Theo các bác sĩ, không nên ngồi một chỗ liên tục, thỉnh thoảng trong lúc làm việc phải có quãng nghỉ để vận động cơ thể. Ảnh minh họa
Tưởng thiếu canxi, hóa ra suy tĩnh mạch chân
Từ 7 - 8 năm trước, thỉnh thoảng vào buổi tối, bất kể mùa đông hay hè, chị Nguyễn Thu Quế (42 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) lại thấy lòng bàn chân nóng ran, chân hơi nặng. "Cứ ngủ được một lúc tôi lại thấy bàn chân nóng. Khó chịu đến mức phải tỉnh ngủ", chị Quế nhớ lại. Thời gian đó, chị không rõ nguyên nhân khiến chân chị bị vậy, cũng không biết cách xử lý tình trạng này nên thường xuyên chị bị mất ngủ.
Theo chị Quế, vì thỉnh thoảng mới gặp vấn đề này nên chị không để ý, chỉ nghĩ do mình bị dị ứng thức ăn nên mới bị nóng chân, nặng chân. Chị chia sẻ: "Khoảng một thời gian, tôi phát hiện mỗi lần nóng chân, tôi đi ngâm chân vào nước nóng, hoặc vào nhà vệ sinh dùng vòi hoa sen xịt thẳng nước lạnh vào bàn chân, tình trạng nóng chân lập tức giảm đi, dễ chịu hẳn. Hai năm gần đây, khi chuyển ra Hà Nội sinh sống, tình trạng nặng chân, nóng chân càng thường xuyên hơn. Mỗi khi đi công tác không có điều kiện ngâm chân, mát xa chân, kiểu gì tôi cũng bị mất ngủ. Có khi nặng chân quá, tôi lại phải nằm dơ chân lên trời cho đỡ bứt rứt".
Khi tình trạng bệnh diễn ra thường xuyên hơn, chị Quế có đi khám, kiểm tra lượng canxi trong máu nhưng các chỉ số kết quả hoàn toàn bình thường. Đến khi chị đi siêu âm, khám sàng lọc bệnh suy tĩnh mạch chân, chị mới hiểu được "nguồn cơn" chứng bệnh khó chịu mà chị gặp thời gian dài vừa qua.
Đồng "cảnh ngộ" nghi ngờ bị thiếu canxi khi chân liên tục có cảm giác "dòi bò", râm ran bứt rứt, khó chịu không thể nào chấm dứt được, rồi chân nóng bừng khi về chiều tối và lúc ngủ, thỉnh thoảng cứng chân, chị Phương Thảo (ở Hưng Yên) đi kiểm tra lượng canxi trong máu thì cho kết quả bình thường. Dù vậy, chị Thảo cho biết, chị vẫn tự mua các thực phẩm bổ sung canxi, thuốc thang, phụ trợ đủ kiểu nhưng tình trạng không cải thiện. Đến khi được bác sĩ chuyên về tĩnh mạch khám, siêu âm và chẩn đoán, chị mới ngớ người khi biết mình mắc bệnh suy tĩnh mạch chân.
Ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh
PGS.TS Đinh Thị Thu Hương, nguyên Phó Giám đốc Viện Tim mạch Việt Nam cho biết: "Tình trạng "nhầm bệnh" dẫn đến làm các xét nghiệm hay bổ sung thực phẩm sai cách như các bệnh nhân trên đây không phải là hiếm. Tuy nhiên, không nhiều người biết về căn bệnh văn phòng này".
Theo PGS.TS Đinh Thị Thu Hương, suy tĩnh mạch chân là tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở chân, tức là việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả nữa, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần. Cho đến nay, chưa có một thống kê đầy đủ về loại bệnh này nhưng theo dự đoán của các chuyên gia y tế, bệnh sẽ gia tăng cùng sự phát triển của kinh tế và thay đổi nếp sống ở nước ta. Ở các nước tiên tiến khác, ví dụ ở Pháp, bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chiếm đến 1% ở nam giới và 4,5% ở nữ giới trong tuổi trưởng thành. Đối với người trên 50 tuổi, có đến 75 - 80% người bị suy giãn tĩnh mạch. 2/3 trong số đó gặp biến chứng vì căn bệnh này. Tại Viện Tim mạch Việt Nam, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân tới khám bệnh lý này.
PGS.TS Đinh Thị Thu Hương cho biết, cùng với cuộc sống hiện đại, bệnh lý suy tĩnh mạch chân đang dần trẻ hóa, đặc biệt là ở nữ giới, nhân viên văn phòng. Tuy nhiên, trong số những người đi khám bệnh lý này, số người trẻ rất ít. PGS.TS Đinh Thị Thu Hương nói: "Có thể họ không có thời gian đi khám, nhưng cũng có thể do họ chưa ý thức được căn bệnh mình đang mắc phải, chỉ nghĩ đơn giản tê chân, mỏi chân, nặng chân… là do ban ngày đi bộ nhiều quá. Rất nhiều chị em khi có bầu, sinh con bị phù chân. Theo dân gian, các cụ thường gọi đó là xuống máu chân. Tuy nhiên, về khoa học, đó là hiện tượng cản trở tuần hoàn tĩnh mạch, là một trong các dấu hiệu của bệnh suy tĩnh mạch chân. Ngoài ra, nhiều người có cảm giác "dòi bò", "kiến bò" trong xương vào buổi tối hoặc chiều tối, râm ran khó chịu thì nghĩ bị thiếu canxi, hoặc thoái hóa khớp… khiến nhiều người đi khám khớp nhưng không phát hiện ra căn nguyên bệnh".
Lý giải nguyên nhân mỗi khi người bệnh có cảm giác "kiến bò", "dòi bò" trong xương, nếu được dội nước lạnh trực tiếp lên chân thì cảm giác này tan dần rồi biến mất, PGS.TS Đinh Thị Thu Hương cho biết, đó là do nước lạnh đột ngột sẽ làm co tĩnh mạch chân nên sẽ không còn cảm giác đó nữa.
Theo các chuyên gia y tế về bệnh lý mạch máu, suy giãn tĩnh mạch có các dấu hiệu có thể nhận biết bằng mắt thường là các tĩnh mạch giãn xanh đỏ dưới da, kích thước khác nhau từ nhỏ như sợi tóc cho đến to hơn ngón tay, có thể nằm rải rác hay tập trung thành một đám. Có trường hợp chân không có tĩnh mạch giãn hay giãn ít nhưng biểu hiện bệnh bằng dấu hiệu khác là phù chân. Phù thường xuất hiện vào buổi chiều hay sau khi đứng một lúc. Ngoài ra, khi gặp các biểu hiện phù kèm nặng chân, đau chân, cứng tê chân, chuột rút, "kiến bò" trong xương vào thời điểm chiều tối, cần đi khám chuyên khoa mạch máu bởi có thể bạn mắc bệnh suy tĩnh mạch chân. Nếu để lâu, tình trạng này sẽ có thể làm biến chứng nguy hiểm. "Nhiều trường hợp không đi khám, điều trị khiến tĩnh mạch nổi hẳn lên chân, cổ chân tím ngắt, loét chảy máu ở cổ chân, tắc tĩnh mạch", PGS.TS Đinh Thị Thu Hương khuyến cáo.
Đây là bệnh mãn tính, do đó người bệnh phải điều trị lâu dài. Để dự phòng bệnh, các bác sĩ khuyên không nên ngồi một chỗ liên tục, thỉnh thoảng trong lúc làm việc phải có quãng nghỉ để vận động cơ thể, xoay các khớp cổ chân, tay. Khi đã gặp các triệu chứng trên đây, mỗi khi ngủ hoặc ngồi, nên gác chân lên cao hơn so với giường hoặc nền nhà. Điều quan trọng hơn cần lưu ý là giữ cho cổ chân được di động liên tục.
Nên đi bộ, đi xe đạp, bơi lội
Đối tượng nguy cơ cao gặp bệnh lý suy tĩnh mạch chân gồm: Người cao tuổi, người làm nghề phải ngồi nhiều, đứng nhiều (như giáo viên, nhân viên văn phòng, nội trợ, người bán hàng, công nhân trong xí nghiệp may, đóng hộp…), những người béo phì, phụ nữ sinh đẻ liên tiếp, thai phụ… Người hay phải làm việc dưới trời nắng nóng, hoặc người có thói quen tắm nắng, tắm nóng là đối tượng hay mắc bệnh suy tĩnh mạch chân. Các chuyên gia y tế khuyên: Người bị suy giãn tĩnh mạch nên đi bộ, đi xe đạp, bơi lội. Đặc điểm chung của những môn này là có sự di chuyển linh hoạt ở cổ chân, như thế sẽ giúp cho việc hồi lưu máu tĩnh mạch từ chân về tim được dễ dàng hơn và làm giảm các triệu chứng lâm sàng.