Quyết sách của Mỹ đối với Iran
Với việc coi lực lượng Vệ binh cộng hoà Hồi giáo Iran (IRGC) là tổ chức khủng bố, chính quyền của Tổng thống Donald Trump ở Mỹ đã không chỉ gia tăng mức độ thù địch và đối địch trong chính sách và quan hệ của Mỹ với Iran mà còn lần đầu tiên đưa một bộ phận của chính thể của một quốc gia khác trên thế giới vào diện những tổ chức, thể chế và cá nhân bị Mỹ coi là khủng bố.
Trong thực chất, quyết sách này của Mỹ không đưa lại hiệu ứng gì mới đối với Iran và các đối tác bên ngoài khác có quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Iran bởi trước đó Mỹ đã áp dụng trở lại những biện pháp chính sách trừng phạt Iran như ở thời trước khi có thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran, cũng như đã doạ sẽ trừng phạt cả những quốc gia, công ty và cá nhân trên thế giới duy trì quan hệ hợp tác với Iran.
Từ sau đó, những ai ngại Mỹ và theo Mỹ thì đều đã ngưng trệ mọi mối quan hệ hợp tác với Iran, chỉ những ai đủ tự tin và đủ khả năng thực tế bất chấp Mỹ mới vẫn tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với Iran.
Quyết sách mới của Mỹ không làm thay đổi đáng kể gì, càng không làm thay đổi cơ bản thực trạng đó. Nhưng nó lại có tác động rất mạnh mẽ về chính trị và địa chiến lược thế giới cũng như về tâm lý đối với khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.
Vì sao Mỹ vẫn sa đà vào chính sách này?
Iran đã đáp trả ngay và phía Mỹ cũng ý thức được rằng Mỹ càng làm găng và thù địch với Iran thì rủi ro và nguy hại đối với Mỹ nói chung và trực tiếp ở khu vực nói riêng cũng càng tăng. Mỹ dù vậy vẫn sa đà vào chiều hướng chính sách này bởi những nguyên do chính sau đây:
Thứ nhất, xưa nay Mỹ luôn cần có kẻ thù và địch thủ ở đâu đó trên thế giới để thực thi những lợi ích chiến lược trước mắt cũng như lâu dài. Nếu kẻ thù và địch thủ ấy không ở đẳng cấp thế giới như Nga hay Trung Quốc hiện tại thì cũng phải ở cấp độ khu vực như Iran hiện tại, không phải trên lĩnh vực này thì cũng ở phương diện khác.
Trong không ít trường hợp và tình huống, Mỹ cần kẻ thù hơn là đối tác, coi trọng và ưu tiên cho đối địch hơn là hợp tác. Phải có kẻ thù và địch thủ thì Mỹ mới có cớ và dịp để thể hiện, sử dụng những gì được Mỹ coi là sức mạnh và ưu thế nổi trội. Mỹ cần kẻ thù và địch thủ để dùng cuộc tấn công nhằm vào kẻ thù và địch thủ răn đe và cảnh báo các đối tác khác.
Cho nên Mỹ giờ hành xử như thế với Nga ở châu Âu, với Trung Quốc ở châu Á và với Iran ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh.
Thứ hai, Mỹ dùng chính sách thù địch với Iran để tập hợp lực lượng, thành lập liên minh, tổ chức liên kết ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh phục vụ cho lợi ích chiến lược của Mỹ ở nơi đây. Con bài của Mỹ - dùng chiến tranh và can thiệp quân sự để lật đổ thể chế ở Iraq, Syria hay Libya - hiện đã hết tác dụng.
Các nước trong khu vực này bị phân rẽ thành những phe phái khác nhau. Một số đối tác bên ngoài đã thành công với việc ganh đua ảnh hưởng ở đó với Mỹ và đẩy lùi dần ảnh hưởng của Mỹ. Chống Iran hiện là khẩu hiệu đắc dụng hơn cả giúp Mỹ quy tụ được đồng minh và đối tác ở khu vực này xung quanh Mỹ.
Thứ ba, Mỹ đang tìm cách tạo dựng cuộc chơi mới về chính trị thế giới và địa chiến lược khu vực trước viễn cảnh ảnh hưởng của Mỹ dần bị đẩy lùi ra khỏi Syria, Iraq và Libya, cũng như mất dần vai trò trong giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine do thiên lệch hẳn về phía Israel.
Đối địch giữa Mỹ và Iran là tâm điểm và cốt lõi chính của cuộc chơi mới này của Mỹ mà trong đó Mỹ cho rằng Mỹ vừa nắm thế chủ động vừa một mình quyết định luật chơi.
Thứ tư, Mỹ chủ ý làm găng thêm với Iran trong khi trái ngược thế với Triều Tiên. Ở đây có hàm ý của Mỹ vừa răn đe, vừa khích lệ Triều Tiên trong khi dùng thái độ và cách hành xử ngược lại với Triều Tiên để phân hoá nội bộ Iran.
Có thể nhận thấy từ đó là tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên, mà cụ thể ở đây là việc giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, càng tiến triển tích cực và thuận lợi thì Mỹ sẽ càng làm găng thêm và thù địch thêm với Iran.
Có không ít ý kiến và đánh giá cho rằng ông Trump đưa ra quyết sách kia vào thời điểm hiện tại để giúp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tái đắc cử trong cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi ở Israel. Sự trợ giúp của ông Trump đóng vai trò quan trọng nhưng chắc chắn không phải quyết định đối với kết quả bầu cử mà ông Netanyahu đã đạt được.
Có ý kiến cho rằng cặp bài trùng ở Mỹ không muốn đội trời chung với Iran là Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã chi phối được ông Trump trong quan hệ của Mỹ với Iran và tìm mọi cách để Iran phản ứng sao cho Mỹ có thể lợi dụng làm cớ để tấn công quân sự Iran.
Nhưng nếu Mỹ tấn công quân sự Iran thì sự đáp trả của Iran sẽ gây thiệt hại cho Mỹ lớn hơn nhiều so với khả năng đáp trả của Triều Tiên trong trường hợp bị Mỹ tấn công quân sự.
Vì thế, Mỹ làm găng với Iran đến mấy cũng không phải để rồi tấn công quân sự với Iran mà xem ra đúng hơn thì phải nhằm để tránh xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp với Iran ở khu vực.
(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại