10 hóa chất dưới đây đã được tìm thấy trong thuốc lá, chúng đồng thời là nguyên liệu để sản xuất những sản phẩm độc hại khác trên thị trường.
1. Benzen
Có mùi thơm dịu ngọt dễ chịu và dễ cháy, hợp chất hữu cơ này được sử dụng nhằm tăng sức mê hoặc cho thuốc lá. Cũng chính mùi thơm này đã được khẳng định gây hại cho sức khỏe mà cụ thể là bệnh bạch cầu (ung thư máu). Những người nghiện thuốc lá hẳn sẽ phải nghĩ lại khi biết rằng benzene ngoài là một nguyên liệu sản xuất thuốc lá còn được sử dụng trong tổng hợp polymer, xuất hiện trong xăng, thuốc trừ sâu. Các căn bệnh phổ biến như thiếu máu, tổn thương gene di truyền, xuất huyết bất thường cũng do hợp chất này gây nên.
2. Formaldehyde
Hợp chất vốn được sử dụng để bảo quản xác chết, tẩy uế, sản xuất polymer và các hóa chất khác như sơn, chất nổ, vật liệu như gỗ dán, thảm, và xốp cách điện cũng là một trong những thành phần của thuốc lá. Ngoài tác động gây ô nhiễm không khí, dị ứng cho con người, nặng hơn có thể gây ung thư mũi và cổ họng khi tiếp xúc với liều lượng nặng, formaldehyde trong thuốc lá còn có thể gây nên các vấn đề về mắt cho người hút thuốc lá thụ động.
3. Tar
Loại vật liệu hữu cơ vốn được sử dụng để chống sự mục ruỗng của các con tàu gỗ thời xa xưa ở Bắc Mỹ, là dư lượng được loại thải ra môi trường khi chúng ta đốt thuốc lá. Tar hay còn gọi là hắc ín, dù được chỉ định là độc hại, gây bệnh ung thư nhưng vẫn được sử dụng trong chế biến bánh kẹo, dầu gội đầu, mỹ phẩm. Hậu quả răng đổi màu do hút thuốc là từ tác động của chất này.
4. Arsenic
Được đánh giá là một trong những hợp chất nguy hiểm nhất cho sức khỏe con người, arsenic hay còn gọi là thạch tín có thể gây bệnh ung thư, tổn thương tim mạch. Arsenic bị tích lũy trong cơ thể của những người hút thuốc thiếu kiểm soát, phá hủy những hợp chất có lợi cho quá trình sinh trưởng lâu dài, và gây nguy kịch cho sức khỏe của con người.
5. Cadmium
Về mức độ độc hại cho cơ thể con người, cadmium chỉ đứng sau chì và thủy ngân. Nguy hiểm hơn nữa là loại hợp chất vốn được biết đến là nguyên liệu để sản xuất pin cũng góp mặt trong thành phần của thuốc lá. Không chỉ gây bệnh ung thư, cadmium còn gây tổn hại men răng, thận, động mạch, thiếu máu, tăng huyết áp, gây dị dạng cho thai nhi….
6. Chromium
Chromium có nhiều trong sơn, thuốc nhuộm, thuộc da và hợp kim, đồng thời là một thành phần không thể thiếu trong sản xuất thuốc lá. Hít phải chất này rất dễ gây bệnh ung thư, tổn thương nhiễm sắc thể, gây mù mắt, cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người. Đó cũng là lý do vì sao hút thuốc lá có thể rút ngắn tuổi thọ của chúng ta.
7. Hydrogen Cyanide
Dù không màu nhưng hợp chất hydrogen cyanide hay còn gọi là muối xianua có mùi khó chịu và được đánh giá là cực độc. Hợp chất này xâm nhập vào cơ thể qua da, đường hô hấp và người bị ngộ độc nặng có thể dẫn tới tử vong. Loại chất độc hóa học được sử dụng để các cường quốc tiêu diệt lẫn nhau trong Thế chiến I tồn tại ngay trong những điếu thuốc mà chúng ta vẫn tưởng là vô hại.
8. Carbon Monoxide
Chiếm từ 3 – 5% thành phần của khói thuốc lá, carbon monoxide hay còn gọi là CO, một hợp chất có độc tính khiến lượng oxy trong máu bị tụt giảm, nguy hiểm hơn còn có thể gây tổn thương hệ thần kinh. Chúng ta rất khó để nhận biết sự hiện diện của carbon monoxide trong không khí. Đã có nhiều trường hợp người tử vong vì nhiễm độc CO trong tình trạng thiếu kiểm soát như ngủ say, say rượu.
9. Nitrogen Oxide
Nitrogen oxide là một loại khí thải môi trường, thách thức của cả nhân loại. Loại hợp chất này trực tiếp ảnh hưởng tới tầng sinh quyển, làm cho trái đất ngày càng nóng lên. Thời gian tồn tại của nitơ oxit là khoảng 100 năm và hút thuốc lá là một cách gia tăng lượng nitrogen oxide trong môi trường. Điều này cũng giải thích vì sao những người hút thuốc lá thường gặp các vấn đề về hệ hô hấp.
10. Ammonia
Chúng ta đã khó có được một chút cảm tình nào với ammonia ngay khi tiếp xúc với mùi khó chịu của nó. Điều trái khoáy là hợp chất này đồng thời được sử dụng trong sản xuất thuốc lá và tẩy sạch nhà vệ sinh. Tính chất gây nghiện của nicotine được tăng cường cũng nhờ ammonia.
Rõ ràng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho thói quen hút thuốc lá, nhất là những hậu quả sức khỏe đến từ sự xâm nhập của các hóa chất độc hại. Vì vậy, cần xem xét để có một giải pháp dài lâu cho sức khỏe bản thân.