Giải mã thủ phạm của "Cái chết đen", thảm kịch u tối từ Nga khiến 25 triệu người chết

Trang Ly |

Sau thảm kịch chết chóc bậc nhất trong lịch sử nhân loại này, châu Âu phải mất tới 150 năm mới khôi phục được dân số như cũ.

Người ta nói rằng, "Cả Napoleon và Hitler đều thất bại trong việc xâm chiếm Nga, nhưng "Cái chết đen" thì ngược lại!"

"Cái chết đen" (Black Death) được xem là một trong những đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại, khiến 25 triệu người châu Âu chết trong vòng từ năm 1346 đến năm 1351.

Theo tài liệu ghi chép, thì ổ dịch "Cái chết đen" bùng phát đầu tiên tại Nga khi nó bắt đầu xuất hiện vào mùa Xuân năm 1346 từ bờ biển phía Tây Bắc của biển Caspi "xâm chiếm" lên miền Nam nước Nga.

Vài tháng sau, mùa Thu năm 1346, qua các con đường thương mại, "Cái chết đen" đã lây nhiễm dần khắp châu Âu, từ những thành thị phồn hoa đến những vùng nông thôn hẻo lánh, trong đó, thành phố Marseilles (Pháp) được xem là trung tâm truyền bệnh dịch hạch lớn nhất châu Âu.

Đến năm 1353, toàn châu Âu chỉ có 2 quốc gia là Iceland và Phần Lan không bị nhiễm "Cái chết đen" do hai quốc gia này ít có các hoạt động giao thương với nước ngoài.

Giải mã thủ phạm của Cái chết đen, thảm kịch u tối từ Nga khiến 25 triệu người chết - Ảnh 1.

Qua trình lây lan "Cái chết đen" từ năm 1346 đến 1351. Nguồn: Wikipedia

Independent cung cấp số liệu tổng số người chết vì "Cái chết đen" (ở cả châu Âu và châu Á) những năm giữa thế kỷ 14 là ít nhất 70 triệu người.

"Giải oan" cho "loài tội phạm khét tiếng nhất lịch sử"

Các nhà khoa học đầu thế kỷ 20 tin rằng, loại vi khuẩn gây bệnh dịch hạch tên là Yersinia pestis trên loài bọ chét sống trên loài chuột đen (Rattus rattus) đã gây nên thảm họa đen tối bậc nhất trong lịch sử châu Âu thế kỷ 14 này.

Giải mã thủ phạm của Cái chết đen, thảm kịch u tối từ Nga khiến 25 triệu người chết - Ảnh 2.

Loài chuột đen (Rattus rattus) tại George M. Sutton Avian Research Center. Ảnh: Nationalgeographic

Tuy nhiên, đến tháng 1/2018, nhóm các nhà khoa học tại Na Uy và Italy đã "giải oan" cho loài chuột đen, kẻ từng được mệnh danh là "loài tội phạm khét tiếng nhất lịch sử".

Sau khi xem xét số liệu tử vong từ 9 đợt bùng phát dịch hạch ở châu Âu từ giữa thế kỷ 14 và 19, các nhà khoa học lên kế hoạch tìm kiếm phương thức lây truyền khác nhau của loài bệnh dịch này.

Kết quả, có đến 7 trong 9 mô hình trên máy tính đều điểm mặt "thủ phạm" gây lây lan là bọ chét và chấy trên cơ thể người. Số còn lại đến từ việc truyền bệnh của bọ chét sống trên chuột và lan truyền qua không khí.

Giải mã thủ phạm của Cái chết đen, thảm kịch u tối từ Nga khiến 25 triệu người chết - Ảnh 3.

Một con bọ chét bị bệnh dịch hạch. Nguồn: Smith Collection/Gado/Getty Images

Phát biểu với BBC, Giáo sư Nils Stenseth từ Đại học Oslo (Na Uy) nói: "Dựa trên số liệu tử vong từ 9 đợt bùng phát dịch hạch ở châu Âu, chúng tôi dám chắc bọ chét và chấy trên cơ thể người là tác nhân gây bùng phát bệnh dịch hạch. Không còn nghi ngờ gì nữa."

Bệnh dịch hạch - cho đến nay được tin là nguyên nhân gây nên "Cái chết đen" kinh hoàng ở châu Âu giữa thế kỷ 14 - ban đầu gây ra các triệu chứng giống như cúm. Bệnh khiến các hạch bạch huyết ở nách, háng và cổ sưng lên, gây đau đớn.

Thảm kịch "Cái chết đen" đã khiến toàn châu Âu phải mất đến 150 năm mới có thể phục hồi lại dân số bằng với trước khi "Cái chết đen" bùng phát.

Thảm kịch đen tối bậc nhất trong lịch sử - Cái chết đen. Video: Youtube

Bài viết sử dụng nguồn: Independent

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại