Liều mình để... có con

Chúng tôi đã tìm đến các bệnh viện lớn có khoa điều trị hiếm muộn, cả phòng mạch tư và chứng kiến nhiều mảnh đời, nghe kể những bi kịch của không ít chị em trong hành trình đeo đuổi khát khao… có một mụn con.

Bước vào khoa điều trị hiếm muộn ở Bệnh viện (BV) Từ Dũ, BV Hùng Vương (TP.HCM) hay vào một số phòng mạch của các bác sĩ (BS) chuyên điều trị hiếm muộn sẽ thấy… ngộp thở. Số lượng các cặp vợ chồng mong con đến điều trị nhiều vô kể. Họ nhẫn nại ngồi chờ hàng giờ để đến lượt và ai cũng trong tâm trạng lo âu, căng thẳng.

Cậy nhờ ống nghiệm

Bước ra khỏi phòng BS tư vấn tại TP.HCM, gương mặt của chị Mai (giám đốc một công ty xuất nhập khẩu ở Hải Phòng) đầy ưu tư. Trong chuyện làm ăn tiền tỉ, chị quyết định “cái một”, ấy vậy mà trong chuyện này, chị xin BS được về suy nghĩ thêm, không dám quyết.

Chị kể, chồng chị tinh trùng yếu nên BS khuyên làm thụ tinh trong ống nghiệm (TTON), nhưng BS cũng tư vấn: “Có khoảng 60 - 70% thất bại. Quá trình điều trị phải chích thuốc kích thích buồng trứng, sẽ có nguy cơ quá kích buồng trứng, nặng cũng phải nhập viện. Cứ 100 người có hai người bị nặng. Nếu đa thai thì phải áp dụng kỹ thuật giảm thai. Những trường hợp có thai bị biến chứng tỷ lệ cũng như thụ thai bình thường...”.

Một chị ngồi gần, nói thêm: “Em nghe nhiều chị bảo chích thuốc kích thích buồng trứng có nguy cơ ung thư buồng trứng, đa thai phải giảm thì đau đớn lắm, còn quá kích buồng trứng nặng có thể chết người nên cũng lo lắm, nhưng thôi kệ, ba bảy cũng liều vì con vậy”.

Mấy hôm sau liên lạc lại, chị Mai nói: “Đành phải liều thôi, 40 tuổi rồi còn chờ gì nữa. Nhà có 2 vợ chồng, cô đơn quá”. Giống như chị, biết bao trường hợp dấn thân vào hành trình mới đầy gian nan và thử thách chỉ vì mong có một mụn con.

Chích nằm, chích đứng

Quy trình làm TTON bắt đầu bằng việc tiêm thuốc kích thích trứng. Phòng chích thuốc ở BV cũng như ở phòng mạch tư có dịch vụ tư vấn điều trị hiếm muộn hầu như lúc nào cũng đông nghẹt người.

Nếu như ở BV, bệnh nhân thay phiên nhau nằm lên băng ca để được chích thì ở phòng mạch tư, bệnh nhân đợi đến lượt mình để đứng chích, vì tiết kiệm thời gian. Các cô y tá lấy thuốc, chích thuốc như cái máy mà lượng bệnh nhân chờ đến lượt vẫn đông nghẹt. Ngày hai mũi thuốc đều đặn, đúng giờ. Có chị sợ kim tiêm đến độ mỗi lần chích thuốc mắt nhắm nghiền, hai tay nắm chặt.

Có chị, chích xong ngồi ôm bụng không đi nổi vì thuốc tiêm vào buốt đến tận xương sống. Cứ mỗi đợt thuốc đi tong vài chục triệu đồng rồi lấy máu xét nghiệm, siêu âm để BS cho toa thuốc mới và lại chi tiếp vài chục triệu. Một chị vừa đóng tiền vừa nói đùa: “Ở nhà tiêu một đồng cũng tiếc nhưng vào đây ai cũng xài tiền như đại gia ấy!”. Quy trình cứ thế lặp đi lặp lại. Sau khoảng mười lăm ngày, người chị nào cũng đầy vết kim ở tay, ở xung quanh rốn và mông.

Một ngày giữa tháng 3, chúng tôi có mặt ở khoa phụ sản của một BV, gặp 15 cặp vợ chồng đang chờ tiến hành giai đoạn 2. Trong khi các chị chờ đợi được đẩy vào phòng cách ly để gây mê, chọc hút trứng thì các anh tranh thủ vào phòng khác để lấy tinh trùng. Cũng có chị vác bụng to tướng đến khám chờ thai, cho biết đứa bé trong bụng là do TTON. Các chị mới cứ thế há hốc miệng nghe, hỏi kinh nghiệm và ấp ủ hy vọng.

Ngồi lẫn trong đám đông đó có Hương (38 tuổi), chị đã làm thụ tinh nhân tạo 3 lần và TTON lần này là lần thứ 5. Trong đó, 2 lần chuyển phôi tươi, 2 lần chuyển phôi trữ đều thất bại. Lần này, Hương bắt đầu chọc hút trứng lại. Nghe Hương nói “hành trình tìm con cứ bình tĩnh” vì thời gian tính bằng năm chứ không phải tháng, nhiều người chuyển từ hân hoan sang lo lắng và bắt đầu xin số điện thoại của nhau để trao đổi thông tin.

Tùy từng nơi, mà có thể từ 2 - 3 ngày sau chọc hút trứng sẽ được hẹn chuyển phôi. Đây cũng là ngày bắt đầu có người bỏ cuộc khi được BS thông báo không có phôi. Vậy là đi tong 50 - 70 triệu đồng và những gương mặt buồn bã, những đôi mắt đỏ hoe lầm lũi rời BV. Những người có phôi để chuyển lại bắt đầu bước vào một hành trình mới, đầy hy vọng mà không ai lường trước được những tình huống xấu nhất có thể xảy ra với mình ở phía trước.

Liều mình để... có con
Một ca làm thủ thuật lấy tinh trùng từ mào tinh để điều trị hiếm muộn vô sinh - Ảnh: Thanh Tùng

Chẳng ai dám “bình thường”

Sau khi chuyển phôi, BS khuyên các chị có thể nằm nghỉ 4 giờ rồi về nhà, sinh hoạt bình thường, chỉ tránh làm việc nặng. Nhưng không hiểu sao, chẳng ai dám “bình thường”, như sợ “con” rơi ra mất. Mọi người cố nằm lâu nhất có thể. Có chị bảo, về nhà là nằm gần như bất động trên giường, ăn cơm có người bưng đến tận nơi; đi tiêu, đi tiểu tại giường; có chị còn cắt tóc ngắn để khỏi tắm gội; các chị còn nhắc nhau không sử dụng điện thoại di động vì sóng điện thoại làm hỏng phôi…

Chưa hết, tất cả những kinh nghiệm truyền miệng được áp dụng nghiêm ngặt, không uống nước có ga, không ăn hải sản, kiêng tất cả đồ mát (bột sắn, khổ qua…), không đụng tới rau ngót, rau răm… Mỗi buổi ăn 2, 3 quả trứng luộc không ăn lòng đỏ; ăn cá chép, bơ, sầu riêng… để dễ đậu thai.

14 ngày sau chuyển phôi là những ngày dài đăng đẳng. Hầu hết khi được hỏi đều cho biết đó là những ngày tháng dài nhất của cuộc đời. Họ sống trong phập phồng, lo âu và cả sợ hãi. Có người mới 5, 6 ngày sau khi chuyển phôi đã thuê y tá đến nhà lấy máu thử HCG và vài ngày lại thử một lần xem liệu có thai không. Có chị cứ sáng sáng là dùng que thử thai để kiểm tra.

Nhưng cũng có người sợ đối diện với sự thất bại, im lặng nằm chờ để kéo dài hy vọng có một mầm sự sống đang trưởng thành trong cơ thể mình. Trong 14 ngày ấy, cũng có chị bị quá kích buồng trứng, bụng căng cứng phải nhập viện điều trị, cũng có chị tối đến không thể chợp mắt vì người đau ê ẩm… Tất cả những nỗi đau về thể xác đó, các chị đều cắn răng chịu đựng với hy vọng “con mình ở phía trước”.

Ngày hẹn cũng đã đến, trong 15 người chuyển phôi hôm ấy, chỉ có 3 trường hợp BS bảo có thai. Nhưng 10 ngày sau một chị cho biết thai không phát triển, không có nhịp tim, thất bại. Chị thứ 2 cũng buồn hiu thông báo thai ngoài tử cung phải bỏ. Còn chị cuối cùng thì từ khi cấn thai, phải nghỉ làm vì gắn chặt với thuốc men và giường bệnh. Vài tháng sau, khi chúng tôi gọi điện thoại hỏi thăm đã nghe chị nức nở. Chị sinh non 23 tuần vì cổ tử cung hở. Em bé không ở lại với chị.

(Còn nữa)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại