Giải mã từng chữ số trong tên biến thể virus SARS-CoV-2: B.1.1.7, B.1.351 nghĩa là gì?

THANH PHONG |

Oliver Pybus, một nhà sinh vật học tiến hóa ở Oxford, người đã giúp thiết kế hệ thống danh pháp Pango cho biết: "Bạn không thể theo dõi một thứ gì đó mà bạn không thể gọi tên". Sự chấp nhận của cả các nhóm khoa học gia và công chúng sẽ là điểm cốt yếu để tạo ra một hệ thống danh pháp dùng cho đại dịch COVID-19, và cả các dịch bệnh sau này trong tương lai.

N501Y.V2. VOC 202012/02. B.1.351.

Đó là những cái tên "quyến rũ" mà các nhà khoa học đã đặt cho biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Nam Phi. Có thể khi đọc chúng bạn sẽ có cảm giác như đọc một chuỗi mật mã. Nhưng đối với các nhà khoa học, mỗi chữ cái, mỗi con số và dấu chấm trong dãy ký tự này đều mang một ý nghĩa hết sức sâu sắc.

Hãy thử đổi chỗ một dấu chấm trong "B.1.351" nó sẽ biến thành một virus hoàn toàn khác.

Giải mã từng chữ số trong tên biến thể virus SARS-CoV-2: B.1.1.7, B.1.351 nghĩa là gì? - Ảnh 1.

Tại sao không gọi "biến chủng Nam Phi" hay virus "cúm Trung Quốc"?

Thực ra, đối với đa số người bình thường chúng ta, việc gọi virus SARS-CoV-2 và các biến thể của nó theo tên địa danh được phát hiện có vẻ dễ nắm bắt hơn. Chẳng hạn, SARS-CoV-2 có thể gọi đơn giản là "cúm Trung Quốc" hoặc "cúm Vũ Hán", biến thể B.1.1.7 có thể được gọi là "biến thể Anh" còn B.1.351 là "biến thể Nam Phi".

Nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều nhà khoa học không ủng hộ điều đó. Họ nghĩ những cái tên này mang tính phân biệt chủng tộc hoặc vùng miền địa lý, quốc gia. Không chỉ Trung Quốc, các dịch bệnh trước đây như "Hội chứng Suy hô hấp cấp Trung Đông" (MERS), "dịch tả Ấn Độ", "Cúm Tây Ban Nha" cũng đã tạo ra tâm lý kỳ thị chủng tộc.

Cho nên vào năm 2015, WHO đã ban hành các quy tắc đặt tên bệnh tật hoặc mầm bệnh, trong đó yêu cầu các nhà khoa học phải tránh nhắc đến vị trí địa lý nơi căn bệnh được phát hiện, loài động vật hoặc thực phẩm mà nó lây nhiễm. Chẳng hạn đặt tên H1N1 là "cúm lợn" từng một thời khiến giá thịt lợn bị sụt giảm thê thảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến thịt lợn.

Quy định này thực sự là một thách thức, Emma Hodcroft, một nhà dịch tễ học phân tử tại Đại học Bern, Thụy Sĩ, cho biết. "Việc tạo ra những cái tên khác biệt, truyền đạt được đầy đủ thông tin, không liên quan đến tham chiếu địa lý và dễ phát âm, dễ nhớ là rất khó".

Vì vậy, hiện nay các nhà khoa học vẫn phải đặt tên các virus và biến chủng của chúng theo các hệ thống danh pháp sử dụng ký hiệu và chữ số. Chẳng hạn, biến thể B.1.351 được đặt tên theo hệ thống danh pháp Pango.

Giải mã từng chữ số trong tên biến thể virus SARS-CoV-2: B.1.1.7, B.1.351 nghĩa là gì? - Ảnh 2.

Hệ thống danh pháp Pango

Theo hệ thống danh pháp này, virus SARS-CoV-2 ban đầu được chia thành 2 dòng A và B phân kỳ từ sự kiện dịch bệnh bùng nổ ở Vũ Hán. Sau đó, hậu duệ của mỗi dòng sẽ được ký hiệu bằng một chữ số tiếp theo, ví dụ A.1 là hậu duệ của A, B.1 là hậu duệ của B. B.1.1 là hậu duệ của B.1.

Căn cứ để xác định một biến thể virus là hậu duệ của biến thể tổ tiên là nó phải có bộ gen đột biến khác với virus ban đầu, đồng thời xuất hiện và lây lan sang một quần thể mới ở một vị trí địa lý mới.

Chẳng hạn, SARS-CoV-2 dòng B ở Trung Quốc sau khi lây lan sang Ý năm ngoái đã được gọi là B.1. Sau đó, các hậu duệ của B.1 lây lan sang Anh đã biến thành B.1.1 cho đến B.1.1.7.

Thế nhưng, hệ thống danh pháp Pango quy định không có quá 4 con số phía sau chữ cái. Một khi dòng B.1.1.1.1 xuất hiện, nó sẽ được chuyển thành một chữ cái khác cho ngắn gọn, ví dụ như D.1. A.1.1.1.1 sẽ chuyển thành C.1, tương tự A.1.1.1.2 sẽ chuyển thành C.2.

Theo đó, B.1.351 là tên gọi theo danh pháp Pagon của biến chủng virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Nam Phi. Chúng ta sẽ biết nó chính là hậu duệ của các chủng B.1 tại Ý. Trước đó, dòng B.1 cũng có rất hiều hậu duệ lây lan đến nhiều quốc gia khác dạng B.1.x, chúng ta chỉ không biết đến chúng vì các hậu duệ này về cơ bản không nguy hiểm.

Chỉ khi chúng tích lũy được các đột biến kháng vắc-xin như B.1.351 trong lúc lây đến Nam Phi, chủng virus này mới được gọi tên.

Giải mã từng chữ số trong tên biến thể virus SARS-CoV-2: B.1.1.7, B.1.351 nghĩa là gì? - Ảnh 3.

Những cách đặt tên khác

Nhưng điểm khiến mọi chuyện rắc rối hơn, đó là Pango không phải hệ thống danh pháp duy nhất mà các nhà khoa học có thể sử dụng để gọi tên biến thể virus. Theo một thệ thống danh pháp khác là Nextstrain, tên của B.1.351 sẽ là N501Y.

Hệ thống Nextstrain chỉ quan tâm đến bộ gen của virus biến thể, chứ không cần biết đến vị trí địa lý mà biến thể xuất hiện. Theo đó, N là chữ viết tắt của axit amin Asparagine, Y là viết tắt của axit amin Tyrosine. N501Y có nghĩa là biến chủng này đã có đột biến ở vị trí axit amin thứ 501 trên protein gai, trong đó biến A thành T.

Nghe có vẻ dễ dàng phải không? Tuy nhiên, hệ thống Nextstrain có một điểm yếu là nó chỉ mạnh khi gọi tên được một biến thể có một đột biến duy nhất. Trong trường hợp đột biến N501Y, nó cũng xuất hiện trên biến thể B.1.1.7 ở Anh cùng với nhiều đột biến khác.

Do đó, biến thể Nam Phi hóa ra lại phải ký hiệu thành N501Y.V2, với "V2" nghĩa là "Version 2". Trường hợp tương tự xảy ra với biến thể SARS-CoV-2 ở Brazil, được ký hiệu là N501.V3.

Cuối cùng, VOC 202012/02 cũng là một cái tên khác của biến thể Nam Phi, nhưng được đặt theo hệ thống "Biến thể đáng quan ngại" (Variant Of Concern -VOC) của Bộ Y tế Anh. Theo đó, các quan chức nước này chỉ quan tâm đến thời gian mà biến thể được xác định.

Ví dụ, trong cùng tháng 12 năm 2020, họ xác định 2 biến thể của virus SARS-CoV-2 được đặt tên là VOC 202012/01 (chính là B.1.1.7 hay biến thể Anh) và VOC 202012/02 (chính là B.1.351 hay biến thể Nam Phi).

Giải mã từng chữ số trong tên biến thể virus SARS-CoV-2: B.1.1.7, B.1.351 nghĩa là gì? - Ảnh 4.

WHO đang muốn thống nhất cách gọi tên virus

Thật là rắc rối phải không, chỉ riêng một biến thể virus SARS-CoV-2 đã có tới 3 cái tên theo 3 hệ thống danh pháp khác nhau. Điều này không chỉ gây khó khăn cho công chúng khi tiếp cận các thong tin về đại dịch từ nhiều nguồn khác nhau, mà bản thân các nhà nghiên cứu cũng như Tổ chức Y tế Thế giới cũng thấy bất cập.

Vì vậy, WHO cho biết họ đã thành lập một nhóm công tác gồm hàng chục chuyên gia để tìm cách lập một hệ danh pháp thống nhất toàn cầu trong đại dịch COVID-19.

"Hệ thống mới này sẽ gán cho các biến thể đáng quan tâm một cái tên dễ phát âm, dễ nhớ và cũng sẽ giảm thiểu những tác động tiêu cực không đáng có đến các quốc gia, nền kinh tế và con người", đại diện WHO cho biết. "Đề xuất cho cơ chế này hiện đang trong quá trình hoàn thiện".

Theo hai thành viên của nhóm làm việc, hệ thống danh pháp của WHO sẽ rất đơn giản: Họ chỉ đánh số các biến thể theo thứ tự chúng được xác định - V1, V2, V3, v.v. Thế nhưng, thách thức lúc này là việc các con số có thể chạy dài tới đâu và có gây khó khăn khi virus biến thể ngày càng nhiều hay không?

"Có hàng nghìn hàng nghìn biến thể tồn tại và chúng tôi cần một số cách để ghi nhãn chúng", Trevor Bedford, một nhà sinh vật học tiến hóa tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, thành viên nhóm làm việc của WHO cho biết.

Giải mã từng chữ số trong tên biến thể virus SARS-CoV-2: B.1.1.7, B.1.351 nghĩa là gì? - Ảnh 6.

Một số đề xuất mới đã được đặt ra, chẳng hạn sử dụng chữ cái Hy Lạp, dùng hệ thống tương tự như cách chúng ta đặt tên bão, dùng tên các loài động vật như chim hoặc các loài động vật đặc trưng của từng địa phương…

Một số nhà khoa học còn đề xuất nói lái những cái tên ký hiệu thành một cụm từ nào đó có âm tiết đáng yêu và sống động hơn. Chẳng hạn N501Y có thể được gọi là "Nelly", đột biến E484K có thể được gọi là "Eeek".

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, các biến thể virus SARS-CoV-2 cũng cần phải được đặt tên. Nó phải là một cái tên vừa có thể tiếp cận được công chúng bình dân, những người đang theo dõi đại dịch trên thế giới và vừa thuận lợi cho quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học.

Oliver Pybus, một nhà sinh vật học tiến hóa ở Oxford, người đã giúp thiết kế hệ thống danh pháp Pango cho biết: "Bạn không thể theo dõi một thứ gì đó mà bạn không thể gọi tên". Sự chấp nhận của cả các nhóm khoa học gia và công chúng sẽ là điểm cốt yếu để tạo ra một hệ thống danh pháp dùng cho đại dịch COVID-19, và cả các dịch bệnh sau này trong tương lai.

Tham khảo Nature, Wired, Nytimes

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại