Bi hài chuyện dậy thì muộn…
Đó là những bàn tán, chỉ trỏ với D.L, 19 tuổi, ở Từ Sơn – Bắc Ninh, sinh viên năm nhất, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN.
Hồi học cấp 2 thấy bạn bè trong lớp bắt đầu dậy thì, cao lớn phổng phao, có ngực nhú cao, có kinh nguyệt trở thành tâm điểm chú ý, trêu chọc của những bạn nam trong lớp, D.L thấy mình tự tin và may mắn khi cơ thể chưa có gì biến đổi.
D. L thoải mái chạy nhảy, vui đùa mà chẳng phải lo bị bạn bè trêu chọc như những cô bạn cùng lớp. Học gần hết lớp 12, cơ thể của D. L vẫn “giậm chân tại chỗ” không có bất cứ một động tĩnh nào báo hiệu hiện tượng “dậy thì.”
Đến lớp thấy bạn bè túm năm tụm ba chia sẻ với nhau về những thay đổi của cơ thể, chuyện lần đầu có kinh nguyệt, những rung động chớm nở với một cậu bạn trai nào đó,… D.L mới bắt đầu thấy “tủi thân” và đặt câu hỏi tại sao mình chưa được như các bạn.
Chuyện một cô gái 18 tuổi vẫn còi bé, đen đúa, phẳng lì như một thằng con trai khiến cả gia đình D.L lo lắng. Gia đình đã đưa D. L đi khám nội tiết tại Bệnh viện Đa khoa Từ Sơn. Tại đây các bác sĩ cho biết, D. L bị mắc chứng dậy thì muộn do di truyền.
Các bác sĩ cũng cho biết, D.L có thể dậy thì nhưng sẽ dậy thì muộn và không xác định được thời gian dậy thì cụ thể là lúc nào. Vì đây là hiện tượng dậy thì muộn do di truyền nên các bác sĩ cũng không thể can thiệp được gì ngoài việc căn dặn bệnh nhân chú ý đến chế độ ăn uống và thường xuyên luyện tập thể dục, nghỉ ngơi điều độ.
Hiện đã gần kết thúc năm thứ nhất ĐH, cơ thể D. L vẫn chưa có gì khá khẩm lên. Để che mắt thiên hạ, D.L đã sử dụng đến những loại áo ngực loại dầy khi đi ra đường, nhưng cái dáng người khô khốc, không hề ra dáng thiếu nữ của cô vẫn luôn là tâm điểm để mọi người bàn tán, bình xét.
Ngoài 20 tuổi mà chưa dậy thì là một hiện tượng bất thường ở cả nam và nữ (Ảnh minh họa)
Tương tự là trường hợp của Nguyễn Văn T, 21 tuổi, ở Thanh Xuân Hà Nội. 21 tuổi, T vẫn chỉ như cậu bé lên 10 tuổi. Cơ thể gầy còm, chiều cao không phát triển, các bộ phận trên cơ thể vẫn không hề có động tĩnh thay đổi trong khi đó bạn bè cùng trang lứa đứa nào cũng cao to vạm vỡ, cằm mọc râu, nách có lông, mặt có trứng cá, tóc dầu, vai nở vạm vỡ, chiều cao cân nặng tăng vọt,…
T vô cùng mặc cảm về thân hình bé nhỏ, không chịu phát triển của mình. Đi khám, T được các bác sĩ kết luận dậy thì muộn do gặp vấn đề ở tuyến yên và tuyến giáp.
Theo các bác sĩ nội tiết, tuyến yên và tuyến giáp là hai tuyến sản xuất hormone quan trọng cho sự tăng trưởng cơ thể và phát triển. Khi gặp các vấn đề ở tuyến yên và tuyến giám, quá trình dậy thì sẽ bị kìm hãm lại làm cho hiện tượng dậy thì đến muộn hơn so với bình thường, thậm chí đến rất muộn ở cả nam và nữ.
Cũng là 1 dạng bệnh lý
Trao đổi với chúng tôi, GS. TS Nguyễn Thu Nhạn – Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết: “Bên cạnh hiện tượng dậy thì sớm, chuyện trẻ dậy thì muộn, quá muộn vẫn đang tồn tại rất nhiều. Hiện tượng dậy thì bình thường ở trẻ được đánh dấu sau 8 tuổi ở nữ và sau 10 tuổi ở nam. Quá trình dậy thì thường kéo dài từ 3-5 năm, tùy thuộc cơ địa của từng cá nhân.
Sau 15 tuổi mà trẻ chưa có hiện tượng dậy thì là được xếp vào diện dậy thì muộn. Thực tế cũng cho thấy, có những trường hợp ngoài 20 tuổi, cơ thể vẫn chưa có động tĩnh dậy thì.
Tương tự với dậy thì sớm, dậy thì muộn cũng được xác định là một dạng bệnh lý và cần được phát hiện, can thiệp kịp thời…”
Còn theo các chuyên gia tư vấn của Tổng đài 1088 Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến dậy thì muộn rất phức tạp. Có thể là do di truyền, do bất thường hoặc bị tổn thương não (ở vùng dưới đồi, tuyến yên), ở tuyến sinh dục (buồng trứng, tinh hoàn), hoặc do ăn uống, dùng thuốc (có chất nội tiết),... và do ảnh hưởng của môi trường sống, xã hội...
Các chuyên gia cũng khẳng định, dậy thì quá muộn là một dạng bệnh lý. Ở những nam, nữ ngoài 20 tuổi mà chưa có hiện tượng dậy thì đồng nghĩa với việc không phát triển về giới tính. Do đó, chuyện sinh sản sau này có thể gặp khó khăn thậm chí có thể bị vô sinh.