Anh điều thêm tàu đến biển Đen diễn ra giữa lúc căng thẳng Nga-Ukraine. (Ảnh: RIA)
Theo ông Pushkov, đây là một dấu hiệu ủng hộ Ukraine liên quan đến tình hình ở biên giới Nga-Ukraine.
Trước đó, Times trích dẫn các nguồn tin trong Hải quân Hoàng gia Anh cho biết, London sẽ cử một tàu khu trục và một tàu chống ngầm đến Biển Đen vào tháng 5. Mục đích của việc triển khai quân ngoài khơi Ukraine là để chứng tỏ sự đoàn kết của London với Kiev và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong khu vực.
Các nguồn tin hải quân cấp cao Anh cho biết tàu khu trục trang bị lên lửa phòng không và tàu khu trục chống ngầm sẽ tách khỏi nhóm tác chiến tàu sân bay Hải quân Hoàng gia ở Địa Trung Hải, hướng tới Bosphorus để vào Biển Đen.
Máy bay tàng hình F-35B Lighting và trực thăng săn ngầm Merlin của Không quân Hoàng gia Anh sẽ sẵn sàng trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của nhóm tác chiến để ủng hộ các tàu chiến ở Biển Đen.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh cho biết, nước này và đồng minh kiên định ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền Ukraine và kêu gọi Nga giảm căng thẳng.
Thượng nghị sĩ Nga lưu ý trên kênh Telegram cá nhân rằng, trong một cuộc thăm dò do tờ Daily Express của Anh thực hiện, có 73% trong số gần 5.000 độc giả được khảo sát của ấn phẩm phản đối bất kỳ hành động nào của London chống lại Moscow.
“Hầu hết người Anh đều nhớ rằng các cuộc can thiệp quân sự trước đây đã khiến đất nước phải trả giá rất nhiều về sinh mạng và tiền bạc. Thủ tướng Anh Boris Johnson tốt hơn nên ‘tiết kiệm’ việc cử hai tàu chiến đến Biển Đen như một dấu hiệu ủng hộ Ukraine”, ông Pushkov nhận định.
Hải quân Nga bắt đầu tiến hành cuộc tập trận ở biển Đen, diễn tập khai hỏa nhắm vào các mục tiêu trên không và trên biển. (Ảnh: RIA)
Theo ông Pushkov, trong trường hợp này là vô ích vì hai con tàu sẽ không giải quyết được vấn đề gì.
Trước đây, Mỹ lên kế hoạch sẽ triển khai hai tàu chiến tới Biển Đen từ ngày 14/4 và 15/4. Dự kiến các tàu sẽ ở lại Biển Đen cho đến ngày 4/5. Theo quy định của công ước Montreux, tàu chiến Mỹ khi đi qua hai eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ là Bosporus và Dardanelles phải thông báo trước 15 ngày cho Ankara.
Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, các hoạt động của tàu chiến Mỹ ở Biển Đen là theo thông lệ, Mỹ đang phối hợp các hành động này với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ theo Công ước Montreux.
Tuy nhiên, hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 14/4 cho biết, Đại sứ quán Mỹ tại Ankara đã thông với Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ rằng kế hoạch trên đã bị hủy bỏ nhưng không nêu lý do cụ thể. Mỹ giải thích có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ đã hiểu sai thông báo ban đầu của Washington và việc triển khai tàu chiến chưa được xác nhận.
Giới chức Mỹ cho hay, nước này thường thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng điều tàu đến Biển Đen, nhưng việc thông báo không có nghĩa tàu Mỹ chắc chắn sẽ đi qua mà nhằm đảm bảo nếu chọn cách điều tàu đến Biển Đen thì họ đã có sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phía chính quyền ông Putin, Nga khẳng định động thái điều quân là để đảm bảo an ninh quốc gia nhằm phản ứng với việc các nước NATO đang tăng cường hiện diện gần biên giới Nga.
Hôm 14/4, Bộ Quốc phòng Nga thông báo từ 24/4 đến 31/10, sẽ không cho tàu chiến nước ngoài đi qua vùng biển của Nga ở ba khu vực trên Biển Đen. Các khu vực bị đóng cửa nằm trong lãnh hải Nga và không ngăn cản hoạt động qua lại eo biểu Kerch.
Đồng thời, hải quân Nga bắt đầu tập trận ở Biển Đen với các bài tập bắn mục tiêu trên mặt đất và trên không. Cuộc diễn tập này nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu. Theo kế hoạch, cuộc diễn tập sẽ kết thúc sau 2 tuần.
Các nước phương Tây gần đây đã bày tỏ quan ngại trước cáo buộc Nga tăng cường “các hành động gây hấn” ở Ukraine. Washington tuyên bố leo thang “sự xâm lược của Nga” và việc tái triển khai quân đội Nga ở Crimea cũng như ở biên giới phía đông Ukraine.