Tháng 9 vừa qua, Nga và Serbia đã tổ chức cuộc tập trận phòng không chung đầu tiên giữa hai nước, mang tên Slavic Shield. Trong cuộc tập trận này, phòng không Serbia đã học cách vận hành hệ thống phòng không S-400 của Nga, thực hành triển khai chúng chống lại nhiều mối đe dọa khác nhau [cả mục tiêu thực và giả định].
Đương nhiên, điều này sẽ làm dấy lên câu hỏi, liệu Serbia có bất chấp sự phản đối của Mỹ để mua S-400 hay không. Nhiều quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đang lao đao trước nguy cơ trừng phạt vì mua các hệ thống tên lửa phòng không của Nga.
Nhà phân tích Charlie Gao trên tạp chí National Interest cho rằng, nếu nhìn lại lịch sử của Serbia, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều câu trả lời.
Theo một bài phát biểu về lịch sử của cựu Ngoại trưởng Nam Tư Živadin Jovanović thì Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư (SFRY) đã dành mối quan tâm lớn cho hệ thống phòng không S-300 ngay từ năm 1989.
Các cuộc đàm phán đã được tiến hành trước khi SFRY tan rã vào năm 1991 cùng Liên Xô. Tuy nhiên, các đợt chuyển giao đã không thể diễn ra sau khi cuộc nội chiến kết thúc.
Sau khi lệnh cấm vận vũ trang được nới lỏng vào năm 1995 theo hiệp ước Dayton, nước Cộng hòa Liên bang Nam Tư mới (về cơ bản bao gồm các quốc gia hiện đại Serbia và Montenegro) bắt đầu nối lại việc tìm kiếm các hệ thống phòng không mới.
Kế hoạch mua biến thể S-300VM cùng với các hệ thống tầm trung khác được đưa vào xem xét, và Nam Tư đã cử kíp phòng không tới Nga để được huấn luyện, đào tạo.
Tuy nhiên, chiến tranh Kosovo năm 1998 đã ngăn cản các đợt chuyển giao diễn ra. Liên Hiệp Quốc áp đặt một lệnh cấm khác lên Nam Tư năm 1998. Kíp phòng không tham gia huấn luyện tại Nga không được phép về nước, các bệ phóng tên lửa cũng không thể được chuyển đến Nam Tư.
Trong cuộc chiến tranh Kosovo, phòng không Nam Tư chủ yếu phụ thuộc vào các hệ thống S-125 Nevas mua từ Romanina.
Khi lệnh cấm vận vũ khí một lần nữa được nới lỏng vào năm 2001, nước Cộng hòa Serbia mới đã có thể tự do mua vũ khí trở lại. Ngành công nghiệp trong nước tiếp tục hiện đại hóa các hệ thống S-125 và tới năm 2017, Serbia đặt mua 2 tổ hợp Buk-MB từ Belarus (phiên bản hiện đại hóa tương đối sâu của hệ tống phòng không tầm trung Buk).
Ngay cả khi ấy, vẫn có nhiều báo cáo liên tiếp cho biết Serbia muốn mua hệ thống phòng không S-300. Tuy nhiên, thông tin này sau đó đã bị cả Serbia và Nga phủ nhận.
Sự tham gia của Serbia trong cuộc tập trận phòng không năm 2019 có lẽ báo hiệu một sự thay đổi. Có thể Bộ Quốc phòng Serbia đã chờ đợi Nga chào hàng S-400 tới nhiều quốc gia hơn và họ nghĩ đây là thời điểm phù hợp để tiến hành thỏa thuận.
Trong khi đó, kênh truyền thông do chính phủ Serbia tài trợ ngày 5/9 đã đăng tải một bài báo cho biết đặc phái viên của Mỹ Matthew Palmer đã đề xuất một thỏa thuận "đáng kinh ngạc" với Serbia.
Theo thỏa thuận này, Mỹ sẽ cung cấp 1 phi đội F-16 và giúp Serbia đảm bảo tư cách thành viên EU vào năm 2024 để đổi lấy sự công nhận độc lập của Kosovo.
Mặc dù khó có khả năng báo cáo trên là thật, bởi không có nguồn tin phương Tây nào đưa tin về thỏa thuận này nhưng đích thực Serbia trong thời gian gần đây đang tìm kiếm các thỏa thuận vũ khí với phương Tây.
Nước này đã tiếp nhận các trực thăng Airbus H145M và các tên lửa phòng không tầm ngắn MBDA Mistral trong năm ngoái. Theo ông Gao, có khả năng giống như Nam Tư trước đây, Serbia đang muốn "chơi" với cả Nga và phương Tây để có thể mua được những loại vũ khí tốt nhất cho quân đội của họ.
Đợt tập trận với S-400 của Nga có thể là một phần của kế hoạch dài hơi này.