Bàng hoàng khi trẻ... “yêu” bạo từ thuở 13

Việc giáo dục giới tính cho trẻ là hết sức cần thiết để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Nhất là trong bối cảnh hiện nay trẻ dậy thì sớm rất nhiều, đặc biệt là các bé gái.

Vừa qua, tại quận 9 (TP.HCM) xảy ra một vụ hiếp dâm trẻ em mà nghi can là một thiếu niên 17 tuổi đã bị tạm giữ. Nhiều người trong cuộc đã phải thở dài xót xa vì chính nạn nhân - cô bé chỉ mới vừa bước qua tuổi 13 - có một phần lỗi trong việc đẩy "bạn trai" mình vào tù.

Từ "yêu" thành hiếp dâm trẻ em

Theo hồ sơ ban đầu của Công an quận 9, tháng 7.2012, THĐ (sinh năm 1996, ngụ tỉnh Tây Ninh) quen biết và có tình cảm yêu đương với em A. (sinh năm 1999, ngụ quận 9). Trao đổi với chúng tôi, anh H. - cha của Đ. cho biết do Đ. học kém nên mới hết lớp 10 đã nghỉ học. Anh H. cho con trai xuống quận 9 học vá vỏ xe ở nhà người bác. Đ. là một thanh niên nhỏ nhắn, trắng trẻo và có duyên.

Một lần tình cờ gặp nhau, A. nảy sinh tình cảm với Đ. nên đã trao đổi số điện thoại. Công an cho biết ở thời điểm nảy sinh tình cảm và chính thức có quan hệ với nhau thì A. mới… 12 tuổi 11 tháng. Tuy nhiên, không ai đoán được tuổi thật của A. bởi nhìn em như một cô gái ngoài 20 tuổi với thân hình phổng phao và chiều cao 1,7 m.

Sau hơn một tháng hai trẻ gặp gỡ, ríu rít điện thoại, nhắn tin cho nhau, gia đình hai bên biết chuyện. Sau khi khuyên nhủ không được, phía anh H. đã phải vội vàng đưa Đ. về Tây Ninh. Ở nhà, Đ. theo mẹ buôn bán ngoài chợ hay phụ cha làm công trình xây dựng. Thỉnh thoảng Đ. cũng có xin đi chơi vào những ngày lễ hay cuối tuần nhưng không ai ngờ những dịp đó Đ. lại bắt xe từ Tây Ninh xuống quận 9 để hẹn hò, gặp gỡ A. Những ngày đó A. lại được nghỉ học nên gia đình em cũng không biết. Tổng cộng từ khi quen nhau đến khi bị dì của A. phát hiện và tố cáo, giữa Đ. và A. đã 14 lần đưa nhau vào khách sạn.

Bàng hoàng khi trẻ... “yêu” bạo từ thuở 13
Việc giáo dục giới tính cho trẻ rất cần thiết trong xã hội hiện nay. Ảnh: HTD

Khi nạn nhân là người chủ động

Lần gặp A. tại trụ sở công an khi em được đưa đi giám định, chúng tôi thấy em rơm rớm nước mắt khi nhắc về Đ. đang bị tạm giữ. Tuy nhiên, em không hiểu hết mức độ nghiêm trọng mà Đ. phải gánh chịu trước pháp luật, đó là hành vi hiếp dâm trẻ em nhiều lần. Trong mối quan hệ này, A. là người mạnh dạn, chủ động hơn. Mỗi lần đi chơi, A. còn thường xuyên cho Đ. tiền tiêu xài. Tại cơ quan điều tra, A. kể với điều tra viên một cách vừa ngây ngô vừa dạn dĩ về những việc làm hết sức táo bạo trong "chuyện người lớn" với Đ.

Điều tra viên còn kể một chi tiết vừa bi vừa hài, đó là A. còn chủ động viết "hợp đồng hứa hôn" vừa nghiêm túc, vừa ngô nghê bằng nét chữ tròn trịa, ngay ngắn trên tờ giấy học trò với mong muốn trói buộc người mình yêu suốt đời... Trong đó, A. và Đ. xưng hô với nhau là "vợ, chồng" với những cam kết rất "nghiêm túc" như "không được chia tay, không được ngoại tình, vợ (chồng) không được có mối quan hệ tình cảm với người khác… hợp đồng có hiệu lực cho đến ngày kết hôn. Ai vi phạm thì phải bồi thường 1 tỉ đồng…".

Quan tâm, giáo dục giới tính cho trẻ

Qua trường hợp này có thể thấy dù cha mẹ quan tâm đến con cái nhưng xem nhẹ vấn đề giáo dục giới tính, nhất là với những trẻ dậy thì sớm thì có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.

Theo ThS tâm lý Đoàn Bắc Việt Trân, giáo dục giới tính cho trẻ em rất cần thiết, nhất là việc giáo dục trẻ có thái độ tôn trọng, yêu quý bản thân, có quyền và trách nhiệm bảo vệ sự an toàn của bản thân, giúp trẻ có sự nhận thức và biết trân trọng những giá trị về bản thân, tình bạn, tình yêu.

Trẻ càng nhỏ, việc giáo dục về thái độ, giá trị càng quan trọng vì đó là nền tảng cho sự phát triển của trẻ về sau. Hơn nữa, tâm lý chung của trẻ từ tuổi tiểu học trở xuống là vẫn gần gũi và nghe lời ông bà, cha mẹ, thầy cô hơn bạn bè nên sự tác động của người lớn có phần thuận lợi hơn so với khi trẻ bước qua tuổi THCS. Quan trọng là sự tác động của người lớn cần thống nhất, dứt khoát, có sự làm gương cho trẻ và trẻ cảm nhận được sự quan tâm, tình thương yêu trong đó.

Ngoài ra, người lớn cần thường xuyên để ý nhằm phát hiện sớm những biểu hiện bất thường trong sinh hoạt của trẻ như giờ giấc, việc liên lạc, cảm xúc, tâm trạng, cách sử dụng tiền… để hỏi han kịp thời. Bên cạnh đó, cũng cần giáo dục sớm cho trẻ về việc trẻ được pháp luật bảo vệ theo độ tuổi của trẻ, nhấn mạnh ý nghĩa bảo vệ vì lợi ích cho trẻ chứ không phải là sự cấm đoán một chiều từ người lớn. Điều này giúp trẻ dần có ý thức về quyền và trách nhiệm bảo vệ sự an toàn của bản thân trong mọi mối quan hệ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại