Nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, căn phòng lụp xụp rộng chừng 20 m2 không được tô trát là nơi trú ngụ của cha con anh Đặng Xuân Trực (46 tuổi) và cháu Đặng Văn Luân (12 tuổi).
Mới chừng ấy tuổi nhưng khuôn mặt anh Trực gầy mọp, da nhăn nheo, dáng đi lọm khọm như người ngoài 60. Trong nhà, ngoài chiếc quạt cũ kỹ, những vật dụng còn lại không thứ gì có giá trị.
Cảnh đời lay lắt
Thời trai trẻ, anh Trực sống bằng nghề chẻ đá xây dựng. Công việc nặng nhọc, hằng ngày hít phải bụi đá nhiều nên cách đây vài năm, anh mắc bệnh lao phổi nặng. Kể từ lúc mắc căn bệnh này, anh không làm được việc nặng nên chỉ quanh quẩn trong nhà.
Không lao động được, vợ ly hôn, con trai còn nhỏ nên 2 cha con anh sống bằng sự cưu mang của người thân, bà con láng giềng. Bữa cơm hằng ngày của cha con anh chủ yếu mắm muối với dưa cà.
"Thi thoảng ai cho ít tiền thì mua con cá, miếng thịt cho con ăn. Còn bình thường, bữa cơm cha con tôi chỉ mắm với rau.
Đau lòng nhất là đứa con trai của tôi học lớp 6 đang có nguy cơ phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Bây giờ tôi mới thấy được sức khỏe quý giá như thế nào..." - anh Trực than thở.
Nằm thoi thóp trên giường bệnh trong Khoa Cấp cứu Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bình Định, bà Nguyễn Thị Đúng (56 tuổi; ngụ thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), cho biết đây là lần thứ 3 bà nhập viện cấp cứu sau khi mắc bệnh lao từ 20 năm trước.
Kể từ lúc bà mắc căn bệnh này, sức khỏe sa sút hẳn, không làm được việc nặng nên hoàn cảnh gia đình vốn đã khó khăn lại càng túng bấn hơn. Thấy mẹ bị bệnh, 2 con của bà đang tuổi ăn học phải nghỉ giữa chừng để đi làm thuê phụ giúp gia đình.
"Lần đầu tiên phát hiện mình mắc bệnh lao, tôi chủ quan không uống thuốc đều đặn theo lời dặn của bác sĩ nên bệnh không khỏi hẳn.
Bởi vậy, gần 20 năm qua, bệnh cứ tái phát liên tục, mức độ ngày càng nặng hơn. Thấy chồng con khổ vì mình mà tôi không cầm được nước mắt..." - bà Đúng chua xót nói.
Phát hiện thì đã biến chứng nặng
Theo thống kê của Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bình Định, những năm gần đây, số bệnh nhân mắc bệnh lao có chiều hướng giảm. Cụ thể, năm 2016, bệnh viện khám 15.826 người, thu nhận điều trị lao các thể 1.443 bệnh nhân, lao phổi dương tính 641 bệnh nhân.
Năm 2017, số bệnh nhân tiếp nhận khám giảm còn 13.019 người, thu nhận điều trị lao các thể còn 1.215 bệnh nhân, lao phổi dương tính còn 593 bệnh nhân.
Tuy nhiên, điều đáng lo là số bệnh nhân lao trẻ tuổi ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2016, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bình Định thu nhận điều trị lao các thể cho 23 bệnh nhân lao là trẻ em. Năm 2017, con số này tăng lên 24 và quý I năm nay có 4 bệnh nhân lao là trẻ em.
Bác sĩ Nguyễn Văn Chánh, Trưởng Khoa Khám - Cấp cứu - Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bình Định, nhìn nhận trước đây phần lớn bệnh nhân của khoa là người già, người từ 55 tuổi trở lên. Vài năm gần đây, xuất hiện nhiều ca là trẻ em, thanh niên.
"Các trường hợp này phần lớn đã biến chứng nặng, tràn khí 2 bên màng phổi. Hiện tượng này có nguyên nhân chính là do các em sinh hoạt không điều độ, phá sức, nghiện thuốc lá, ma túy, suy giảm miễn dịch dẫn tới nhiễm lao.
Do chưa đủ điều kiện hỗ trợ điều trị lao tại bệnh viện nên với các ca lao dưới 15 tuổi, chúng tôi chuyển về các cơ sở y tế trong tỉnh và trạm y tế để phối hợp điều trị" - bác sĩ Chánh cho hay.
Theo bác sĩ Đỗ Phúc Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bình Định, ở lứa tuổi càng nhỏ, khi đã bị nhiễm vi trùng lao rất dễ chuyển sang giai đoạn mắc bệnh lao do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ.
Trong đa số trường hợp, ở giai đoạn nhiễm lao thường không có triệu chứng gì. Khi đã sang giai đoạn mắc bệnh, vi khuẩn lao có thể gây nhiều thể bệnh khác nhau tùy theo vị trí phát triển như lao phổi, lao kê, lao màng não, lao hạch...
Những thể bệnh này thường rất nặng, để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Khi thấy trẻ biếng ăn, chậm lớn, gầy sút, sốt âm ỉ, đổ mồ hôi trộm, sợ nước, ớn lạnh vào buổi chiều... cần phải nghĩ đến bệnh lao để đưa trẻ đi khám và điều trị.
"Để phòng bệnh cho trẻ, nếu trong nhà có người bị bệnh lao, cần phải cách ly trẻ với người bệnh, tốt nhất là không ở cùng nhà với người bệnh. Người mắc bệnh lao không ho, khạc đờm bừa bãi; tránh tiếp xúc, hôn hít trẻ nhỏ cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.
Nếu công việc đang làm đòi hỏi phải tiếp xúc với nhiều người khác như giáo viên, cô nuôi dạy trẻ... thì tạm chuyển sang công việc khác cho đến khi bệnh không còn khả năng lây lan" - bác sĩ Thanh khuyến cáo.
Bác sĩ Châu Văn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bình Định cho rằng để tầm soát bệnh lao tốt hơn, năm nay, bệnh viện sẽ tổ chức nhiều đoàn khám lưu động xuống các phường, xã; đồng thời tăng cường truyền thông để cộng đồng hợp tác tốt hơn trong phòng chống bệnh lao.
Không có thuốc điều trị chuyên cho trẻ
Theo bác sĩ Trương Văn Vĩnh, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), không chỉ trẻ hóa, số trẻ em bị lao kháng thuốc ngày càng tăng. Điều đáng nói là không có công thức và thuốc điều trị lao chuyên biệt cho trẻ em.
Thị trường thuốc lao kháng thuốc cho trẻ em hiện rất nhỏ (khoảng 5.000 bệnh nhân/năm) nên không đủ lợi nhuận để các nhà sản xuất đầu tư. Thiếu nghiên cứu khoa học cơ bản, dữ liệu dược động học để xác định liều dùng cần thiết trong điều trị lao kháng thuốc cho trẻ em.
"Ngay cả đối với lao nhạy cảm với thuốc ở trẻ em, thuốc hiện tại không phù hợp với các hướng dẫn. Từ năm 2018, Chương trình Phòng chống lao quốc gia sẽ cung cấp thuốc lao mới dưới dạng định liều, hòa tan, thân thiện với trẻ em nhưng có bất lợi là thời gian sử dụng ngắn" - bác sĩ Vĩnh nói.
TR.THIỆP