Reuters: Trung Quốc không cho Campuchia vay đồng nào suốt ba quý năm 2024 - Chuyện gì xảy ra?

Hữu Hiển |

Trung Quốc đã không giải ngân bất kỳ khoản vay mới nào dành cho Campuchia từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, giảm so với mức gần 212 triệu USD vào cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc không cho Campuchia vay mới 3 quý đầu năm 2024

Hãng tin Reuters (Anh) ngày 11/12 đưa tin, dữ liệu trong ba quý đầu năm 2024 của Bộ Tài chính Campuchia cho thấy Trung Quốc đã không giải ngân bất kỳ khoản vay nào dành cho quốc gia Đông Nam Á trong năm nay, mặc dù Bắc Kinh là nhà đầu tư hàng đầu của Phnom Penh trong những năm gần đây.

Việc đóng băng nguồn tài trợ có thể báo hiệu cách tiếp cận thận trọng hơn của doanh nghiệp Trung Quốc đối với các khoản đầu tư vào Campuchia sau khi một số dự án cơ sở hạ tầng cho đến nay vẫn chưa đem lại hiệu quả, Reuters nhận định.

Quang cảnh vắng vẻ tại Sân bay quốc tế Siem Reap Angkor mới ở tỉnh Siem Reap, Campuchia. Ảnh: AFP

Dữ liệu của Bộ Tài chính Campuchia cho thấy nợ Trung Quốc chiếm hơn 1/3 trong tổng nợ trị giá 11,6 tỷ USD của vương quốc này. Tuy nhiên, không có khoản vay mới nào được giải ngân từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, giảm so với mức gần 212 triệu USD vào cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, theo Reuters, việc này không ảnh hưởng đến nguồn vốn vay của Campuchia, vì các bên đầu tư khác đã cho nước này vay tổng cộng khoảng 1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, xấp xỉ số tiền Campuchia đã vay trong cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết quý 3 năm 2024, Ngân hàng Thế giới (WB) đã giải ngân các khoản vay trị giá 564 triệu USD, trở thành chủ nợ lớn nhất của Campuchia trong năm nay. Xếp sau là Nhật Bản khi cho vay 262 triệu USD.

Trong buổi họp báo thường kỳ ngày 11/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh đã không phản hồi câu hỏi của Reuters về vốn vay dành cho Campuchia. Bà Mao nhấn mạnh, "Trung Quốc và Campuchia là những người bạn sắt son. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Campuchia và hỗ trợ Campuchia thúc đẩy phát triển và cải thiện đời sống của người dân."

Trong khi đó, Bộ Tài chính Campuchia cũng không phản hồi đề nghị bình luận của Reuters.

Đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia giảm dần

Theo Reuters, dữ liệu chính thức vào năm 2023 cho thấy Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Campuchia trong số các quốc gia đối tác khi cho vay hơn 300 triệu USD trong cả năm. Chỉ có WB cho Campuchia vay nhiều hơn vào năm ngoái, với các khoản vay được giải ngân trị giá nửa tỷ USD.

Năm 2022, Trung Quốc cũng đứng đầu danh sách các đối tác cho Campuchia vay với tổng giá trị các khoản tín dụng được giải ngân là 567 triệu USD, tiếp theo là Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Reuters nhận định, các khoản vay của Trung Quốc dành cho Campuchia dự kiến sẽ giảm từ hơn 420 triệu USD vào năm 2021 xuống còn 35 triệu USD vào năm 2026.

Viện trợ nước ngoài cho Campuchia từ các đối tác song phương hàng đầu là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Pháp. Nguồn: Hội đồng Phát triển Campuchia/Reuters

Nguồn tài trợ của Trung Quốc cho các dự án ở nước ngoài cũng đang giảm ở những nơi khác, nhưng tại Campuchia, tác động "có thể rất rõ rệt" - chuyên gia Grace Stanhope đến từ tổ chức tư vấn Lowy Institute có trụ sở tại Australia cho biết.

Trung Quốc vẫn đang đầu tư xây dựng đường giao thông và các cơ sở hạ tầng khác tại Campuchia, nhưng đã rút khỏi kế hoạch xây dựng sân bay Phnom Penh mới dù ban đầu từng cam kết rót vốn 1,1 tỷ USD.

Theo phóng viên của Reuters đã quan sát tình hình và xác nhận thông tin từ nhiều quan chức Campuchia, động thái rút lui đó diễn ra khi đường cao tốc do Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) xây dựng nối thủ đô Phnom Penh với thành phố ven biển Sihanoukville vẫn chưa được khai thác hết công suất. Nguyên nhân là các tài xế Campuchia thích đi theo con đường cũ đông đúc nhưng miễn phí, hơn là phải chịu phí cầu đường khi lưu thông bằng đường cao tốc mới.

Một sân bay khác do Trung Quốc đầu tư mới hoàn thành gần đây tại Siem Reap để đưa du khách đến với di sản thế giới Angkor Wat "rất vắng vẻ", Ou Virak - người đứng đầu tổ chức tư vấn Future Forum của Campuchia - cho biết và lưu ý rằng các nhà đầu tư có thể phải chịu lỗ.

Theo Reuters, nguồn khách du lịch Trung Quốc từng đem lại thu nhập lớn cho Campuchia, nhưng chưa thể phục hồi như trước đại dịch COVID-19. Tình hình này trùng với khoảng thời gian Trung Quốc liên tục cảnh báo du khách nước này về những rủi ro liên quan đến tình trạng lừa đảo trực tuyến tại Campuchia.

Mới đây nhất, Reuters hồi tháng trước đưa tin các nhà đầu tư Trung Quốc đang có dấu hiệu không chắc chắn trong cam kết đầu tư vào dự án kênh đào Funan Techo trị giá 1,7 tỷ USD của Campuchia. Thủ tướng Campuchia Hun Manet bác bỏ báo cáo của Reuters và nhấn mạnh không có trở ngại nào đối với dự án.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại