Ngồi nhiều
Trong guồng quay của xã hội hiện đại, ngày càng đông đảo bộ phận làm việc bằng trí óc. Vật dụng không thể thiếu là chiếc máy tính đi kèm mỗi người.
Làm việc miệt mài khiến chúng ta thường quên mất phải thường xuyên vận động cơ thể. Thói quen ngồi nhiều trong hàng tiếng đồng hồ không chỉ khiến tích mỡ mà còn tăng nguy cơ ung thư.
Kết quả mới đây được công bố trên tạp chí Journal of the National Cancer Institute (Viện Ung thư Quốc gia Mỹ) cho thấy, những người dành phần lớn thời gian ngồi trong ngày như cánh tài xế, nhân viên văn phòng hoặc chỉ đơn giản là để xem tivi, có thể đối diện với sự gia tăng nguy cơ mắc phải một số thể ung thư.
Tiến sĩ Daniela Schmid và Michael F. Leitzmann (làm việc tại sở Dịch tễ học và Y tế dự phòng, Đại học Regensburg, Đức) tiến hành 43 nghiên cứu dựa trên những quan sát, phân tích, tổng hợp 4 triệu người và phát hiện 68.936 người bị ung thư.
Theo nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện thấy những người có lối sống ít vận động nhất thường bị ung thư ruột kết, nội mạc tử cung và ung thư phổi.
Nguy cơ mắc những bệnh ung thư này sẽ gia tăng ở người bình thường nếu bạn ngồi thêm 2 giờ mỗi ngày, cụ thể là tăng 8% đối với ung thư đại tràng, 10% ung thư cổ tử cung và 6% ung thư phổi.
Ăn ít rau
Rau củ quả chứa hàm lượng cao vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể bạn mỗi ngày. Không chỉ có vậy, nhiều loại rau củ quả còn chứa chất chống oxy hóa nhất định, ngăn chặn các chứng bệnh ung thư, nhất là ung thư ruột.
Tuy nhiên, cuộc sống quá bận rộn đôi khi khiến bạn vội vàng với những bữa ăn nhanh thiếu rau hơn là việc chuẩn bị đồ ăn đầy đủ rau củ.
Một đánh giá toàn diện cho hàng ngàn nghiên cứu về chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và kiểm soát trọng lượng được tiến hành bởi Qũy Nghiên cứu Ung thư Thế giới và Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ cho thấy: Chế độ ăn với những thực phẩm có nguồn gốc từ rau củ quả - thực vật nói chung đem lại rất nhiều lợi ích sức khỏe.
“Các loại thực phẩm như bông cải xanh, tỏi, hoa quả chứa rất nhiều chất chống oxy hóa (như vitamin C, lycopene, beta-carotene) và giàu hóa chất thực vật (như phytochemicals) giúp ngăn chặn ung thư.
Đồng thời những loại rau củ lại chứa rất ít calo, chất béo nên rất có lợi cho sức khỏe, ngăn ngừa tổn thương và đột biến tế bào”, GS.TS người Đan Mạch Wendy (Trung tâm ung thư của Đại học Texas) cho biết.
Đáng buồn là thống kê mới đây của Bộ y tế về các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm trong năm 2015 với sự tham gia của gần 4.000 người trong độ tuổi từ 18-69 tại 63 tỉnh, thành lại cho thấy: người Việt cực lười ăn rau. TS Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng dẫn khuyến cáo của WHO cho biết, nếu một người ăn hơn 5 suất rau, tương đương 400 gam rau xanh và quả chín mỗi ngày có thể giúp giảm 2 lần nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và tăng khả năng dự phòng với các bệnh không lây nhiễm khác.
Tuy nhiên, điều tra cho thấy hơn 57% người trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị của WHO. Tỉ lệ này ở nam cao hơn nữ.
Thói quen ăn ít rau ngày qua ngày như vậy vô tình khiến bạn đứng đầu danh sách nhóm đối tượng có nguy cơ ung thư cao.
Ăn nhiều đồ chiên, rán, nướng
Những món ăn chiên, rán, nướng rất hấp dẫn và được người Việt ưa chuộng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe.
Theo PGS.TS Trần Đáng (Nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm), các loại thực phẩm ở dạng chiên, rán, nướng như thịt, cá, đùi gà, đậu phụ rán giòn sẽ sinh ra amin dị vòng gây đột biến gen.
Từ đó sẽ gây ung thư, nhất là các bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa.
Chuyên gia đặc biệt lưu ý: “Càng chiên rán già lửa càng tạo nhiều amin dị vòng, nhất là khi đang rán lại đổ thêm dầu mỡ vào sẽ làm tăng nhiệt độ đột ngột”.
Những loại thực phẩm này được đun nấu ở nhiệt độ cao cũng sẽ tạo ra benzopyren bencanthraxen, gây ung thư đường tiêu hóa.
Khoai tây chiên, phồng tôm, bánh mì, trứng, bắp rang, thực phẩm giàu carbonhydrat xử lý ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra acrylamide, gây ung thư vú, thận.
Ăn mặn
Ăn mặn là một thói quen không tốt mà nhiều người Việt mắc phải. Từ những món ăn như dưa cà muối đến mắm tôm, nước mắm, cá muối... người Việt đều sử dụng rất nhiều muối biển để tẩm ướp, bảo quản.
Ăn mặn liên quan đến viêm dạ dày tạo điều kiện cho vi khuẩn Helicobacter pylori phát triển. Vi khuẩn này là căn nguyên của 80% trường hợp ung thư dạ dày. 3/4 lượng muối nằm trong thức ăn công nghiệp đều đã qua chế biến.
Do vậy, hàng ngày bạn không dùng nước chấm, nước mắm thì bạn vẫn có thể tiêu thụ quá 6g/ ngày.
Tại Việt Nam, ung thư dạ dày đứng hàng thứ hai sau ung thư phổi ở nam và ung thư vú ở nữ, xếp hàng đầu tiên trong các loại ung thư đường tiêu hóa. Nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện tượng này chính là do ăn mặn.
Theo các nhà khoa học thuộc Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới - World Cancer Research Fund (WCRF), khoảng 14% ca ung thư dạ dày là có liên quan đến thói quen ăn mặn.
Chế độ ăn quá nhiều muối tạo điều kiện cho vi khuẩn Helicobacter pylori phát triển – một loại vi khuẩn gây viêm loét dạ dày và là tiền đề của ung thư dạ dày.
Sử dụng mỡ động vật trong nấu nướng
“Mỡ động vật như mỡ lợn là chất đốt với khối u đang phát triển. Chúng gây tăng axit mật ở ruột già, các axit mật làm thay đổi tế bào một cách không điển hình, ức chế quá trình biệt hóa niêm mạc ruột gây ung thư.
Ăn nhiều mỡ động vật có thể làm suy giảm hệ miễn dịch vì chứa nhiều axit béo omega-6”, PGS.TS Trần Đáng nói.
Cũng theo vị phó giáo sư này, mỡ là tiền chất tạo ra hormone steroid như estrogen, kích thích phát triển các cơ quan liên quan như tuyến vú, tử cung, tuyến tiền liệt, khiến những khu vực này dễ bị ung thư.
Dầu mỡ đun nóng có nguy cơ gây ung thư phổi do chất carcinogen bốc hơi lên. Mỡ động vật sử dụng hàng ngày còn khiến bạn dễ bị ung thư ruột, đại tràng, trực tràng, vú, tử cung, tiền liệt tuyến.
Ăn nhiều thịt đỏ
Có thể nói, trong các loại thịt để ăn hàng ngày, người Việt vẫn chuộng thịt lợn hơn cả vì giá thành vừa phải lại cung cấp dinh dưỡng đảm bảo cho cả gia đình.
Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều thịt lợn nạc bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ ung thư cao.
“Thịt đỏ có hàm lượng sắt cao, tăng xúc tác men tổng hợp NO từ Arginin, tăng xúc tác biến Nitrat thành Nitrit. Khi Nitrit kết hợp axit amin tạo thành Nitrosamin, gây ung thư ruột, đại tràng, trực tràng”, PGS.TS Trần Đáng giải thích.
Đó chính là lý do vì sao giới chuyên gia vẫn khuyên chúng ta không được ăn quá 700 g thịt đỏ mỗi tuần.
Sử dụng nhiều túi ni lông, đồ nhựa tái chế, đồ nhựa dùng trong thực phẩm nói chung
Túi ni lông dường như là vật dụng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người Việt vì độ tiện lợi, giá rẻ lại đựng được nhiều đồ ăn thức uống, các vật dụng mua sắm.
Tuy nhiên, thói quen để thực phẩm trong túi ni lông nhét vào tủ lạnh, đựng thực phẩm chứa dầu mỡ, thực phẩm dạng lỏng, ướt trong túi ni lông, uống nước từ bình đựng làm bằng nhựa tái chế… đều có thể gây ung thư cho bạn và gia đình.
“Khi sử dụng những dạng đồ nhựa này không đúng cách có thể khiến những chất làm nên nhựa thôi nhiễm vào thực phẩm, gây hại sức khỏe, trong đó là khả năng gây bệnh ung thư”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết.
Riêng với các loại đồ nhựa dạng cao su cũng ẩn chứa nguy cơ ung thư. “Núm vú cao su qua quá trình lưu hóa cũng tạo ra Nitrosamin, dây chun buộc quanh thịt quay, dăm bông, chả cuốn, nem chua… cũng có khả năng tạo ra Nitrosamin.
Từ đó khiến bạn dễ có nguy cơ mắc bệnh ung thư”, PGS.TS Trần Đáng cho biết thêm.
Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá
Đàn ông Việt Nam có thói quen hút thuốc lá cũng như bao đàn ông ở các nước trên thế giới.
Khi khói thuốc bay ra, nạn nhân hít phải cũng chính là đối tượng hút thuốc lá thụ động và nguy cơ bị bệnh ung thư cũng không kém người hút. Trung bình trên thế giới có 10000 người chết mỗi ngày do thuốc lá.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, đến năm 2020, người Việt Nam chết do sử dụng thuốc lá còn nhiều hơn cả người chết do HIV/AIDS, bệnh lao, tai nạn giao thông và tự tử cộng lại.
Theo PGS.TS Trần Đáng, khói thuốc lá chứa nhiều chất gây ung thư như Benzen, Naphthylamin, PAHs… gây ung thư phổi, thực quản, bàng quang, gan, thận, đại trực tràng, dạ dày ruột, khí quản.