Giáo sư Mỹ: Để không bị say rượu thì đừng quên 4 mẹo này

Trà My |

Không có cách nào được khoa học chứng minh là có thể chữa say rượu, nhưng các chuyên gia nói rằng bạn có thể phòng ngừa say rượu hoặc ít nhất là giảm thiểu cảm giác khó chịu do nó gây ra.

Nếu bạn thường xuyên uống rượu quá chén, có lẽ bạn biết cảm giác say rượu khó chịu đến mức nào.

Say rượu có thể khiến bạn run tay, đầu đau như búa bổ và tim đập thình thịch, chưa kể các triệu chứng khó chịu khác như chóng mặt, buồn nôn, nôn, nhạy cảm với ánh sáng và khát nước dữ dội.

Tại sao bạn khó chịu như vậy khi uống quá nhiều rượu? Bởi vì rượu bia đang tàn phá cơ thể bạn, gây mất nước, khó chịu dạ dày và viêm nhiễm. Những vấn đề này lên đến đỉnh điểm vào khoảng thời gian rượu được đào thải khỏi cơ thể.

Không có cách nào được khoa học chứng minh là có thể chữa say rượu, nhưng các chuyên gia nói rằng bạn có thể phòng ngừa say rượu hoặc ít nhất là giảm thiểu cảm giác khó chịu do nó gây ra. Dưới đây là 4 mẹo do 1 giáo sư Mỹ gợi ý:

Uống rượu khi no

Trên mạng có nhiều lời khuyên cho rằng bạn nên "ăn khuya sau một đêm uống rượu", nhưng các chuyên gia cho biết như vậy là quá muộn. Thay vào đó, hãy ăn trước khi uống rượu và tiếp tục ăn trong khi uống.

Tiến sĩ Robert Swift, giáo sư tâm thần học và hành vi con người tại Trường Y Warren Alpert thuộc Đại học Brown ở Providence, Rhode Island, Mỹ, nói với CNN: "Thức ăn trong dạ dày làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày và có thể làm giảm các triệu chứng say rượu".

Vì sao điều này giúp ích? Bởi vì hầu hết rượu không được hấp thụ bởi một chiếc dạ dày trống rỗng, chúng được hấp thụ qua đường ruột, tiến sĩ Swift giải thích.

Giáo sư Swift đã nghiên cứu về lạm dụng rượu từ những năm 1990. Ông nói thêm: "Ví dụ: nếu ai đó uống rượu khi bụng đói, tất cả lượng cồn nguyên chất đó không được làm loãng bởi dạ dày và được chuyển đến ruột rất nhanh".

"Tuy nhiên, nếu dạ dày chứa thức ăn, sẽ có dịch vị và enzym trộn lẫn thức ăn và rượu, và chỉ một lượng nhỏ thức ăn được đưa vào ruột. Khi đó, rượu được làm loãng trong dạ dày và chỉ một lượng nhỏ được hấp thụ".

Giáo sư Mỹ: Để không bị say rượu thì đừng quên 4 mẹo này - Ảnh 1.

Tại sao bạn khó chịu như vậy khi uống quá nhiều rượu? Bởi vì rượu bia đang tàn phá cơ thể bạn, gây mất nước, khó chịu dạ dày và viêm nhiễm.

Uống đủ nước

Giáo sư Swift cho biết nguyên tắc tương tự cũng áp dụng với nước và các loại đồ uống không cồn khác. "Rượu nếu pha với chất lỏng sẽ loãng ra, nên khi đi vào ruột sẽ không gây khó chịu. Bạn sẽ ít có khả năng bị viêm ruột hoặc viêm niêm mạc dạ dày hơn", giáo sư nói.

Tiến sĩ John Brick, cựu giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu về Rượu, Phòng Giáo dục và Đào tạo - Đại học Rutgers ở New Jersey, Mỹ, cho biết có một lợi ích khác khi uống nước xen kẽ với uống rượu.

Tiến sĩ Brick là tác giả cuốn sách "The Doctor’s Hangover Handbook" và người đã xuất bản các bài báo khoa học về tác động hành vi sinh học của rượu và các loại chất kích thích khác. Ông cho biết: "Nguyên nhân chính của tình trạng say rượu là do mất nước và thiếu chất lỏng, cùng với vitamin và khoáng chất".

Tiến sĩ Brick cho biết chỉ cần uống 3,5 ly rượu/bia có thể dẫn đến mất tới 1 lít nước trong vài giờ. "Đó là một lượng nước lớn cần được bổ sung", ông nói.

Giáo sư Swift cho biết tình trạng mất nước do rượu có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến phụ nữ và phụ nữ có nhiều khả năng bị say hơn ngay cả khi uống ít hơn nam giới. Đó là bởi vì một người đàn ông có tỷ lệ nước trong cơ thể cao hơn một phụ nữ cùng chiều cao và cân nặng, vì vậy cùng một lượng rượu sẽ được làm loãng nhiều hơn ở một người đàn ông, giáo sư nói.

"Người phụ nữ sẽ có nồng độ cồn trong máu cao hơn vì cơ thể cô ấy chứa ít nước hơn. Phụ nữ dễ chịu tác hại của rượu bia hơn rất nhiều, họ cũng bị say nhiều hơn và phát triển bệnh gan do rượu sớm hơn nam giới", giáo sư giải thích.

Giáo sư Mỹ: Để không bị say rượu thì đừng quên 4 mẹo này - Ảnh 2.

Uống đủ nước có thể giúp cơ thể chống chọi tốt hơn với cơn say rượu.

Chọn bia, rượu vang hoặc rượu mạnh với ít chất phụ gia hơn

Rượu chúng ta uống được gọi là rượu ethyl hoặc ethanol, là sản phẩm phụ của quá trình lên men carbohydrate và tinh bột, thường là một số loại ngũ cốc, nho hoặc quả mọng.

Chúng ta sử dụng các sản phẩm phụ của quá trình lên men cho cả những mục đích khác: ethanol được thêm vào xăng trong ô tô, rượu methyl hoặc metanol - một chất độc hại - được sử dụng làm dung môi, thuốc trừ sâu và nhiên liệu thay thế.

Đó không phải là tất cả - danh sách các sản phẩm phụ hoặc hóa chất được các nhà sản xuất thêm vào để tạo hương vị cho rượu bia có thể giống như một danh sách tại nhà kho công nghiệp: etyl formate, etyl axetat, n-propanol, isobutanol, n-butanol, isopentanol và rượu isoamyl. Các chất này được gọi là congener, thường được thêm vào với lượng nhỏ, không độc hại, nhưng một số người lại quá nhạy cảm với tác dụng của chúng.

Các chuyên gia cho biết nhìn chung, bia và rượu mạnh có màu sẫm có xu hướng chứa nhiều congener hơn, do đó có nhiều khả năng gây ra cảm giác say hơn. Một nghiên cứu năm 2010 đã điều tra cường độ say rượu ở những người uống rượu bourbon có màu đậm hơn so với rượu vodka trong.

Tiến sĩ Brick cho biết: "Các congener trong rượu bourbon… làm tăng đáng kể cường độ say rượu, điều này không quá ngạc nhiên vì rượu bourbon có lượng congener gấp khoảng 37 lần so với rượu vodka".

Chất bảo quản hóa học được gọi là sulfites, được biết là gây ra phản ứng dị ứng ở những người nhạy cảm, cũng là sản phẩm phụ tự nhiên của quá trình lên men với số lượng nhỏ. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất bia và rượu thêm sulfites vào sản phẩm của họ để kéo dài thời hạn sử dụng. (Sulfites cũng được thêm vào soda, chất làm ngọt, thực phẩm đóng hộp và siêu chế biến, thuốc…)

Rượu vang trắng và ngọt có xu hướng chứa nhiều sulfites hơn rượu vang đỏ, nhưng rượu vang đỏ lại chứa nhiều tanin hơn (những hợp chất có vị đắng được tìm thấy trong vỏ và hạt nho). Giống như sulfites, tannin có thể gây ra phản ứng dị ứng ở những người nhạy cảm.

Do đó, nếu phải uống rượu, hãy uống bia nhẹ, rượu trong và rượu vang trắng để giúp giảm nguy cơ say.

Không uống rượu

Tuy nhiên, cuối cùng, các chuyên gia nói rằng chỉ có một cách phòng ngừa — hoặc chữa trị — thực sự cho chứng say rượu: Đừng uống rượu.

Giáo sư Swift cho biết: "Không có cách chữa trị đơn giản nào vì có rất nhiều yếu tố phức tạp đang tạo ra nhiều triệu chứng của say rượu. Và đó là lý do tại sao cách chữa trị thực sự duy nhất cho chứng say rượu là không uống rượu hoặc uống một lượng rượu nhỏ để không gây ra tình trạng say".

Theo Hướng dẫn Chế độ ăn uống cho Người Mỹ - ban hành bởi chính phủ Mỹ, mức tiêu thụ rượu bia vừa phải là một khẩu phần mỗi ngày đối với phụ nữ và hai khẩu phần mỗi ngày đối với nam giới. Theo đó, một khẩu phần rượu bia tiêu chuẩn là khoảng 355 ml bia thông thường hoặc 150 ml rượu vang hoặc 45 ml rượu mạnh.

(Nguồn: CNN, Healthline)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại