Giải mã "sát thủ diệt hạm" mới của Trung Quốc trong lễ duyệt binh: Mỹ cũng không hay biết?

Lâm Vy |

Bề ngoài, có vẻ PLARF đã "vô tình" làm rò rỉ hình ảnh tên lửa bí mật. Song, đây có thể là chiêu trò để khuấy động đồn đoán trước sự xuất hiện chính thức của DF-100 ở lễ duyệt binh.

Ngày 1/10, Quân đội Trung Quốc đã tổ chức một màn duyệt binh hoành tráng với các hệ thống vũ khí mới tiên tiến để kỷ niệm 70 năm Quốc khánh.

Nhiều loại vũ khí chính thức ra mắt vào ngày hôm ấy, như tên lửa siêu vượt âm DF-17, đã được biết đến rộng rãi một thời gian trước đó. Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp của trung đoàn gồm 16 xe mang phóng tự hành (TEL) lăn bánh qua quảng trường Thiên An Môn, mỗi xe có 2 ống phóng hình bát giác với định danh "DF-100" in ở mặt bên.

Theo nhà phân tích Sébastien Roblin trên tạp chí National Interest, DF – hay Đông Phong là định danh chủ yếu được dùng cho các loại tên lửa đạn đạo của Trung Quốc, chúng được phóng lên tầng cao trong bầu khí quyển trước khi lao xuống mục tiêu với tốc độ khủng khiếp. Tuy nhiên, sự tồn tại của DF-100 lại chưa từng được công bố trước đây.

Điều gây tò mò là người dẫn chương trình dường như đã phớt lờ đi định danh DF của nó.

"Đang tiến vào là đội hình tên lửa hành trình CJ-100… phiên bản mới nhất của dòng tên lửa CJ. Vũ khí siêu vượt âm cho thấy đội chính xác cao, khả năng tấn công tầm xa, cũng như khả năng phản ứng nhanh" – Những dòng giới thiệu vang lên trong đoạn video.

Các loại tên lửa DF-17, DF-100 và DF-41 xuất hiện trong lễ duyệt binh của Trung Quốc hôm 1/10

Định danh CJ, hay Cháng Jiàn (Kiếm dài) thường được Trung Quốc sử dụng cho tên lửa hành trình tấn công mặt đất – loại bay bám sát bề mặt Trái Đất để tránh bị phát hiện. Vậy rút cuộc đây là CJ-100 hay DF-100?

CJ-100

Các ống phóng của DF-100 không cho phép chúng ta nhìn thấy tên lửa bên trong. Tuy nhiên, khoảng 1 tuần trước lễ duyệt binh, ngày 25/9, lực lượng tên lửa Trung Quốc (PLARF) đã đăng tải một đoạn video, trong đó có 2 giây xuất hiện hình ảnh vụ phóng tên lửa "CJ-10" tại một bãi thử nghiệm hoang mac. Hình ảnh này chưa từng được công bố trước đây và sau đó đã bị xóa bỏ trong đoạn video.

Bề ngoài, có vẻ PLARF đã "vô tình" làm rò rỉ đoạn ghi hình tên lửa bí mật. Tuy nhiên, đây có thể là một chiêu trò để khuấy động nhiều đồn đoán trước sự xuất hiện chính thức của CJ-100 trong lễ duyệt binh. Cần lưu ý rằng, tên lửa trong đoạn clip được bắn đi từ bệ phóng giống hệt như loại xuất hiện trong lễ duyệt binh hôm 1/10.

Giải mã sát thủ diệt hạm mới của Trung Quốc trong lễ duyệt binh: Mỹ cũng không hay biết? - Ảnh 2.

Hình ảnh xe phóng tên lửa "rò rỉ" trong đoạn clip của PLARF

Giải mã sát thủ diệt hạm mới của Trung Quốc trong lễ duyệt binh: Mỹ cũng không hay biết? - Ảnh 3.

Tương đối giống với loại xe phóng xuất hiện trong các cuộc tập dượt duyệt binh của Trung Quốc.

Một số nguồn tin giấu tên nói với truyền thông Trung Quốc rằng, CJ-100 là tên lửa hành trình siêu thanh tầm xa với độ cao bay "gần không gian", có thể đạt tốc độ gấp 3-4 lần âm thanh.

Các nhà phân tích nghi ngờ rằng, đường ván bất thường ở đáy tên lửa có thể là vị trí để lắp đặt động cơ ramjet hoặc động cơ đẩy – loại được tối ưu để giúp tên lửa duy trì tốc độ siêu thanh.

Tuy nhiên, tại lễ duyệt binh, các cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Quốc mô tả DF/CJ-100 là tên lửa siêu vượt âm, tức là có tốc độ ít nhất gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Theo ông Roblin, sự lộn xộn trong định danh DF và CJ có lẽ là do các tên lửa này có tốc độ siêu vượt âm, chúng bay với tốc độ cực cao và thoát ra khỏi bầu khí quyển như tên lửa đạn đạo, nhưng sau đó di chuyển theo quỹ đạo phẳng hơn, cho phép chúng tiếp tục cơ động, lao xuống mục tiêu nhanh hơn và khó bị các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo phát hiện hơn.

Tên lửa siêu vượt âm tấn công mặt đất DF-17 của Trung Quốc (về kỹ thuật, DF-17 là tên lửa mang theo phương tiện bay siêu vượt âm DF-Z) được đặt định danh DF, do đó có lẽ CJ-100 được tái định danh để tạo sự đồng nhất.

Song, một câu hỏi khác được đặt ra là: Tại sao Trung Quốc lại mất thời gian phát triển thêm một loại tên lửa siêu vượt âm phóng từ mặt đất?

Giải mã sát thủ diệt hạm mới của Trung Quốc trong lễ duyệt binh: Mỹ cũng không hay biết? - Ảnh 4.

Loại tên lửa được cho là CJ-100 trong đoạn clip của PLARF.

"Sát thủ tàu sân bay"

Một bài viết đánh giá về lễ duyệt binh của Trung Quốc trên tờ SCMP cho biết, "một nguồn tin trong quân đội Trung Quốc nói rằng vũ khí này hiện đã được đưa vào biên chế. Nó có tầm bắn 2.000 – 3.000km và được thiết kế chủ yếu để tấn công các mục tiêu cỡ lớn trên biển".

Ông Roblin cho rằng, "các mục tiêu lớn trên biển" ở đây gần như chắc chắn là "Các tàu sân bay".

Bài viết trên tờ China Times ngày 25/9 mô tả DF-100 "có thể tấn công các tàu chiến mặt nước cỡ lớn và các mục tiêu giá trị cao của đối phương chẳng hạn như trung tâm chỉ huy và thông tin liên lạc".

Trước đó, Trung Quốc đã phát triển 2 loại tên lửa đạn đạo chống tàu di động, gồm DF-21D và DF-26B, với tầm bắn khoảng 1.600-3.200km. Trong năm 2019, PLARF đã thử nghiệm tấn công một số mục tiêu hàng hải (có lẽ là lần đầu tiên).

Đáp lại, Hải quân Mỹ đã phát triển các hệ thống đánh chặn chống tên lửa đạn đạo SM-3 và SM-6 để bảo vệ các tàu chiến mặt nước trước mối đe dọa mới.

Do đó, DF-100 có lẽ được thiết kế để bổ sung cho các loại tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc. Nó bay ở quỹ đạo khác biệt và có thể tạo ra nhiều thách thức hơn cho các hệ thống tên lửa phòng không.

Giải mã sát thủ diệt hạm mới của Trung Quốc trong lễ duyệt binh: Mỹ cũng không hay biết? - Ảnh 5.

DF-100 là "sát thủ diệt hạm" mới của Trung Quốc?

Một trong những khó khăn chính đối với bất cứ loại vũ khí chống tàu tầm xa nào (cả đạn đạo và siêu vượt âm) là không có cách nào để kíp phóng có thể theo dõi trực tiếp một chiếc tàu sân bay từ khoảng gần 2.000km.

Thay vào đó, họ phải tiếp nhận dữ liệu mục tiêu ban đầu từ các phương tiện trinh sát riêng biệt, như UAV hoặc máy bay tuần thám đang ở trong phạm vi có thể phát hiện mục tiêu.

Tên lửa sau đó được phóng đến khu vực lân cận mục tiêu, sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính hoặc GPS, và nhận dữ liệu cập nhật giữa hành trình bay (bởi các tàu của đối phương là mục tiêu di động), trước khi đầu dò của tên lửa đảm nhiệm vai trò dẫn đường chính xác tới mục tiêu ở giai đoạn cuối hành trình bay.

Theo tờ China Times, CJ-100 có vẻ được ứng dụng công nghệ dẫn đường phức hợp mới, tích hợp nhiều hệ thống như dẫn đường quán tính, bay bám địa hình và dẫn đường bằng vệ tinh (sử dụng hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc).

Một blogger quốc phòng của Trung Quốc chỉ ra rằng có một số bộ phân của CJ-100 trông giống với tên lửa đạn đạo tầm ngắn bản xuất khẩu SY-400 của Trung Quốc và tên lửa SM-6 của Hải quân Mỹ.

Theo blogger, do là phương thức hỗ trợ xâm nhập nên CJ-100 có thiết bị gây nhiễu để vô hiệu hóa các cảm biến của đối phương, và nó cũng được trang bị để chống lại các biện pháp đối phó điện tử (ECM).

Nhân vật này cho biết thêm rằng, những trang bị trên ngày càng phổ biến cho các loại tên lửa hiện đại để chúng có thể đảm nhận các nhiệm vụ kép như các hệ thống mồi bẫy, gây nhiễu và trinh sát đơn lẻ trước đây.

Tuy nhiên, ông Roblin nhận định, những thông tin từ các nguồn không chính thống của Trung Quốc nên được xem xét một cách thận trọng bởi chúng xuất phát từ những nguồn tin giấu tên, hoặc là những phỏng đoán và suy đoán đơn thuần.

Nhiều tính năng quan trọng của DF-100 vẫn chưa được làm rõ, chẳng hạn nó có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường? Được thiết kế như phương án dự phòng cho DF-17 để tấn công các mục tiêu nổi như trung tâm chỉ huy và kiểm soát? Nó thực sự có thể đạt tốc độ siêu vượt âm giữa hành trình bay, hay chỉ trong giai đoạn cuối?

Song, điều có thể thấy rõ là chính phủ Trung Quốc đang muốn gửi thông điệp tới thế giới rằng, DF-100 là tên lửa chống tàu cấp khu vực, có tốc độ siêu vượt âm, nó sẽ tạo ra thách thức mới trong các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các tàu chiến cỡ lớn cách xa bờ biển Trung Quốc hơn 1.600km.

Theo ông Roblin, cũng cần lưu ý thêm rằng, loại tên lửa mới có vẻ đã được phát triển và đưa vào biên chế trước khi ra mắt vào 1 tuần trước, và thậm chí không được đề cập cụ thể trong bản đánh giá thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ về sức mạnh quân sự Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại