Nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc y tế của BioNTech mới đây nói với CNBC rằng thế giới "không nên sống trong nỗi sợ" virus SARS-CoV-2.
BioNTech là công ty công nghệ sinh học của Đức, phát triển vaccine Covid-19 cùng với công ty dược của Mỹ Pfizer.
"Covid sẽ trở nên có thể quản lý được. Nó đã bắt đầu có thể quản lý được", Tiến sĩ Ozlem Tureci, đồng sáng lập BioNTech, cho biết trong tập mới nhất của chương trình truyền hình "The CNBC Conversation".
Tuy nhiên, bà Tureci nói thêm rằng chúng ta sẽ "cần phải quay trở lại trạng thái bình thường mới, bởi vì loại virus này sẽ đồng hành với chúng ta trong vài năm nữa".
Ảnh minh họa
Khi được hỏi về những lo ngại đối với các biến thể coronavirus mới, bà Tureci cho biết BioNTech "liên tục đánh giá các biến thể có khả năng sắp xuất hiện và sẽ còn thêm nhiều biến thể nữa".
"Đối với tất cả các biến thể hiện đang lưu hành, có vẻ như chỉ những liều vaccine tăng cường, giúp đưa phản ứng miễn dịch đang suy yếu trở lại mức cao, là phù hợp và có tác dụng bảo vệ", nữ tiến sĩ nói. "Tuy nhiên, chúng ta phải tiếp tục sàng lọc vì có thể sắp tới sẽ có những biến thể mới mà khiến điều trên sẽ không hiệu quả".
Đối với những biến thể này, BioNTech sẽ "hành động nhanh chóng" để thích ứng, bà Tureci cho biết.
[Đọc thêm: Công ty Mỹ thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 ‘hiệu quả với mọi biến thể’]
Bà Tureci đồng sáng lập BioNTech vào năm 2008 cùng với chồng là Giám đốc điều hành Ugur Sahin.
Bà nói rằng cần nhiều dữ liệu hơn để tìm ra con đường thoát khỏi đại dịch. Tuy nhiên, bà cho rằng các liều vaccine tăng cường trong tương lai có thể được tiêm "12 hoặc 18 tháng một lần".
Phát triển vaccine Covid-19 chỉ trong chưa đầy một năm
Trọng tâm chính của BioNTech là "liệu pháp miễn dịch cá nhân tiên phong" cho thuốc điều trị ung thư và sử dụng công nghệ mRNA giúp kích thích phản ứng miễn dịch của chính cơ thể, bà Tureci cho biết. Công ty cũng đang nghiên cứu để phát triển một loại vaccine cho bệnh sốt rét.
"Vì vậy, chúng tôi đã có nền tảng khoa học và kiến thức về các cơ chế miễn dịch và cách tận dụng những điều này để chống lại virus…", bà Tureci nói.
"Và trọng tâm khác của chúng tôi là công nghệ mRNA, được sử dụng như một định dạng vaccine, có thể giao tiếp với hệ thống miễn dịch và dạy hệ miễn dịch cách phản ứng với kẻ thù mới với độ chính xác cao".
"Vì công nghệ này đã được chúng tôi sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng ở bệnh nhân ung thư, nên nó đã chín muồi. Chúng tôi biết cách tiến hành các thử nghiệm lâm sàng với công nghệ này, cách xử trí bệnh nhân và cách thiết lập quy trình sản xuất", bà Tureci nói thêm.
Nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc y tế của BioNTech, Tiến sĩ Ozlem Tureci.
Những kinh nghiệm của BioNTech có nghĩa là công ty có thể phát triển một loại vaccine trong vòng chưa đầy một năm.
Khi được hỏi liệu điều này có thể xảy ra với tất cả các loại vaccine khác trong tương lai hay không, bà Tureci nói với CNBC rằng đã có "mức độ ưu tiên cao cần thiết cho mối đe dọa toàn cầu này", nhưng có những bài học có thể được rút ra.
"Tôi nghĩ rằng có một số điều mà nếu được tận dụng vào các nghiên cứu phát triển thuốc trong tương lai thì có thể giúp chúng tôi đẩy nhanh tốc độ, ví dụ như đối với các bệnh nhiễm trùng mà không phải đại dịch, đối với ung thư và các bệnh tự miễn dịch", bà nói.
Bình đẳng giới trong khoa học
Vaccine AstraZeneca – Oxford phòng Covid-19 cũng do các nhà khoa học nữ dẫn đầu. Tiến sĩ Tureci cảm thấy những ví dụ điển hình này về bình đẳng giới trong khoa học là "rất quan trọng" và là một trong những lý do đằng sau thành công của BioNTech.
"Tôi thực sự tin rằng một trong những bí quyết thành công của chúng tôi với tư cách là một tập thể và với tư cách là một công ty là chúng tôi là một tập thể bình đẳng giới. Gần một nửa lực lượng lao động của chúng tôi là nữ và tỷ lệ này cũng tương đương ở mức quản lý cao nhất", nữ tiến sĩ nói.
"Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra là trong công ty của chúng tôi, chúng tôi không tuyển dụng phụ nữ vì chúng tôi muốn hoàn thành bất kỳ chỉ tiêu nào về giới, điều đó đến một cách tự nhiên ... Và công ty có một nửa nhân viên là nữ một cách rất tự nhiên".
(Nguồn: CNBC)
MỜI ĐỘC GIẢ GỬI CÂU HỎI TỌA ĐÀM TRỰC TUYẾN
Buổi tọa đàm với chủ đề "Sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2: Cần làm gì?" sẽ bàn về những giải pháp của chính phủ và người dân nên làm để có một cuộc sống "bình thường mới" an toàn với virus SARS-CoV-2, đồng thời học hỏi những kinh nghiệm của những quốc gia đi trước.
Các khách mời của chương trình:
- TS.BS Vũ Thị Thu Nga, từ Liên minh vận động phát triển chính sách y tế dựa trên bằng chứng khoa học (EBHPD), nguyên giảng viên Đại học Y Hà nội, TS dịch tễ học từ Đại học New South Wales Australia.
- TS.BS Trần Tuấn, giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển Cộng đồng (RTCCD), Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt nam; Thành viên nhóm tư vấn độc lập phát triển chiến lược tổng thể phòng chống hiệu quả dịch COVID-19, Bộ Y tế.
- TS. BS Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Đại học Kyoto, Nhật Bản, Đồng sáng lập Dự án Y học cộng đồng.
Thời gian: 16h Thứ 5 ngày 30/09/2021 trên page Soha.vn và web Soha.vn.
Quý độc giả có câu hỏi dành cho khách mời, xin gửi TẠI ĐÂY.