Tờ Financial Times (Mỹ) cho biết chưa rõ động thái này là nhằm khiêu khích hay nằm trong chính sách của Tổng thống Trump nhưng nó chưa từng có tiền lệ.
Trên thực tế, IRGC lại ở cùng chiến tuyến với Mỹ trên một số mặt trận như đối đầu Taliban tại Afghanistan, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq. IRGC vốn đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ do phát triển tên lửa đạn đạo và ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar Assad tại Syria.
Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng Quốc gia Mỹ Iran - ông Trita Parsi nhận định: “Quyết định chưa từng có tiền lệ coi IRGC là tổ chức khủng bố không chỉ gây thêm áp lực kinh tế cho Iran mà còn đóng sập cánh cửa tiềm năng giải quyết căng thẳng với Tehran. Một khi tất cả các cánh cửa bị đóng và ngoại giao không còn được sử dụng thì khả năng sẽ dẫn đến chiến tranh”.
Tờ The Hill cho biết Bộ Quốc phòng cùng Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ đã không đồng tình với động thái này.
Năm 2007, đại diện Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ từng cảnh báo: “Mỹ luôn cẩn trọng và tránh tuyên bố quân nhân nước ngoài có là khủng bố để tránh bị đáp trả tương tự. Lực lượng đặc nhiệm Mỹ cũng có khả năng bị coi là khủng bố, trong khi họ thường nhận nhiệm vụ hỗ trợ quân sự và đào tạo lực lượng nổi dậy ở nước ngoài”.
Quyết định của Tổng thống Trump với IRGC còn gây ảnh hưởng cho Iraq. Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc IRGC là Tướng Qasem Soleimani thường xuyên đến thăm Iraq. Trong khi đó, 3 đại sứ Iran tại Iraq trong thời gian qua đều là cựu sĩ quan thuộc lực lượng Quds.
The Hill cho biết IRGC có “tiếng nói” với kinh tế trong nước trong khi đó Iran giao thương khá tích cực với Iraq do vậy diễn biến mới có thể gây ảnh hưởng cho kinh tế Iraq. Bên cạnh đó là kế hoạch nhập khẩu điện từ Iran khi Iraq đang phải chịu tình cảnh thiếu năng lượng điện.
Năm 2017 Iran từng khẳng định rằng việc xếp IRGC vào danh sách nhóm khủng bố hoặc áp đặt thêm các lệnh trừng phạt sẽ chấm dứt các cơ hội đối thoại trong tương lai giữa Washington và Tehran. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ buộc phải chuyển các căn cứ quân sự trong khu vực ra khỏi vị trí cách tầm bắn của tên lửa IRGC 2.000 km.
Từ khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã bày tỏ lập trường mạnh mẽ đối với Iran. Vào ngày 19/9/2017, trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, ông Trump còn gọi Thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran năm 2015 là "nỗi xấu hổ" của nước Mỹ.
Về phần IRGC, cố lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini đã thành lập lực lượng này sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Trong khi quân đội Iran chịu trách nhiệm bảo vệ biên giới và duy trì trật tự trong nội bộ quốc gia thì IRGC có mục đích bảo hộ cho hệ thống Cộng hòa Hồi giáo, ngăn chặn can thiệp từ nước ngoài, đảo chính quân sự hoặc bất ổn định bởi các phong trào “lầm đường lạc lối” do các nhóm hoặc cá nhân phản đối chính phủ khởi xướng.
IRGC gồm khoảng 125.000 binh sĩ, bao gồm cả lực lượng lục quân, không quân, hải quân. Ngoài ra, IRGC còn quản lý lực lượng bán quân sự Basij bao gồm 90.000 thành viên cả nam và nữ.
Link gốc bài viết tại đây.