Ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, người vừa bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố để điều tra.
Hậu quả rất lớn cho ngành y
Những câu nói ngắt quãng, những tiếng thở dài khiến cho cuộc nói chuyện của tôi với Giáo sư Phạm Gia Khải, Nguyên Viện trưởng viện Tim Mạch Quốc gia có những giây phút lắng đọng khó diễn tả thành lời khi nói về một số vụ việc không hay xảy ra với ngành y thời gian qua.
Theo GS Phạm Gia Khải, người làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, những vụ việc vừa xảy ra liên quan tới ngành y này sẽ để lại hậu quả rất lớn cho ngành. Và người chịu thiệt thòi sẽ là bệnh nhân.
Cơ chế dùng người giỏi chuyên môn làm quản lý sẽ có những hệ luỵ nhất định. GS Khải phân tích: "Một người làm chuyên môn nếu không tập trung cho chuyên môn mà lo các việc khác quản lý bệnh viện thì bệnh nhân sẽ chịu thiệt. Mặt khác người quản lý bệnh viện là người có chuyên môn giỏi nhưng chuyên môn quản lý không có thì rất dễ đối mặt với nguy cơ tù tội. Đây là một điều rất gay go đang tồn tại trong ngành y".
Cần có kỹ thuật mới, bệnh viện mới có cơ hội phát triển
Khi phóng viên hỏi về những trăn trở với tương lại của ngành, Giáo sư Khải trầm giọng xuống. Ông nói: "Với một số quy định hiện nay, làm quản lý bệnh viện khó lắm...! Tôi ví dụ, làm một kỹ thuật mới sẽ phải mất tiền để mua sắm trang thiết bị y tế. Muốn sử dụng thiết bị kỹ thuật mới, bệnh nhân sẽ cùng phải chi trả và bảo hiểm chỉ hỗ trợ một phần".
Ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên giám đốc Bạch Mai.
Việc mua sắm trang thiết bị sẽ có những khó khăn nhất định khi thương thảo về giá. Không loai trừ những trường hợp cố tình trục lợi ở khâu này, tuy nhiên theo Giáo sư Khải, cũng có trường hợp, khi thương thảo giá cả đưa ra giá thấp thì nhà cung cấp thấy lỗ sẽ không chấp nhận bán, nhưng nếu không nắm vững quy định, đưa giá cao để được hãng chấp nhận thì lại bị quy vào đội giá.
Ông cho biết, không có trang thiết bị mới thì không thể thực hiện các kỹ thuật mới cho bệnh nhân. Nhưng có bệnh viện, mấy năm không có tiến bộ điều trị gì mới vì không có máy móc mới để triển khai, do lãnh đạo... sợ.
Cũng theo Giáo sư, đối với các trang thiết bị mới, khi đấu thầu mua sắm cần phải có sự đồng ý cấp trên, cấp dưới và có giá cả trần được bảo hiểm chấp nhận. Giá trần đó phải phù hợp với thực tế, khi đưa ra công ty cung cấp máy móc đó có thể chấp nhận được. Nếu áp dụng mức quá thấp như thời bao cấp thì không công ty cung cấp trang thiết bị của hãng nào chấp nhận được. Khi mức giá trần vượt quá quy định thì mới cho đó là đội giá.
Nhìn lại những vụ việc xảy ra với một số lãnh đạo ngành y vừa qua, Giáo sư Khải không khỏi bùi ngùi. Ông nói: "Đào tạo một người mất hàng chục năm chỉ trong một vài phút đã bay theo mây khói. Tôi rất buồn!"
Với giá cả khám chữa bệnh như thời bao cấp, bệnh viện tự chủ thì làm sao có thể phát triển được. Thêm bất cập nữa là lương nhân viên y tế thấp. Một số người cũng vì lý do này mà sinh ra những tư lợi kiếm tiền sai trái. Cơ chế cần phải có sự thay đổi để đội ngũ y tế có thể yên tâm tập trung vào chuyên môn, không vụ lợi các vấn đề nhỏ nhặt khác. Cần phải có mức lương xứng đáng cho bác sĩ và giám đốc quản lý bệnh viện.
Tôi còn nhớ khi tôi ở bên Canada, ngân sách bệnh viện dành cho bác sĩ chiếm tới 35%. Bác sĩ lương rất cao họ chỉ cần tập trung cho chuyên môn mà không nặng gánh về kinh tế. Trong khi đó, ở Việt Nam thì không được như vậy", GS Khải chia sẻ.
Khi nhắc về người học trò - ông Nguyễn Quang Tuấn (nguyên giám đốc Bệnh viện Bạch Mai mới bị khởi tố), Giáo sư Khải lặng người đi hồi lâu. Ông nói: "Tôi rất tiếc cho Tuấn, nếu bị truy tố, Tuấn sẽ mất tất cả. Tôi cảm thấy rất buồn...".