Kính gửi bác sĩ, em mới được biết thông tin sử dụng giấy vệ sinh khi đi toilet có thể gây viêm nhiễm phụ khoa . Nếu thông tin này là đúng thì quả thực là vô cùng đáng sợ. Em cũng biết nên vệ sinh "vùng kín" bằng nước, nhất là những lúc sau khi đi vệ sinh. Nhưng không phải ở đâu cũng có sẵn nước, vì vậy, giấy vệ sinh vẫn là giải pháp phổ biến nhất.
Em cũng biết rằng giấy vệ sinh có nhiều loại, loại không đảm bảo chất lượng mới có nguy cơ gây bệnh đúng không bác sĩ? Nếu em muốn phòng bệnh viêm nhiễm phụ khoa khi dùng giấy vệ sinh thì phải làm thế nào? Bác sĩ hãy tư vấn giúp em để em biết cách phòng bệnh tốt nhất. Em xin cảm ơn!
(Thanh Thúy)
BS. Hoa Hồng tư vấn:
Trong sinh hoạt hàng ngày, sử dụng giấy vệ sinh là điều đương nhiên với hầu hết tất cả mọi người. Nếu nói rằng, giấy vệ sinh là nguyên nhân gây bệnh phụ khoa ở chị em thì chưa hẳn đã đúng. Giấy vệ sinh có thể là nguyên nhân gây bệnh, nhưng thói quen sử dụng giấy cũng góp phần không nhỏ trong việc làm cho chị em bị viêm nhiễm phụ khoa.
Bởi hiện nay, trên thị trường có bán rất nhiều giấy vệ sinh tái chế, trong đó có những sản phẩm chứa lượng lớn vi khuẩn. Nếu sử dụng các sản phẩm này (nhất là với những người sử dụng nhiều), nấm khuẩn dễ xâm nhập vào trong âm đạo gây viêm nhiễm. Điều này khiến cho không ít người nghĩ rằng dùng giấy vệ sinh đạt chất lượng sẽ yên tâm hơn và tránh được nguy cơ viêm nhiễm. Nhưng thực tế thì sao?
Cho dù có dùng giấy vệ sinh "xịn" đi chăng nữa mà khi sử dụng không đúng cách thì chị em vẫn khó tránh bị lây nhiễm vi trùng vào "vùng kín" và tăng nguy cơ phát bệnh phụ khoa.
Âm đạo vốn có cơ chế tự làm sạch , khống chế được sự sinh sản của vi khuẩn, bảo vệ sức khỏe âm đạo. Trong âm đạo, vi khuẩn lactobacillus là loại nấm chiếm ưu thế, chất chuyển hóa của lactobacilus có thể khiến cho môi trường axit của âm đạo duy trì ở mức 3.8-4.4, từ đó khống chế sự sinh trưởng của các loại nấm khuẩn khác, đây cũng chính là tác dụng tự làm sạch của âm đạo. Chính vì vậy, nếu bị nhiễm khuẩn bởi giấy vệ sinh với số lượng nhỏ thì cũng chưa chắc đã là mối đe dọa, gây bệnh cho “vùng kín”.
Nguyên nhân chính khiến người phụ nữ thường bị viêm đạo là do đường tiết niệu của người phụ nữ ngắn và thẳng hơn nam giới, cộng với vùng da âm hộ của nữ giới tương đối sâu, nhiều nếp gấp, vì vậy nấm khuẩn đường niệu đạo dễ ngược nhiễm, gây viêm niệu đạo và bàng quang. Từ đó lan ra viêm nhiễm cả "vùng kín". Hơn nữa, sau khi đi vệ sinh, nếu bạn dùng giấy lau từ sau ra trước thì sẽ vô tình tạo điều kiện đưa vi trùng từ hậu môn lên "vùng kín", từ đó làm tăng nguy cơ viêm nhiễm "vùng kín".
Vì vậy, cách phòng chống viêm nhiễm đường tiết niệu tốt nhất là vệ sinh “vùng kín” sạch sẽ, sau khi bài tiết xong, lau khô “vùng kín” bằng giấy vệ sinh đảm bảo chất lượng và lau từ trước ra sau để tránh vi khuẩn xâm nhập từ hậu môn lên âm đạo. Nếu để "vùng kín" ẩm ướt, nước tiểu còn sót lại sẽ tạo môi trường thuận lợi cho nấm khuẩn sinh sôi dẫn đến viêm hệ thống tiết niệu và âm đạo.