Thời kì dậy thì
Tuổi dậy thì ở nữ giới thường bắt đầu từ khoảng 13 tuổi. Thời điểm này cũng khác nhau đối với từng chị em.
Ở giai đoạn này, cơ thể các bạn nữ đã phát triển gần hoàn thiện, lớp mỡ dưới da dày hơn để tạo nên sự nữ tính, các đường cong rõ ràng hơn. Cùng với đó là sự phát triển của "vòng 1". Vòng 1 của chị em bắt đầu lớn hơn, tròn trịa hơn, núm vú nhô ra và quầng thâm vú rõ màu hơn. Thông thường, 2 bên ngực của người phụ nữ phát triển không đều nhau và ở thời kì dậy thì, chị em có thể cảm thấy ngứa hoặc đau tức ở vú.
Cùng với sự phát triển ở "vòng 1", "vòng 3" của người phụ nữ cũng tròn hơn, rộng hơn để đáp ứng khả năng mang thai và sinh đẻ. Lông cũng bắt đầu xuất hiện ở "vùng kín", nách. Các cơ quan sinh sản như môi lớn, môi bé, âm hộ, âm đạo... phát triển nhanh chóng. Âm đạo rộng ra, thành tử cung dày hơn để sẵn sàng cho việc mang thai sau này.
Một số chị em còn phải trải qua những biểu hiện khó chịu khác khi dậy thì là mụn trứng cá. Lúc này, tuyến bã nhờn tiết ra dầu nhanh hơn các ống dẫn ra bề mặt của da khiến các lỗ chân lông bị bít lại gây ra mụn trứng cá và nhiễm khuẩn sẽ hình thành các mụn mủ.
Bên cạnh sự phát triển về cơ thể, các bạn gái còn có những thay đổi lớn về tâm, sinh lý. Bước sang giai đoạn dậy thì tức là buồng trứng phát triển, hoạt động tích cực sản xuất ra estrogen, hoàng thể tiết ra progesterone và estrogen, dẫn đến rụng trứng và có kinh nguyệt. Tuy nhiên, kinh nguyệt ở tuổi dậy thì thường chưa đều ngay và có thể khác nhau giữa các chị em, ví dụ như thời gian có kinh sớm hoặc muộn, có bị đau bụng hay không...
Thời kì mang thai
Thời kì mang thai cũng là giai đoạn có sự thay đổi lớn trong sinh lí của người phụ nữ. Trong những tuần đầu tiên của thai kì, hormone giới tính nữ - progesterone tăng gấp 30 lần so với bình thường và sự thay đổi này cũng kéo theo nhiều thay đổi trong tâm lý người phụ nữ.
TS. Brizendime - người đứng đầu nhóm nghiên cứu về sự thay đổi tâm lí nữ giới tại Trường đại học Tufrs, Mỹ cho biết: Progesterone là loại thuốc ngủ tuyệt vời nhất. Nó khiến cho hoạt động não bộ chùng xuống và đó chính là lý do khiến người phụ nữ thường xuyên cảm thấy buồn ngủ trong suốt thời kì mang thai.
Khi mang thai, sự cân bằng nội tiết cũng có một vài thay đổi: Nồng độ prolactin của người phụ nữ tăng cao có tác dụng chuẩn bị cho tuyến vú để chế tiết sữa, prolactin trong nước ối giúp cho điều hoà chuyển hoá muối và nước của thai nhi. Progesterone sản sinh ra trong thai kì có tác dụng duy trì nội mạc tử cung để cho trứng làm tổ, làm giãn cơ tử cung và phòng tránh cơn co tử cung, lợi tiểu, tránh xuất huyết âm đạo hoặc dọa sẩy thai sớm. Tuy nhiên, progesterone tăng trong thai kỳ có thể làm tăng thời gian lưu thức ăn trong dạ dày, giảm trương lực cơ vòng, giảm nhu động ruột... gây ra các triệu chứng dạ dày thực quản ở thai phụ, kể cả hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Thời kì mang thai là quãng thời gian người phụ nữ có nhiều thay đổi nhất ở "vùng kín". Chất nhầy cổ tử cung đục hơn và đặc tạo nút bịt kín lỗ cổ tử cung, ngăn việc thụ tinh lần hai và tránh nhiễm khuẩn ngược chiều. Khi chuyển dạ, cổ tử cung mở, chất nhầy được đẩy ra ngoài.
Đến cuối thai kỳ, trọng lượng tử cung có thể tăng đến gấp 20 lần khi không có thai. Trong suốt thời gian mang thai, âm đạo dài ra, dễ co giãn. Chất dịch trong âm đạo tăng tính axit làm các mầm bệnh không sinh sôi nẩy nở được. Các môi lớn và môi nhỏ có những tĩnh mạch giãn rộng.
Ngoài ra, khi mang thai cũng là lúc vú của người phụ nữ nhạy cảm hơn, dễ đau khi đụng chạm. Hai tuần sau khi thụ tinh, vú và núm vú bắt đầu to ra, quầng vú cũng sẫm màu hơn: thường là gợi ý đầu tiên về sự có thai Các hạt nhỏ quanh quầng vú là những tuyến dưới da (gọi là Montgomery) cũng bắt đầu to lên, tiết ra chất nhờn làm mềm da và quầng vú. Có thể ra sữa loãng khi nắn nhất là vào những tháng cuối.
Thời kì mãn kinh
Cũng giống như thời điểm dậy thì, thời kì tiền mãn kinh có thể xuất hiện sớm hoặc muộn và khác nhau với mỗi chị em. Tuy nhiên, có một đặc điểm chung mà hầu hết chị em nào bước vào giai đoạn này đèu gặp phải, đó là nồng độ estrogen giảm.
Nồng độ estrogen suy giảm làm cho chức năng hoạt động của buồng trứng cũng bị kém dần đi, các tế bào biểu mô âm đạo cũng dần bị teo mỏng, sự tiết dịch âm đạo giảm.
Bệnh cạnh đó, người phụ nữ còn gặp phải một loạt những triệu chứng kèm theo như: Mất cân bằng độ pH âm đạo, hay bị các triệu chứng mệt mỏi, cơn bốc hỏa về đêm, thường xuyên mất ngủ, tê bì chân tay, thay đổi tính tình, hay cau gắt, béo phì và loãng xương... Và kết quả kéo theo thường là giảm cảm giác, tăng nguy cơ tổn thương khi quan hệ tình dục, lâu dần làm suy giảm và mất ham muốn tình dục.
Thực tế cho thấy ở tuổi 48 trở lên, hoạt động chế tiết của buồng trứng bắt đầu bị rối loạn, sau đó ngưng hoạt động hẳn ở tuổi 50 và trên 50. Trước tuổi mãn kinh, buồng trứng hoạt động theo chu kỳ hàng tháng và chế tiết ra các nang noãn, đồng thời giải phóng các hormone như estrogen và progesteron đi vào máu để tạo điều kiện cho sự thụ thai. Ðến tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, các nội tiết tố sinh dục nữ estrogen và progesteron không được sinh ra trong buồng trứng nữa. Điều này có nghĩa là người phụ nữ không thể có thai được nữa và chu kỳ kinh nguyệt sẽ tắt hẳn. Do đó, khả năng sinh sản của người phụ nữ cũng giảm đi.
Đặc điểm nổi bật nhất ở giai đoạn mãn kinh của người phụ nữ bao gồm: Những cơn phừng “bốc hỏa” trong đêm dẫn tới việc đổ mồ hôi trộm, mất ngủ, mệt mỏi cùng cực; ham muốn tình dục giảm, dễ bị kích thích, hay cáu gắt; mô âm đạo bị mỏng đi, khô hoặc ngứa âm đạo làm gia tăng cơ hội bị nhiễm trùng; đau khi "giao hơp"; hay mắc tiểu, tiểu gấp không kềm chế được, tiểu rát và nóng.
Song song với những triệu chứng trên, do thiếu nội tiết tố sinh dục nữ estrogen, có thể bị những bệnh tiềm tàng khó phát hiện hơn về lâu dài sau đó như chứng loãng xương, bệnh tim mạch, ung thư nội mạc tử cung…
Bạn đọc có thể gửi thư, câu hỏi về tòa soạn theo email: suckhoe@soha.vn. Chuyên gia của chúng tôi sẽ giúp bạn tháo gỡ những rắc rối thầm kín!