Bác sĩ Lương Nhất Việt, Phó khoa phẫu thuật nhi bệnh viện Việt Đức cho hay, ông đã từng gặp trường hợp bệnh nhi mắc tật tinh hoàn ẩn (tinh hoàn chưa xuống bìu) tới năm 14 tuổi mới được phát hiện. Đó là trường hợp của cháu Nguyễn Văn Vinh ở Thanh Hóa. Theo bác sĩ Việt, bệnh nhi được bố mẹ đưa tới viện khi chính cậu bé phát hiện mình thiếu 1 bên tinh hoàn. "Chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật, đưa tinh hoàn xuống đúng vị trí cho cháu. Gia đình họ lúc đó mới thở phào nhẹ nhõm vì cứ ngỡ con mình không phải là con trai thật sự" – bác sĩ Việt nói.
Theo thống kê, trẻ sinh thiếu tháng dễ mắc tật này hơn trẻ sinh đủ tháng, 30% trẻ bị tật này bị ẩn tinh hoàn cả hai bên và thường là bên phải bị nhiều hơn bên trái. Có từ 2 đến 3% trẻ mắc tật này bị teo hoặc không có tinh hoàn, tật này thường kết hợp với các dị tật bẩm sinh khác và bất thường của nhiễm sắc thể. Nếu trong gia đình có người mắc tật này thì tỉ lệ sinh con bị tật tinh hoàn ẩn sẽ gia tăng.
Theo vị bác sĩ chuyên phẫu thuật những căn bệnh khó nói của trẻ nhi, mỗi tuần, khoa của ông thực hiện phẫu thuật cho khoảng 5 – 6 ca trẻ nam bị chứng tinh hoàn ẩn. "Các bé trai có tinh hoàn ẩn do di truyền, bẩm sinh đã bị. Tinh hoàn ẩn thường ở các vị trí như ống bẹn, ổ bụng, cạnh bìu, hố chậu... Nhiều ông bố bà mẹ rất lo lắng nhưng đây là bệnh hoàn toàn có thể can thiệp được. Sau 1 tuổi, phụ huynh nên đưa con tới cơ sở y tế để tiến hành điều trị, mổ cho bệnh nhân".
Bác sĩ Việt cho hay, hiện nay, nhiều bố mẹ đưa con tới bệnh viện muộn. Nguyên nhân có thể họ không quan tâm nên không phát hiện ra, cũng có trường hợp sợ tốn kém nên không tới viện hoặc có quan điểm cho rằng phải để cháu bé lớn "nó" sẽ tự xuống bìu, khi không thấy mới tiến hành phẫu thuật. Những nguyên nhân trên đã dẫn tới việc điều trị cho trẻ nhi gặp khó khăn hơn.
Bác sĩ Việt giải thích: Cháu bé hơn 1 tuổi là thời gian phẫu thuật hợp lý nhất. Nếu tinh hoàn cứ ở vị trí khác quá lâu, nó sẽ không phát triển bình thường được. Khi đưa xuống bìu, tinh hoàn mới có môi trường thích hợp để phát triển. Nhiều trường hợp không được hạ xuống bìu sớm, phát triển xấu đi, dễ dẫn tới bị ung thư.
"Tôi xin nhấn mạnh các bà mẹ nên đưa con tới viện để can thiệp, hạ tinh hoàn xuống bìu khi bé đã được 1 tuổi trở lên. Có nhiều cháu bị ẩn cả 2 bên, phải mổ tới lần 2 mới đưa xuống hết được vì quá trình mổ, phụ thuộc vào bó mạch thành tinh của các cháu. Nếu không phẫu thuật hạ tinh hoàn sớm sẽ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản sau này của bệnh nhân."
Chiều ngày 5/6, chị Nguyễn Thị Sen bế cậu bé Trần Văn Tài, 15 tháng tuổi rong rẩy khắp hành lang của khoa nhi. Cậu bé vừa được bác sĩ phẫu thuật buổi sáng nên quấy khóc. Theo bà nội của cháu bé, khi sinh gia đình phát hiện cháu thiếu 1 bên. Đi khám, bác sĩ khuyên nên theo dõi nhưng tới khi tròn năm, cậu bé này vẫn chưa có hai bên bình thường. Vì thế, gia đình quyết định đi mổ. "Bác sĩ phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống cho cháu và nói thành công rồi. Trong phòng bệnh, có cháu bé bị ẩn 2 bên, lên tận ổ bụng, phải tiến hành mổ 2 lần" – bà nội cháu T. kể.
Chị Sen, mẹ cháu Tài thì vui vẻ ra mặt. Theo chị, sau khi sinh, bác sĩ nói cháu bị ẩn tinh hoàn trên vùng bẹn. Chị luôn phải lo lắng, chờ đợi để điều trị cho con trai. "Bây giờ thì đỡ lo lắng nhiều lắm rồi ạ. Bác sĩ nói chỉ vài ngày nữa cháu có thể ra viện" – chị Sen vui vẻ chia sẻ.
Theo bác sĩ, tinh hoàn của trẻ nhi phát triển trong vùng ổ bụng, tới khi thai nhi được khoảng 7 tháng tuổi sẽ xuống dần dần và đi vào bìu. Nếu trẻ nhi sinh ra 1 hoặc 2 bên chưa xuống đúng vị trí thì cần đi khám và điều trị. Quá trình điều trị nội tiết tố mà tinh hoàn không xuống đúng vị trí thì sau 1 tuổi, nên cho trẻ đi phẫu thuật. Tùy vào từng bệnh nhi , người thân không nên nói tới tật này của cháu để tránh ảnh hưởng tới tâm lý trẻ.
"Đây là một tật xảy ra nhiều ở trẻ nhi. Các phụ huynh không nên quá lo lắng. Hiện nay, chỉ mất khoảng 45 – 60 phút là phẫu thuật hạ vị trí thành công cho 1 bệnh nhân. Vì vậy, sau khi sinh mà phát hiện bệnh của trẻ, gia đình cần bình tĩnh, đưa trẻ đi khám để được điều trị đúng và kịp thời" – bác sĩ Việt tư vấn.