Chăm sóc, bảo vệ "vùng kín" khỏe mạnh là một trong những vấn đề hết sức quan trọng mà bất kì chị em nào cũng không được bỏ qua, bởi vì bộ phận này có cấu trúc nằm sâu bên trong, âm đạo nằm rất gần hậu môn, lỗ tiểu và lại thường tiết dịch tạo độ ẩm vùng âm hộ, âm đạo do đó nhiễm trùng rất dễ xảy ra và rất khó phát hiện sớm.
Theo số liệu từ Trung tâm Giải phẫu Tế bào học, Bệnh viện Bạch Mai thì 90% chị em phụ nữ ở mọi lứa tuổi, ngành nghề đều đã từng bị viêm nhiễm "vùng kín". Thế nhưng việc chăm sóc sức khỏe "vùng kín" đang bị phụ nữ lơ là, hoặc có những chị em lại thực hiện sai cách khiến cho "vùng kín" không khỏe mạnh.
Dưới đây là những sai lầm phổ biến của chị em trong chăm sóc "vùng kín":
1. Cứ vào những ngày giữa chu kì kinh nguyệt là em lại ra nhiều dịch. Để giảm tình trạng này, em dùng sữa tắm, xà bông hay chất tẩy rửa mạnh hàng ngày. Xin hỏi, như vậy có gây hại gì không? (T. Hoa, 19 tuổi)
BS. Hoa Hồng: Dịch tiết ra từ âm đạo trong những ngày giữa chu kì kinh nguyệt như bạn thấy là điều hoàn toàn bình thường, vì những ngày này có thể là thời gian rụng trứng . Nếu dịch không có màu vàng, gây ngứa và không hôi thì bạn có thể yên tâm.
Để giữ vệ sinh, bạn chỉ cần dùng nước sạch và vệ sinh hàng ngày. Bạn không nên dùng sữa tắm, xà bông hay chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh triệt để vì những sản phẩm này có tính sát khuẩn cao, có chất kiềm, sẽ làm thay đổi độ PH và gây mất cân bằng môi trường âm đạo, phá vỡ hàng rào bảo vệ tự nhiên, khiến vùng kín dễ bị viêm nhiễm. Khi được "dọn dẹp", "vùng kín" tiếp xúc với quần áo nhiều hơn, ma sát tăng làm cho vùng da ở đây dễ bị tổn thương và dị ứng, do đó, tình trạng ngứa càng tăng lên.
2. Em thấy chị em vẫn hay truyền tai nhau là dùng nước chè xanh để rửa âm đạo một tuần một lần để phòng bệnh viêm nhiễm “vùng kín”. Điều này có đúng không thưa bác sĩ? (Mai Anh, 22 tuổi)
BS. Hoa Hồng: Chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh việc rửa “vùng kín” bằng nước trà xanh có tác dụng phòng ngừa viêm nhiễm “vùng kín”. Thậm chí nếu lạm dụng loại dung dịch này còn có thể khiến cho sự cân bằng bên trong "vùng kín" bị phá vỡ làm cho khả năng phòng vệ của bộ phận này bị giảm đi đáng kể, nguy cơ viêm nhiễm tăng lên.
Nếu muốn, vệ sinh "vùng kín", bạn cần lưu ý một số điểm như: vệ sinh nhiều lần vào những ngày “đèn đỏ”, thay băng vệ sinh sau mỗi 4 giờ hoặc sớm hơn nếu băng vệ sinh thấm ướt, tránh dùng vòi nước xịt trực tiếp vào trong âm đạo khi vệ sinh.
3. Em rất hay bị ngứa ở "vùng kín", em nghĩ có thể do vùng này bị rậm rạp quá. Vậy nên, em quyết định "dọn dẹp" để cho khô thoáng hơn. Nhưng từ ngày "dọn dẹp vùng kín" thì em thấy tình trạng ngứa càng tăng? Bác sĩ cho em hỏi vì sao lại như vậy? (Thúy Hằng, 23 tuổi)
BS. Hoa Hồng: Sự rậm rạp ở "vùng kín" là một điều đương nhiên vì có như vậy thì "vùng kín" mới được bảo vệ khỏi mồ hôi từ phần trên cơ thể đổ xuống, tránh được tác động từ bên ngoài vào... Nếu “dọn sạch”, mồ hôi sẽ dễ dàng chảy xuống “vùng kín”, làm mất vệ sinh và tăng nguy cơ viêm nhiễm.
4. Em có thói quen dùng giấy ướt có mùi thơm để giúp "vùng kín" thơm tho suốt cả ngày. Xin hỏi bác sĩ, như vậy có tốt không? (Hà Lan, 25 tuổi)
BS. Hoa Hồng: Mặc dù giấy ướt có mùi thơm, dễ chịu nhưng nó lại không phải là vật lý tưởng dùng để vệ sinh "vùng kín". Giấy ướt thường chứa chất khử trùng, hương liệu… vì vậy, nếu dùng liên tục có thể gây tác dụng ngược, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh ở "vùng kín" như viêm âm đạo, nhiễm trùng âm đạo ...
5. Em rất hay đi du lịch bụi nên việc thay quần áo chip đôi khi cũng khá bất tiện. Bác sĩ cho em hỏi, nếu quần chip khô ráo, không dính khí hư hay nước tiểu trong suốt cả ngày thì có cần thiết phải thay hàng ngày không? (Thúy Lê, 23 tuổi)
BS. Hoa Hồng: Quần lót bẩn là một trong những nguyên nhân gây viêm nhiễm ở âm đạo. Bạn không nhìn thấy khí hư hay nước tiểu dính ở quần chịp không có nghĩa là quần không chứa vi khuẩn có hại. Dịch tiết âm đạo chứa nhiều vi khuẩn có hại, khi thấm ướt quần lót, sự ẩm ướt kéo dài sẽ là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Tuy nhiên, những vi khuẩn sinh sôi trong âm đạo và bám ở đáy quần lót mắt thường không thể thấy được. Do đó, ngay cả khi quần lót không dính khí hư, bạn cũng nên thay mới hàng ngày.