Âm thầm thu thập công nghệ "sau lưng" Mỹ, Ngành CNQP Iran sắp khiến thế giới sửng sốt?

DK |

Tín hiệu được truyền thông Iran đăng tải ngày 23/5/2020 cho thấy Tehran sắp "trình làng" một loại tiêm kích mới với công nghệ thu được từ máy bay Mỹ.

Từ thành công của HESA Kosar, Iran sẽ "cho ra lò" tiêm kích mới?

Hôm 23/5/2020, trả lời phỏng vấn của tờ Mehr News, Chuẩn tướng Mohammad Zalbeigi, chỉ huy trưởng căn cứ không quân Shahid Lashkari của Không quân Iran (IRIAF) cho biết tiêm kích HESA Kosar đang được tăng tốc sản xuất hàng loạt và cũng sẽ được trang bị vũ khí mới.

Được sản xuất tại Công ty công nghiệp sản xuất máy bay công Iran (HESA), Kosar là máy bay phản lực hạng nhẹ một động cơ, được cho là "biến thể Iran" của tiêm kích trinh sát hạng nhẹ Northrop RF-5E Tigereye được Mỹ xuất khẩu cho Iran trước năm 1979.

HESA Kosar được giới thiệu trước công chúng lần đầu tiên vào tháng 7/2017, thử nghiệm thành công vào 8/2018 và cũng đã xuất hiện trong triển lãm MAKS tại Moscow.

Iran tuyên bố Kosar được HESA thiết kế với vai trò Yểm trợ đường không - cường kích (CAS), máy bay được tích hợp các tính nhanh tiên tiến như hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, hiển thị kỹ thuật số, máy tính điều khiển hỏa lực, radar đa chức năng.

Đáng chú ý hơn, tờ al-Masdar News nhận xét rằng trước các áp lực của Mỹ và thành công trong việc sản xuất hàng loạt và đưa vào trang bị Kosar, IRIAF có thể sẽ sớm tiết lộ một loại tiêm kích mới nhằm thay thế những chiếc F-14 Tomcat đã quá già cỗi.

Âm thầm thu thập công nghệ sau lưng Mỹ, Ngành CNQP Iran sắp khiến thế giới sửng sốt? - Ảnh 1.

Dây chuyền lắp ráp HESA Kosar của Iran.

F-16 Fighting Falcon từ Venezuela?

Cho tới thời điểm hiện tại, có thể xác nhận việc IRIAF đã sở hữu ít nhất 1 chiếc F-16A/B Block 15 do Caracas cung cấp vào năm 2006 trước khi các áp lực của Mỹ ngăn chặn việc chuyển giao này tiếp diễn.

Năm 2019, tờ Military Watch đăng tải một bài phân tích với tựa đề "Venezuela có nên chuyển F-16 sang Nga?".

Tác giả của bài viết lập luận rằng để "trả đũa" các biện pháp gây sức ép của Mỹ, Caracas có thể sẽ chuyển giao (hoặc chính xác hơn là bán để thu lại ngoại tệ) toàn bộ tiêm kích F-16A/B cho các quốc gia cần tới chúng.

Âm thầm thu thập công nghệ sau lưng Mỹ, Ngành CNQP Iran sắp khiến thế giới sửng sốt? - Ảnh 2.

Hình ảnh chiếc F-16A/B Block 15 duy nhất của Không quân Iran (IRIAF) bên cạnh một chiếc Northrop RF-5E Tigereye.

Ngoài việc bị phân rã để khai thác công nghệ, các quốc gia mà Mỹ cho là "thù địch" như Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Iran có thể sẽ sử dụng chúng như "quân xanh" trong các cuộc tập trận đối đầu.

Với việc đưa vào trang bị Su-30MK2 hiện đại cũng như sự thiếu hụt nguồn cung phụ tùng thay thế do cấm vận của Mỹ, những chiếc F-16AB Block 15 đã không còn là chủ lực trong các hoạt động trên không của Không quân Venezuela.

Theo hợp đồng, việc bán F-16 cho bên thứ 3 phải được Mỹ thông qua, nhưng trước những cáo buộc của Venezuela về các "hành động phi pháp" của Washington, đây có thể sẽ là "đòn đáp trả" tiếp theo của Caracas và Tehran sau khi các tàu chở dầu Iran tới Venezuela thành công.

Và nếu Tehran tiếp nhận khoảng 21 chiếc F-16 của Venezuela, với các linh kiện thu thập được, họ sẽ nhanh chóng "cho ra đời" ít nhất là 5 chiếc "Kowsar thứ 2".

Âm thầm thu thập công nghệ sau lưng Mỹ, Ngành CNQP Iran sắp khiến thế giới sửng sốt? - Ảnh 3.

Su-30MK2 và F-16AB của Không quân Venezuela.

Hay "JF-17 Iran"?

Trong những năm cuối thập niên 70, Chế độ quân chủ của Iran đã đặt mua 160 chiếc F-16A từ Mỹ. Tuy nhiên, cùng với cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979, đơn hàng đã bị hủy.

Một số nguồn tin chưa được xác thực (chủ yếu từ Iran) cho rằng ít nhất 2 chiếc F-16A đã được bàn giao trước khi việc mua sắm bị hủy bỏ và có trụ sở tại Căn cứ không quân Mehrabad, gần Tehran.

Nguồn tin nói trên cho biết thêm rằng những chiếc F-16A đã bị người Iran "tháo tung" và ít nhất một chiếc đã được Tehran chuyển tới Pakistan và là nhân tố quan trọng trong chương trình phát triển chung giữa Islamabad và Bắc Kinh để cho ra đời tiêm kích JF-17 Thunder.

Trong khi vai trò của Iran trong chương trình JF-17 vẫn chỉ là tin đồn thì vào tháng 11/2018, trang tin Defence Blog nhận định rằng IRIAF có thể sẽ sớm ký hợp đồng mua sắm và đưa tiêm kích nói trên vào trang bị.

Âm thầm thu thập công nghệ sau lưng Mỹ, Ngành CNQP Iran sắp khiến thế giới sửng sốt? - Ảnh 5.

F-16C và JF-17 Block III của Không quân Pakistan.

Nếu các nỗ lực vận động nhằm kéo dài lệnh cấm vận vũ khí tới Iran của Mỹ trong Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA) tiếp tục bị Nga và Trung Quốc phủ quyết, dự kiến vào tháng 10/2020, Iran sẽ được "tháo gông" liên quan tới nghị quyết 2231 của HĐBA.

Iran hiện có một danh sách dài các hệ thống vũ khí cần nhập khẩu và với nguồn tài chính hạn chế sau các biện pháp gây sức ép của Mỹ, giá dầu thấp và đại dịch Covid-19, họ sẽ ưu tiên những vấn đề cấp bách như thay thế các máy bay "già cỗi".

Với lợi thế của JF-17 so với các tiêm kích J-10 của Trung Quốc và Su-30SM của Nga là giá thành và việc chia sẻ công nghệ, nhiều khả năng Tehran sẽ lựa chọn loại tiêm kích này và nếu điều đó xảy ra, JF-17 sẽ tái xuất dưới một cái "tên Iran".

Như nếu Tehran thực sự muốn có một "Kosar thứ hai", họ phải sở hữu được công nghệ sản xuất động cơ như những gì đã diễn ra với động cơ General Electric J85-GE-21 của RF-5E Tigereye.

Đến đây, chúng ta thấy rằng cả Trung Quốc lẫn Pakistan đều không thể thỏa mãn nhu cầu này do điểm yếu của JF-17 chính là phải lắp đặt động cơ phản lực RD-93 của Nga.

Có lẽ phương án khả thi nhất đối với Tehran là phối hợp với Nga để cho ra đời những chiếc tiêm kích bản địa, dựa trên công nghệ thu được trên F-16A/B và động cơ Nga.

Lúc này Tehran có thể bước tiếp con đường mà Bắc Kinh và Islamabad đã đi với động cơ RD-93 hoặc có thể là RD-33MK hiện đại hơn (được lắp đặt trên MiG-29K, MiG-29KUB và MiG-35).

Hình ảnh đẹp về tiêm kích F-16V

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại