Giải pháp cho người cao tuổi hết táo bón

ThS.BS. Bùi Mai Hương |

Bố tôi năm nay 83 tuổi, gần đây mẹ tôi do yếu mệt nên bữa ăn của bố tôi nhiều hôm không có rau khiến ông bị táo bón, 3 ngày không đi ngoài được.

Tôi được người mách ra nhà thuốc mua thuốc thụt hậu môn về dùng cho ông. Xin bác sĩ tư vấn trường hợp của bố tôi thì có nên thụt không và nên làm gì để hết táo bón. Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Trần Bình Hà (Đà Nẵng)

Táo bón là khi quá 3 ngày chưa đại tiện hoặc đại tiện dưới 3 lần trong một tuần.

Táo bón có nhiều nguyên nhân, có thể do chế độ dinh dưỡng không hợp lý (ăn ít chất xơ, ăn ít rau, hoặc không có thói quen ăn rau); hoặc ăn các loại có chứa nhiều chất tanin như chuối xanh, búp ổi, uống trà đặc... hoặc do uống ít nước, không ăn canh hoặc quen uống trà đặc, nước chè xanh; hoặc do tuổi cao khó đi lại hoặc ngại đi lại nên ngồi một chỗ hoặc lười vận động. Một số trường hợp có thói quen nhịn đi đại tiện.

Táo bón cũng có thể do bệnh lý ở đại tràng (viêm đại tràng mạn, phình đại tràng tiên thiên...) hoặc mắc các bệnh nội tiết như suy giáp trạng, cường giáp trạng... Ngoài ra, nếu sử dụng thuốc làm giảm co bóp của ruột (thuốc giảm đau) hoặc dùng thuốc chữa bệnh tăng huyết áp cũng có thể gây táo bón.

Giải pháp cho người cao tuổi hết táo bón - Ảnh 1.

Tải thực phẩm giàu chất cơ.

Trường hợp của bố bạn do chức năng của đường ruột suy giảm bởi lão hóa, 83 tuổi không ăn rau bị táo bón là chuyện dễ hiểu, đó là táo bón do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý. Vì vậy nên bổ sung rau vào các bữa ăn chính.

Nên dùng các loại rau như rau đay, mồng tơi, rau dền... Ngoài ra, nên ăn thêm cà chua, dưa chuột, xà lách... (rửa sạch, ăn sống), tránh ăn chuối xanh, chuối chưa chín hẳn. Bên cạnh đó tránh uống trà đặc, chè xanh...

Khi chế độ ăn đã được điều chỉnh nhưng vẫn táo bón và không mắc các bệnh có nguy cơ gây táo bón như trình bày ở trên, có thể dùng thuốc thông dụng như forlax (thuốc dùng cho người lớn và trẻ trên 8 tuổi) hoặc duphalac (thuốc dùng cho trẻ em nhưng vẫn có thể dùng cho người lớn).

Forlax có tác dụng nhuận tràng do làm tăng lượng nước trong phân, giúp phân mềm hơn và tăng khối lượng phân, thuốc tác động dần dần trong vòng 24 - 48 giờ. Forlax không hấp thụ vào máu hoặc phân giải trong cơ thể. Còn duphalac thường được dùng để tạo phân mềm ở người bị táo bón.

Cần chú ý không được dùng một lúc cả hai loại thuốc này. Thụt tháo hậu môn là biện pháp cuối cùng, không nên tháo thụt thường xuyên vì sẽ gây tổn thương hậu môn, trực tràng cũng như làm mất phản xạ đi ngoài tự nhiên.

Tốt nhất bạn nên đưa bố đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được xác định đúng nguyên nhân gây táo bón ở ông, từ đó mới có hướng xử trí phù hợp và chính xác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại