Từ Nhật Bản, giáo sư Narushige Michishita, phó chủ tịch Viện nghiên cứu Chính sách quốc gia (GRIPS) tại Tokyo đưa ra góc nhìn riêng về vấn đề này trong một bài phỏng vấn được đăng trên tạp chí The Diplomat.
Trung Quốc có tham vọng trở thành một siêu cường quân sự toàn cầu? Liệu Trung Quốc có coi mình là một cường quốc quân sự trong khu vực không?
Về vấn đề này, giáo sư Michishita cho rằng, khi chúng ta hỏi những câu hỏi này, vấn đề đặt ra ở đây là: ai là Trung Quốc? Nếu Trung Quốc là Tập Cận Bình và ông có tham vọng đó thì Trung Quốc có tham vọng đó.
Nếu ông Tập thay đổi ý định, Trung Quốc sẽ thay đổi. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là có lẽ Trung Quốc có thể không chỉ là ông Tập. Nếu Trung Quốc là một hệ thống có động lực riêng, mà một người - dù có thể là ông ấy mạnh mẽ - hoặc thậm chí một số lượng lớn người, cũng không thể tạo ra thay đổi một cách dễ dàng, điều đó thật đáng sợ.
Tôi đoán và cũng lo ngại Trung Quốc đang thực sự trở thành một hệ thống - một hệ thống trong đó những thành công cá nhân và an ninh của giới tinh hoa lãnh đạo gắn chặt với sự thôi thúc về ý tưởng một “Trung Hoa vĩ đại”.
Trong hệ thống đó, nếu bạn bày tỏ sự nghi ngờ về Trung Hoa vĩ đại đó, thì đó sẽ là kết thúc sự nghiệp của bạn. Và khi bạn nói rằng, không có ý tưởng về việc Trung Quốc trở thành một siêu cường quân sự toàn cầu, bạn sẽ có thể mất hết cơ hội thăng tiến cá nhân”, giáo sư Michishita nói.
“Tôi biết rằng một số người Trung Quốc thực sự nghĩ rằng Trung Quốc nên trở thành một siêu cường quân sự toàn cầu. Nhưng, tôi khá chắc chắn rằng có những người khác thích một Trung Quốc có trách nhiệm và hợp tác hơn với khả năng phòng thủ tối thiểu cần thiết.
Rằng Trung Quốc sẽ dành nhiều nguồn lực hơn cho việc cải thiện cuộc sống của người dân và ít hơn cho sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, vấn đề là “hệ thống” có thể không cho phép người dân Trung Quốc đưa ra lựa chọn” vị học giả Nhật Bản bình luận.
Vậy chúng ta giải thích sự gia tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc so với chi tiêu quốc phòng của Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia khác như thế nào và điều này có thể thay đổi cán cân sức mạnh quân sự trên toàn cầu hoặc khu vực không?
Trả lời câu hỏi này, giáo sư Michishita cho rằng cán cân quyền lực đã thay đổi nhanh chóng phần lớn là sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong khi chi tiêu quốc phòng của Mỹ giảm 15% và Nhật Bản chỉ tăng 2% trong giai đoạn 2009-2019, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 85% trong cùng kỳ.
Xét một cách tuyệt đối, Mỹ vẫn ở vị trí đầu tiên trên toàn cầu, với 732 tỷ đô la chi tiêu trong năm 2019, và Trung Quốc ở vị trí thứ hai với 261 tỷ đô la. Nhật Bản đã chi 47,6 tỷ đô la và ở vị trí thứ chín.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong khi quân đội Mỹ cam kết toàn cầu và đã tham gia các cuộc xung đột ở Trung Đông, quân đội Trung Quốc chỉ hoạt động trong khu vực và đã không chiến đấu trong một cuộc xung đột lớn trong bốn thập kỷ qua.
Khi xem xét các xu hướng dài hạn, rõ ràng trong tương lai, Mỹ và Nhật Bản sẽ khó có thể cạnh tranh với Trung Quốc về chi tiêu quân sự, bất kể hai đồng minh này hợp tác chặt chẽ đến mức nào.
Đó là lý do tại sao Nhật Bản đang tăng cường hợp tác an ninh với các nước trong khu vực, đặc biệt là Úc, Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á và Hàn Quốc.
Không giống như trong Chiến tranh Lạnh, các quốc gia châu Á này đang sở hữu khả năng quân sự đáng kể của riêng họ. Theo dữ liệu SIPRI đã đề cập trước đó, chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ đã tăng 37% trong thập kỷ qua, lên tới 71,1 tỷ đô la vào năm 2019, đưa Ấn Độ trở thành nhà chi tiêu lớn thứ ba thế giới về quốc phòng.
Ở vị trí thứ 10 trên toàn cầu, chi tiêu cho phòng thủ của Hàn Quốc tăng 36% so với cùng kỳ, đạt 43,9 tỷ USD. Úc đứng ở vị trí thứ 13: chi tiêu của họ đã tăng 23 %, lên 25,9 tỷ đô la.
Nếu được cộng lại, chi phí quốc phòng của Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc sẽ lên tới 188,5 tỷ đô la, chỉ thiếu 72,5 tỷ đô la so với chi tiêu của Trung Quốc.
Nếu các nỗ lực quốc phòng của Mỹ được tính đến, Nhật Bản và các đối tác ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương có thể có thể duy trì cán cân quyền lực khá hiệu quả.