Việc một số trường đại học tư thục xét tuyển đầu vào ngành Y khoa bằng môn Ngữ Văn đang làm xã hội vô cùng băn khoăn liệu các nhân viên ngành Y tương lai có thực sự làm việc được không?
Trước vấn đề này, PV Báo Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Văn Tuấn là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS) về vấn đề này.
Chẳng phải là mới vì nhiều trường y trên thế giới đã làm như thế
PV: Một số trường đại học xét tuyển đầu vào ngành Y khoa bằng môn Ngữ Văn? Xin ý kiến của GS về vấn đề này?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi thấy chẳng có gì phải băn khoăn cả. Ngữ văn chỉ là một môn học (trong các môn “truyền thống” như sinh học, hoá học, toán, lí) để xét duyệt ghi danh học ngành y; chứ môn văn không phải là môn học duy nhứt để theo học ngành y. Yêu cầu này chẳng phải là mới vì nhiều trường y trên thế giới đã làm như thế. Các đại học Úc và Âu châu đều có yêu cầu học sinh theo học ngành y phải có trình độ ngữ văn tốt.
GS Nguyễn Văn Tuấn
Cũng cần phải nói thêm rằng, ở các nước phương Tây ngày xưa người ta tuyển sinh y khoa dựa vào các môn học như tiếng Latin và Hi Lạp. Tại sao? Tại vì người có kĩ năng ngôn ngữ tốt là người có tư duy phân tích và logic tốt. Nhiều người nghĩ rằng phải giỏi các môn “truyền thống” mới có tư duy phân tích tốt, nhưng điều này chưa đủ và thiên lệch: người giỏi về ngữ văn cũng là những người có tư duy phân tích tốt. Nên nhớ rằng người ta có câu “Viết văn là suy nghĩ trên trang giấy”; người suy nghĩ logic thì cách viết văn của họ rất dễ hiểu, còn người suy nghĩ lung tung thì câu văn học cũng thế. Người có kiến thức sinh học mà không biết diễn đạt kiến thức của mình một cách logic thì có xem là “giỏi” không? Chắc không?.
PV: Lãnh đạo các trường Y đã lên tiếng bảo vệ cho việc đưa môn Văn vào xét tuyển khi các trường có khảo sát mới quyết định đưa môn Ngữ văn vào? Nhưng có ý kiến cho rằng việc đưa vào xét tuyển môn ngữ Văn mang tính cảm tính? Ý kiến của GS về vấn đề này?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Thật ra, nếu nói về bằng chứng khoa học (tức tránh cảm tính) thì việc tuyển sinh dựa trên các môn học truyền thống cũng đã có chứng cứ gì đâu. Trong thực tế, chỉ cần tham khảo y văn chúng ta sẽ thấy có khá nhiều nghiên cứu trong quá khứ chỉ ra rằng học sinh giỏi môn văn thường là những người học tốt trong những năm ở trường y. Thậm chí, có một nghiên cứu ở Ấn Độ kết luận rằng năng lực ngữ văn là một yếu tố quan trọng bậc nhứt cho sự thành công học tập y khoa.
Tuy nhiên, có một thực tế ít ai nhìn nhận là ở Việt Nam, những học sinh giỏi các môn truyền thống (sinh, lí, hoá, toán) cũng là những em giỏi môn văn. Nếu tính bằng hệ số tương quan thì mối tương quan giữa điểm môn văn và các môn truyền thống lên đến 0.7 - 0.8 (tức khá cao). Do đó, nói là yêu cầu phải có trình độ ngữ văn tốt để tuyển sinh viên y khoa gần như là ... mặc định tự nhiên. Vấn đề có lẽ cần bàn không phải là yêu cầu môn văn, mà là hiện nay nhà trường dạy môn văn như thế nào.
“Cách tuyển sinh ngành y ở Việt Nam cần phải cải cách”
PV: Ở Việt Nam việc xét tuyển vào ngành Y khoa đang hợp lý không, thưa GS?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi nghĩ rằng cách tuyển sinh ngành y ở Việt Nam cần phải cải cách. Không nên chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học hay điểm thi tuyển, mà cần phải có các kiểm tra khác về nhân cách và các khía cạnh ngoài học thuật. Ở nước ngoài, như Úc chẳng hạn, tất cả các thí sinh y khoa ngoài kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, còn phải dự một kì thi gọi là GAMSAT được thiết kế đặc biệt cho các thí sinh muốn theo học ngành y, nha khoa, dược khoa, vật lí trị liệu, và thú y. Kì thi GAMSAT kiểm tra thí sinh về nhân cách, đạo đức xã hội, khả năng nói và viết, và động cơ theo học ngành y. Ngoài ra, chúng tôi còn phỏng vấn trực tiếp các thí sinh, và cuộc phỏng vấn phải được chuẩn hoá một cách khoa học. Thí sinh muốn theo học ngành y phải vượt qua những vòng test như thế để đảm bảo phẩm chất đầu vào.
Tôi cũng phải nói thêm là trong thời gian gần đây, các đại học Úc (và Mĩ đã làm từ lâu) có xu hướng tuyển sinh từ các thí sinh đã có bằng cử nhân với học lực và hạnh kiểm tốt . Ở Đại học Notre Dame (nơi tôi từng tham gia thỉnh giảng), nhiều sinh viên y khoa đã tốt nghiệp cử nhân văn học, kĩ thuật, khoa học xã hội, có người thậm chí đã tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế học. Dạy những sinh viên này rất thích vì họ biết mục tiêu của họ là gì và họ rất giỏi, có khi kiến thức chuyên ngành của họ còn hơn cả thầy (vì có người đã có bằng tiến sĩ). Tôi nghĩ các đại học nên xem xét cách tuyển sinh các thí sinh sau khi đã hoàn tất cử nhân, vì các thí sinh này họ đã "trưởng thành" trong suy nghĩ, nhận định, và thật sự có động cơ tốt để theo đuổi nghề y.
PV: Có ý kiến cho rằng, nếu đưa môn Văn vào xét tuyển ngành y như tổ hợp D12 (Văn, Hóa, Anh), chất lượng đầu vào của nguồn nhân lực khối ngành này trong tương lai là đáng báo động? GS thấy sao về ý kiến này?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Ngành y ở bất cứ nước nào cũng muốn tuyển chọn những học sinh xuất sắc nhất trong nhóm xuất sắc. Nhưng đừng nghĩ rằng điểm vào càng cao là hứa hẹn một bác sĩ tương lai tài ba, vì đó là một hiểu lầm. Nghiên cứu ở Úc, Anh, và Mĩ chỉ ra rằng điểm thi tuyển vào trường y có mức độ tương quan rất thấp với điểm tốt nghiệp trường y.
Thấp như thế nào? Nếu lấy thang đo từ 0 đến 1, thì mối tương quan giữa điểm thi tuyển và điểm tốt nghiệp bác sĩ chỉ khoảng 0.10 đến 0.15! Điều đó không ngạc nhiên, bởi vì qui trình đào tạo, kinh nghiệm của thầy cô, và tiến trình học tập sau khi vào trường y quyết định phẩm chất đầu ra, hơn là điểm thi tuyển. Chất lượng đầu vào là quan trọng, nhưng chất lượng chương trình giảng dạy ở bậc đại học còn quan trọng hơn.
PV: Khi dư luận đang trái chiều như thế này thì Bộ GD&ĐT cũng như Bộ Y tế cần lên tiếng trấn an dư luận về vấn đề này hay không, thưa GS?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi nghĩ Bộ Y tế chắc chắn có suy nghĩ về câu chuyện này và chắc họ sẽ có ý kiến.
Xin chân thành cảm ơn Giáo sư!
GS Nguyễn Văn Tuấn là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS).
Ông hiện là Giáo sư Y khoa của Đại học New South Wales, Giáo sư của Đại học Công nghệ Sydney, và Adjunct professor (Giáo sư kiêm nhiệm) dịch tễ học và thống kê thuộc Đại học Notre Dame.
Ông cũng là người gốc Việt đầu tiên được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia.