Ngày dự sinh không "chắc như đinh đóng cột"
Lần đầu mang thai, tôi thực sự không lấy làm ngạc nhiên khi ngày con chào đời đúng ngày dự sinh. Ngày đó tôi cứ nghĩ rằng đương nhiên con sẽ đẻ đúng vào ngày mà lần đầu tiên khám thai bác sĩ nói là ngày dự sinh. Thế nhưng đến lần mang thai thứ 2 thì mọi chuyện mới “ngã ngửa”. Khi đó, ngày dự sinh đã đến nhưng tôi chẳng nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào. 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày… rồi 1 tuần trôi qua tôi vẫn không thấy cơn đau chuyển dạ. Mãi cho đến khi bác sĩ chỉ định phải đẻ mổ trong 2 ngày tới thì con tôi mới chịu chào đời. Đó là tuần thứ 42 thai kỳ, thật may mắn là tôi chưa phải đẻ mổ.
Từ đó tôi rút ra kết luận rằng ngày dự sinh chỉ có tính có tính chất áng chứng chứ không thể khẳng định. Tuy nhiên, việc xác định ngày dự sinh có chính xác hay không còn tùy thuốc rất nhiều yếu tố. Và chúng ta không thể chỉ đổ lỗi rằng bác sĩ xác định sai ngày dự sinh.
Phương pháp tính ngày dự sinh
Để tính toán được ngày dự sinh, các bác sĩ thường hỏi bạn về ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng và cộng thêm 280 ngày (tương đương với 40 tuần). Ví dụ nếu ngày cuối cùng của kỳ “đèn đỏ” là ngày 1 tháng 9 thì ngày dự sinh sẽ rơi vào ngày 7 tháng 6 năm sau. Phương pháp tính này được áp dụng với những chị em có chu kỳ kinh nguyệt đều 28 ngày. Nếu chu kỳ của bạn dài hơn hoặc ngắn hơn thì ngày dự sinh cũng cộng hoặc trừ tương đương.
Một phương pháp tính ngày dự sinh khác đáng tin cậy hơn là dựa theo kết quả siêu âm 3 tháng đầu. Lúc này, bác sĩ sẽ đo chiều dài thai nhi và kích thước túi ối để tính ra tuổi thai hiện tại và tính được ngày dự sinh.
Tuy nhiên, ngay cả khi bác sĩ có khẳng định được ngày dự sinh chính xác đến 90% thì bạn cũng không nên đặt niềm tin thái quá rằng mình sẽ sinh con đúng ngày đó. Bởi vì với tất cả những gì đang diễn ra trong tử cung của chúng ta, không ai có thể khẳng định được khi nào cổ tử cung sẽ mở và không ai có thể kích thích tử cung mở được (theo tự nhiên). Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, dựa vào kinh nghiệm trong lần sinh đầu thì lần thứ 2 cũng có thể lặp lại (có thể lên ngày hoặc sinh sớm). Tuy nhiên, như trường hợp của tôi, các bạn hoàn toàn có thể thấy không hề trùng lặp.
Tương tự như thế, các chuyên gia khoa sản cũng thường khuyên nếu mẹ bạn đã từng sinh sớm hoặc quá ngày dự sinh thì có thể bạn cũng như vậy.
Sinh sớm hơn dự kiến
Khoảng 80% mẹ bầu sinh con vào khoảng tuần 37 đến 42 của thai kỳ. Vậy 20% còn lại sẽ sinh khi nào? Có khoảng 11% mẹ bầu sinh sớm hơn 37 tuần. Các chuyên gia không khẳng định được nguyên nhân sinh sớm này, có thể do tử cung bất thường hoặc thai nhi có vấn đề. Số phần trăm còn lại (khoảng 9%) sẽ sinh con sau 42 tuần. Tuy nhiên ngày nay, người ta thường sử dụng thuốc kích đẻ hoặc đẻ mổ với những trường hợp mang thai sau 41 tuần.
Chửa trâu
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, mang thai con trai thường dài ngày hơn con gái. Kết quả nghiên cứu khác cũng cho biết, phụ nữ da trắng và phụ nữ ngoài 30 tuổi cũng nằm trong số này.
Điều quan trọng bạn cần nhớ là nếu thai kỳ đã qua ngày dự sinh (tuần 40 trở đi) thì nên khám thai thường xuyên 2 lần/ tuần để đo sức khỏe thai nhi (non-stress test). Khi “chửa trâu” sẽ có một số nguy cơ xấu như mực nước ối suy giảm, em bé sẽ ị ra phân xu gây ô nhiễm nước ối, khiến thai nhi bị nhiễm trùng. Lúc này bé cũng đã thở được nên có thể nuốt phân xu phải phổi. Vì vậy tôi khuyên các mẹ cần đặc biệt lưu tâm.
Qua hai lần sinh nở, tôi rút ra kết luận rằng người duy nhất có thể trả lời chính xác được ngày bạn sẽ sinh con, đó chính là em bé của bạn. Ngày dự sinh – bản thân từ đó đã cho chúng ta biết nó chỉ có tính tương đối, và bạn cần biết rằng chỉ có 5% trẻ chào đời đúng ngày dự sinh thôi. Hãy yên tâm nếu đến ngày dự sinh mà con bạn vẫn chưa chịu chào đời nhé vì chắc chắn rằng bé sẽ biết thời điểm nào là tốt nhất đối với bé để “gặp mọi người”.