm: Tận diệt giun đất sẽ gây ra hậu quả khôn lường đến hệ sinh thái nói chung, bởi giun đất đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đất cho cây trồng. Ngoài ra, khi sử dụng kích điện, không chỉ giun đất bị tổn thương mà hàng loạt các sinh vật trong đất khác cũng bị hủy diệt, gây suy thoái đất và phá hoại môi trường.