Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức: Telehealth cung cấp một platform để tạo ra thế giới phẳng trong y tế

Thu Hà (thực hiện) |

Lần đầu tiên tại Việt Nam, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) tổ chức tư vấn phẫu thuật trực tuyến qua hệ thống mổ nội soi với công nghệ 3D được tích hợp vào hệ thống Viettel Telehealth. Hệ thống mới đem lại giá trị gì cho bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam triển khai tư vấn, khám chữa bệnh từ xa? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện.

Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức: Telehealth cung cấp một platform để tạo ra thế giới phẳng trong y tế - Ảnh 1.

Thưa GS.TS Trần Bình Giang, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã triển khai việc Khám chữa bệnh từ xa, tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới thông qua nền tảng trực tuyến từ nhiều năm trước. Lần này, với nền tảng của Viettel Telehealth, hệ thống khám chữa bệnh từ xa của BV Việt Đức có điểm gì mới?

GS.TS Trần Bình Giang: Về khám chữa bệnh từ xa, Bệnh viện Việt Đức là đơn vị đầu tiên thực hiện cách đây 15 năm trong dự án tăng cường năng lực các bệnh viện vệ tinh góp phần giảm tải BV Việt Đức do Bộ Y tế phê duyệt năm 2004. Lúc đó, chúng tôi đã xây dựng dự án kết nối BV Việt Đức với 6 bệnh viện vệ tinh ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ nhằm mục đích phát triển năng lực y tế của các tỉnh, các địa phương, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của các đồng nghiệp ở các địa phương để bệnh nhân có thể được điều trị với trình độ cao ngay tại địa phương của mình.

Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức: Telehealth cung cấp một platform để tạo ra thế giới phẳng trong y tế - Ảnh 2.

Ca đầu tiên chúng tôi thực hiện tư vấn phẫu thuật từ xa vào năm 2006. Từ năm 2013 đến 2019 có gần 600 cuộc hội chẩn, đào tạo chuyển giao kỹ thuật từ xa được thực hiện thường xuyên hàng tuần tại BV Việt Đức với 23 điểm cầu. Nhờ có Viettel Telehealth, chúng tôi đã đưa con số các điểm cầu từ 23 lên tới hơn 100 điểm cầu. Có cả các bệnh viện tuyến huyện, các bệnh viện công và bệnh viện tư đăng ký trở thành điểm cầu vệ tinh của BV Việt Đức.

Khám chữa bệnh từ xa đã bắt đầu từ thế kỷ XX với sự ra đời của sóng radio. Nhưng ngày nay, với sự phát triển của khoa học cônng nghệ, các phương tiện truyền dẫn, thiết bị công nghệ cao trong y học, việc khám chữa bệnh, tư vấn phẫu thuật đã được thực hiện ở 1 trình độ kỹ thuật cao mới. Đơn cử như ngày hôm nay, thông qua Telehealth, chúng ta chứng kiến 1 cuộc tư vấn phẫu thuật được thực hiện giữa BV Việt Đức và BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh qua 1 hệ thống phẫu thuật nội soi 3D. Đây là một trong những công nghệ mới nhất giúp người thầy thuốc nhìn qua hệ thống hình ảnh mà như đang đứng trong phòng mổ.

Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức: Telehealth cung cấp một platform để tạo ra thế giới phẳng trong y tế - Ảnh 3.

Là đơn vị đầu tiên đưa việc Khám chữa bệnh từ xa thông qua nền tảng trực tuyến vào hoạt động thực tế suốt 15 năm qua, ông có nhận xét như thế nào về sự hỗ trợ của nền tảng trực tuyến hiện đại vào sự phát triển của ngành y tế?

GS.TS Trần Bình Giang: Với hệ thống Khám chữa bệnh từ xa, chúng tôi vẫn gọi đây là hệ thống tư vấn khám chữa bệnh. Đối với ngành ngoại khoa thì có điều đặc biệt là có ngành tư vấn phẫu thuật. Nó đã xoá nhoà khoảng cách giữa vùng sâu vùng xa và các bệnh viện, chuyên gia, giáo sư hàng đầu.

Nhờ hệ thống Khám chữa bệnh từ xa, lần đầu tiên, rất nhiều bà con ở vùng sâu vùng xa, thậm chí bà con ở miền núi nhận được sự tư vấn, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị của các giáo sư, chuyên gia mà bà con chưa bao giờ biết hoặc chỉ biết qua màn ảnh truyền hình. Đấy là một lợi ích vô cùng to lớn của hệ thống Khám chữa bệnh từ xa. Quyết định của Bộ Y tế mở rộng hệ thống này dưới sự hỗ trợ nền tảng công nghệ của Viettel là điều hết sức đúng đắn.

Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức: Telehealth cung cấp một platform để tạo ra thế giới phẳng trong y tế - Ảnh 4.

Nền tảng trực tuyến Telehealth được lắp đặt mới nhất tại Bệnh viện Việt Đức có gì khác biệt không, thưa Giáo sư?

GS.TS Trần Bình Giang: Điều khác biệt quan trọng nhất so với giai đoạn trước chính là sự phát triển của khoa học công nghệ. Nếu trước đây, để có thể truyền 1 cuộc phẫu thuật, hệ thống truyền dẫn thông tin phải mất 2 tuần để setup. Hơn 100 kỹ thuật viên công nghệ thông tin phải trực toàn bộ đường dây hữu tuyến để đảm bảo hệ thống thông suốt để hoạt động. Ngày nay, tất cả đã được tự động hoá, băng thông rất lớn. Kỹ thuật 3D đòi hỏi băng thông rất lớn, kỹ thuật cao mà chúng ta vẫn có thể làm được.

Theo ông, Telehealth sẽ đem lại điều gì cho sự phát triển của ngành y tế?

GS.TS Trần Bình Giang: Ban đầu chúng tôi chỉ kết nối với 6 bệnh viện đã rất mất thời gian rồi. Nhưng số lượng đã tăng dần, đến nay đã là hơn 100 bệnh viện. Hệ thống Khám chữa bệnh trực tuyến này sẽ cung cấp một flatform để tạo thành một thế giới phẳng trong y tế. Từ trung tâm y tế cấp huyện, xã cũng có thể lên hệ thống này hỏi ý kiến của chuyên gia ở tuyến trung ương. Như thế, chúng ta đã xoá nhoà được khoảng cách địa lý, xoá nhoà được sự phân cấp tuyến này tuyến kia, tất cả đều trên một mặt phẳng.

Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức: Telehealth cung cấp một platform để tạo ra thế giới phẳng trong y tế - Ảnh 5.

Ông nói nhiều về sự tiến bộ của khoa học công nghệ giúp cho việc tư vấn phẫu thuật từ xa đã tiến 1 bước tiến dài. Ông có thể nói cụ thể hơn về điều đó không?

GS.TS Trần Bình Giang: Đơn cử như ngày hôm nay, lần đầu tiên chúng ta truyền hình trực tiếp tư vấn 1 ca phẫu thuật với hệ thống kỹ thuật 3D – một công nghệ mới nhất trong phẫu thuật nội soi. Cụ thể, tư vấn phẫu thuật từ xa cho người bệnh 60 tuổi được chẩn đoán viêm túi mật do sỏi mật/ người bệnh có hẹp đường mật chưa rõ nguyên nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Tôi nói thêm về phẫu thuật nội soi 3D, đây là xu hướng mới trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi. Hệ thống mổ nội soi với công nghệ 3D đem lại hình ảnh không gian nổi, giúp các góc khuất giải phẫu trở nên rõ nét, dễ tiếp cận, phóng đại các mạch máu nhỏ, tập trung được dụng cụ phẫu thuật vào mục tiêu chính, do đó hạn chế làm chấn thương mô lành xung quanh.

Để truyền được hình ảnh 3D về trung tâm tư vấn tại Bệnh viện Việt Đức, bên Viettel phải hỗ trợ rất nhiều về kỹ thuật, ví dụ đường truyền băng thông rộng, đảm bảo chất lượng hình ảnh 3D...

Tiếp cận với kỹ thuật cao như kỹ thuật nội soi 3D giúp phẫu thuật viên được làm việc trong không gian ba chiều, giúp các thao tác phẫu thuật chính xác, nhanh chóng, thuận lợi, giảm thời gian phẫu thuật. Về công tác đào tạo, các bác sĩ trẻ cũng có thể nắm bắt và thực hiện kỹ thuật nhanh chóng, rút ngắn kỹ thuật đào tạo, rất nhiều lợi ích…

Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức: Telehealth cung cấp một platform để tạo ra thế giới phẳng trong y tế - Ảnh 6.

Ngoài sự trợ giúp chuyển tải các kỹ thuật cao trong tư vấn phẫu thuật từ xa, Telehealth còn đem lại lợi ích nào nữa không, thưa ông?

GS.TS Trần Bình Giang: Trong dịch Covid, lợi ích của khám chữa bệnh từ xa rất lớn. Chúng ta không thể tập trung đông người vì nguy cơ lây lan rất cao. Các thầy thuốc ở các địa phương cần được đào tạo chuyển giao kỹ thuật cũng không thể về BV Việt Đức được. Các hoạt động đào tạo trực tiếp đều phải dừng lại.

Nhưng trong thời điểm đó, chúng tôi vẫn thực hiện các buổi hội chẩn, trao đổi về các trường hợp bệnh nhân khó thường quy vào thứ 6 hàng tuần và các buổi tập huấn cho các điều dưỡng về vấn đề chăm sóc người bệnh, kỹ thuật phòng chống dịch vào thứ 3 hàng tuần… tất cả đều được chia sẻ qua hệ thống đào tạo trực tuyến.

Một lợi ích nữa là nền tảng trực tuyến có thể giúp ngành y tế xoá nhoà khoảng cách ngay cả với thế giới. BV Việt Đức đã nhiều lần thực hiện các chương trình hội nghị, hội thảo và truyền hình những ca mổ để rút kinh nghiệm với các bạn đồng nghiệp quốc tế, qua đó giới thiệu với bạn bè quốc tế về trình độ, năng lực các thầy thuốc của chúng ta, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.

Xin cảm ơn GS.TS Trần Bình Giang về cuộc trò chuyện!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại