Giải mã chiến lược Nga ở Trung Đông: Tổng thống Putin không muốn cuộc chiến Syria sớm kết thúc?

Quốc Vinh |

Nga đang xây dựng bản thân như một nhà kiến tạo hòa bình ở Trung Đông, nhưng dường như những lợi ích dồi dào mà nước này có được đang khiến cho mục tiêu bị biến đổi.

Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần bày tỏ mong muốn khôi phục vị thế siêu cường của nước Nga và xây dựng bản thân mình như một nhà trung gian giải quyết các vấn đề toàn cầu. Trung Đông là nơi cung cấp cho ông cơ hội để chứng minh khả năng này.

Chính sách đối ngoại của Moscow xác định rõ họ phải có sự khôn khéo và linh hoạt cần thiết. Tuy nhiên, với môi trường mang đặc tính đa dạng và phức tạp ở Trung Đông, khía cạnh đó không hẳn sẽ soi sáng các mục tiêu dài hạn của Tổng thống Putin tại Syria và trên khắp khu vực.

Ngoài ra còn có những mâu thuẫn và thiếu sự nhất quán về cách tiếp cận Nga ở Trung Đông, khiến cho Moscow vẫn còn mông lung trong việc xác định rõ thứ mình muốn là gì.

Muốn làm nhà kiến tạo hòa bình

Sự can thiệp của Nga trong cuộc nội chiến Syria đã là bước đột phá đáng kể nhất của nước này ở Trung Đông. Hành động của Moscow đã được thực hiện một cách thận trọng và đã mang đến sự cân bằng có lợi cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhưng động cơ đầu tiên của Điện Kremlin khi bắt đầu can thiệp quân sự tại đây lại khá phức tạp.

Lý do ban đầu mà Nga đặt chân vào Syria là để chống lại sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhưng mục tiêu rộng lớn hơn của Moscow là làm hỏng kế hoạch lật đổ chính quyền Damascus của Washington.

Nga cũng đã tìm cách thể hiện các hành động của mình tại Syria như là một nhà hòa giải và kiến tạo hòa bình, thông qua việc thúc đẩy tiến trình hòa bình Astana năm 2017.

Nhưng các hành động của Nga tại Syria là một phần của chiến lược khu vực khá mâu thuẫn và mong manh.

Dưới thời Tổng thống Putin, Nga đã tìm cách xây dựng mối quan hệ với mọi quốc gia xung quanh Syria, nhưng được cho là ưu tiên với các nước có sự gắn bó chặt chẽ với Mỹ - đặc biệt là Israel và Thổ Nhĩ Kỳ — để làm suy yếu lợi ích của Washington trong khu vực.

Quyết định của Nga về việc bảo vệ chiếc ghế quyền lực của Tổng thống Assad tại Syria đang mâu thuẫn với ​​mối quan hệ đang diễn ra giữa Nga với các đối tác Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia – những quốc gia đang tìm cách lật đổ chính quyền Assad và chống lại sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực.

Dẫu vậy, mạng lưới quan hệ đối tác mà Nga đã xây dựng ở Trung Đông vẫn trang bị cho nước này những điều cần thiết cho vai trò hòa giải giữa các đối thủ ở Trung Đông.

Vào giữa năm 2018, Nga đề nghị môi giới một thỏa thuận giữa Israel và Iran với việc cách ly lực lượng Iran khỏi lãnh thổ Israel tối thiểu 100 km. Nga cũng đã đàm phán nhiều lệnh ngừng bắn ở Syria nhằm cung cấp cho chính quyền Assad một không gian dễ thở hơn để xây dựng lại hoặc tái tập trung lực lượng của mình.

Nga cũng đang quảng bá chính mình như một hòa giải viên ở các điểm nóng Trung Đông khác, bao gồm cả trong cuộc xung đột ở Yemen, và dường như quyết tâm thay thế Mỹ làm người thương thuyết chính trong các cuộc xung đột khu vực.

Nhìn xa hơn, các bước đi mà ông Putin gây dựng đều xuất phát từ động cơ chính của Moscow, đó là thúc đẩy tham vọng địa chính trị bằng cách nâng cao danh tiếng cũng như thiết lập sự hiện diện quân sự.

Sau sự can thiệp của Syria, Nga đã có được thỏa thuận sử dụng căn cứ hải quân Tartus của Syria trong vòng 49 năm, căn cứ duy nhất của Nga ở Địa Trung Hải, và bảo đảm quyền truy cập vô thời hạn đối với căn cứ không quân Khmeimim của Syria.

Tương tự như vậy, động thái hòa giải của Nga trong cuộc xung đột Yemen diễn ra trong bối cảnh Moscow muốn đảm bảo quyền lợi cho một căn cứ hải quân cho phép tiếp cận Biển Đỏ và vùng Sừng Châu Phi. Nước này cũng đang theo đuổi các cơ sở quân sự ở Ai Cập, Libya và Sudan.

Tuy nhiên, mạng lưới các mối quan hệ mà Moscow đang quản lý có thể sớm lộ rõ những vấn đề nội tại, với những hậu quả có thể rất tai hại.

Ôm đồm

Giải mã chiến lược Nga ở Trung Đông: Tổng thống Putin không muốn cuộc chiến Syria sớm kết thúc? - Ảnh 1.

Nga có thể hụt hơi khi muốn cân bằng quá nhiều những đối tác trong khu vực.

Mối quan hệ của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên băng giá trong năm 2015 sau khi máy bay Nga bị bắn rơi bởi Thổ Nhĩ Kỳ.

Moscow phản ứng bằng cách triển khai các hệ thống tên lửa phòng không ở phía Bắc Syria. Các máy bay chiến đấu của Nga cũng trả đũa lại đối thủ của mình và khi đó đã có nhiều lo ngại về việc những căng thẳng sẽ dẫn đến chiến tranh.

Tương tự, khi một chiếc máy bay quân sự của Nga gần đây bị lực lượng Syria bắn nhầm trong lúc tấn công máy bay của Israel, Moscow phản ứng bằng cách đổ lỗi cho Israel và cung cấp cho Syria các hệ thống phòng không tiên tiến - tăng đáng kể khả năng của nước này trước các cuộc tấn công của Tel Aviv trong tương lai.

Những sự kiện như vậy đã trở thành thách thức đối với Nga trong duy trì các mối quan hệ song phương chồng chéo, mong manh chỉ để nhằm củng cố chiến lược của Trung Đông.

Rõ ràng, Nga đang "chơi chung" với tất cả các thế lực trong khu vực, mà không quan tâm đến những mâu thuẫn nội tại và thậm chí là ngay cả khi các quốc gia đó có hiềm khích lẫn nhau.

Về vấn đề tái thiết, Moscow đã không thành công trong việc tiếp cận các nước châu Âu để chia sẻ chi phí tái thiết ở Syria, ước tính khoảng 250 tỷ USD.

Nga đã gửi kèm lời đề nghị của mình với lời cảnh báo về làn sóng tị nạn sẽ tiếp tục chảy sang châu Âu nếu các nước từ chối tham gia.

Điều này lại cho thấy một mâu thuẫn nữa của Nga. Một mặt, hướng tới vai trò kiến tạo hòa bình, nhưng Nga có thể sẽ chần chừ trong việc tìm kiếm một kết thúc dứt khoát cho cuộc nội chiến Syria.

Như đã được chứng minh ở Transnistria, Nam Ossetia, Abkhazia và miền Đông Ukraine, Nga thích đóng băng xung đột hơn là giải quyết chúng, vì điều này cung cấp cho Moscow thêm các đòn bẩy có thể duy trì ảnh hưởng và lợi ích của mình, ít nhất là cho đến khi phương Tây chịu nhượng bộ.

Đây chính là vấn đề nhức nhối nằm trong chiến lược Trung Đông của Nga, khi những nỗ lực của Tổng thống Putin để miêu tả Nga như một quốc gia kiến tạo hòa bình ở Trung Đông đang mâu thuẫn với tính toán lợi ích của Nga trong khu vực.

Nga dường như chú tâm vào việc xóa bỏ lợi ích của Mỹ và châu Âu nhiều hơn, khi cố gắng thiết lập một mạng lưới các quốc gia đối tác hỗn độn, nhiều thể loại và mở rộng thêm các căn cứ quân sự trên toàn khu vực.

Cho đến nay, các đối tác khu vực vẫn đang tiếp tục chơi cùng trò chơi với Nga. Nhưng theo thời gian, nguy cơ Nga không thể kiểm soát được hàng loạt các mối quan hệ chồng chéo -bạn bè, thù địch- trong khu vực.

Ở thời điểm đó, Moscow sẽ hiểu rằng, để tham gia vào một cuộc chiến rất dễ, nhưng để thoát ra khỏi cuộc chiến đó lại rất khó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại