J-15 có thể là tiêm kích hạm hàng đầu TG, nhưng lại bị chỉ trích be bét, tội lỗi là ở Liêu Ninh

Vy Lam |

Theo chuyên gia quân sự Abraham Ait, J-15 hoàn toàn có thể trở thành một trong những tiêm kích hạm hàng đầu thế giới.

J-15 nhận vô số lời chỉ trích...

Kể từ khi được đưa vào biên chế năm 2012 để phục vụ trên Liêu Ninh – tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, tiêm kích chiếm ưu thế trên không 2 động cơ J-15 Flying Shark (Cá mập bay) thường xuyên nhận được những lời chỉ trích vì khả năng hạn chế của nó.

Khối lượng nặng nề của J-15, cùng với việc tàu Liêu Ninh không được trang bị máy phóng hơi nước hoặc máy phóng điện từ (EMALS), đã khiến mẫu tiêm kích này bị hạn chế nghiêm trọng ở khả năng mang nhiên liệu và vũ khí.

Kết quả là, số lượng tên lửa mà nó mang được chỉ bằng một phần số tên lửa triển khai trên các tiêm kích của Hải quân Mỹ. Ngoài ra, bán kính chiến đấu của J-15 xung quanh tàu sân bay cũng khá hạn hẹp.

Trong bối cảnh Hải quân Mỹ và Anh đang chuẩn bị triển khai các tiêm kích tàng hình trên hạm đầu tiên – gồm F-35B và F-35C thì việc J-15 thiếu khả năng lẩn tránh radar càng tạo cơ sở để nó phải hứng chịu thêm nhiều chỉ trích.

J-15 có thể là tiêm kích hạm hàng đầu TG, nhưng lại bị chỉ trích be bét, tội lỗi là ở Liêu Ninh - Ảnh 1.

Tiêm kích J-15 luyện tập hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ảnh: Xinhua.

3 vụ tai nạn gần đây liên quan đến J-15 trong nửa đầu thập kỷ hoạt động đã được nhiều nhà phân tích lấy làm dẫn chứng để chứng minh Trung Quốc còn rất xa mới trở thành một cường quốc tàu sân bay trong tương lai gần, ít nhất là phải tới khi họ có được một mẫu máy bay nhẹ hơn và đáng tin cậy hơn để thay thế J-15.

Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích quân sự Abraham Ait trên tạp chí Diplomat, bất chấp những lời chỉ trích nhằm vào J-15, một bản tích sâu hơn gần đây về tiềm năng toàn diện của mẫu máy bay này đã cho thấy J-15 có thể trở thành một trong những tiêm kích hạm hàng đầu của thế giới trong tương lai gần khi được triển khai từ những tàu sân bay hiện đại hơn.

... Nhưng đừng vội xem thường

J-15 là phiên bản trên hạm của tiêm kích chiếm ưu thế đường không J-11B trong biên chế Không quân Trung Quốc (PLAAF). Khung máy bay và vai trò của nó hầu như giống với mẫu tiêm kích hạm Su-33 (một phiên bản của Su-27) mà Nga đưa vào hoạt động từ những năm 1990.

Nhờ được tiếp cận với nguyên mẫu Su-33 từ Ukraine, tập đoàn máy bay Thẩm Dương (Trung Quốc) đã phát triển được J-15 từ khung máy bay triển khai trên bờ. Song, Su-33, cũng như J-15, không thích hợp khi được triển khai từ các tàu sân bay lớp Kuznetsov (gồm tàu Liêu Ninh – Trung Quốc và tàu Admiral Kuznetsov của Nga) do chúng không có các hệ thống máy phóng.

Tiêm kích hạm của Nga cũng phải đối mặt với những hạn chế về tải trọng vũ khí và nhiên liệu. Do đó, Nga đã phải triển khai Su-33 từ các đường băng dài hơn trên bộ trong hơn 90% số lượt xuất kích của mẫu máy bay này khi nó thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở Syria thời gian gần đây.

Ban đầu, Su-33 được lên ý tưởng thiết kế để triển khai từ tàu sân bay, và dự kiến sẽ hoạt động chủ yếu từ boong các siêu tàu sân bay lớp Ulyanovsk của Liên Xô (được đánh giá là ngang ngửa tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ, trang bị các máy phóng hơi nước).

J-15 có thể là tiêm kích hạm hàng đầu TG, nhưng lại bị chỉ trích be bét, tội lỗi là ở Liêu Ninh - Ảnh 2.

Khả năng hoạt động của Su-33 cũng bị hạn chế đáng kể do tàu Kuznetsov không có máy phóng.

Khi được triển khai từ những con tàu như thế này, Su-33 sẽ mang lại cho Hải quân Liên Xô (sau này là Hải quân Nga) khả năng tương tự như F-14 Tomcat của Mỹ, tức là một mẫu tiêm kích hạng nặng 2 động cơ, có khả năng chiếm ưu thế trên không và cạnh tranh để giành lợi thế này trên biển.

Ông Ait cho rằng, tương tự như Su-33, khung máy bay của J-15 có rất nhiều tiềm năng nếu được triển khai từ một tàu sân bay phù hợp hơn. Cần lưu ý rằng, tàu Liêu Ninh hiện nay được Trung Quốc sử dụng làm tàu huấn luyện, và vai trò của J-15 hiện nay là mang lại cho Hải quân Trung Quốc (PLAN) những kinh nghiệm đầu tiên trong việc vận hành tiêm kích hạm.

Các tàu sân bay tương lai, như Type 003, hiện đang được Trung Quốc thi công. Với boong tàu lớn hơn nhiều so với Liêu Ninh, nó sẽ có khả năng triển khai đồng thời nhiều máy bay và quan trọng hơn cả là hệ thống máy phóng điện từ trên tàu sẽ cho phép J-15 cất cánh với bình nhiên liệu đầy và mang được nhiều tên lửa hơn.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy "Cá mập bay" J-15 trong vòng nhiều năm đã thử nghiệm với đường băng trên bờ mô phỏng hệ thống tàu sân bay với máy phóng điện từ.

Điều này có thể đưa J-15 trở thành tiêm kích trên hạm được vũ trang nhiều nhất và có tầm hoạt động xa nhất trên thế giới – với độ cao hoạt động cao hơn 4km so với tiêm kích F-18E và F-35 của Hải quân Mỹ. Đồng thời, nó sẽ có tốc độ cao hơn đáng kể.

Mặc dù J-15 bị chỉ trích là quá nặng nề để triển khai hoạt động từ boong tàu sân bay thì trên các tàu sân bay mới trang bị máy phóng điện từ, điều này sẽ không còn là vấn đề bất cập.

Thật vậy, tiêm kích F-14 Tomcat của Hải quân Mỹ được đánh giá là nặng hơn J-15 đáng kể nhưng vẫn được xem là một trong những mẫu tiêm kích hạm thành công nhất từng được phát triển.

J-15 có thể là tiêm kích hạm hàng đầu TG, nhưng lại bị chỉ trích be bét, tội lỗi là ở Liêu Ninh - Ảnh 3.

Tiêm kích F-14 Tomcat cũng gặp phải nhiều tai nạn trong thời gian đầu hoạt động.

Khi Tomcat "nghỉ hưu" sau thời điểm Liên Xô sụp đổ (phần lớn do chi phí hoạt động và bảo trì tốn kém), Hải quân Mỹ đã thiếu đi tiêm kích chiếm ưu thế trên không – làm suy yếu nghiêm trọng khả năng tấn công nhóm tác chiến tàu sân bay của đối phương bằng tiêm kích.

Ông Ait nhận định, lợi thế khi vận hành tiêm kích hạng nặng tiên tiến có thể sớm trở thành một nhân tố có lợi cho Trung Quốc một khi J-15 được triển khai từ các tàu sân bay trang bị máy phóng điện từ.

Liên quan tới những chỉ trích rằng J-15 không đáng tin cậy vì liên tiếp gặp tai nạn, cần lưu ý Trung Quốc không có kinh nghiệm vận hành tiêm kích hạm, khiến những vụ tai nạn như thế này không thể tránh khỏi. Tiêm kích hạm của các quốc gia khác cũng thường xuyên gặp tai nạn trong những năm đầu hoạt động.

Một ví dụ điển hình là F-14 Tomcat. Trong số 712 chiếc tiêm kích hạm Tomcat được chế tạo, hơn 160 chiếc thiệt hại do tai nạn, và 28% trong tổng số các vụ tai nạn là do các vấn đề phát sinh với động cơ.

Nếu đánh giá theo tiêu chuẩn của J-15 thì F-14 sẽ có rất nhiều lần bị xem là thất bại, tuy nhiên, rốt cuộc nó đã trở thành một trong những mẫu tiêm kích hạm thành công nhất thời Chiến tranh Lạnh và là một thành tố quan trọng giúp đảm bảo vị thế của Hải quân Mỹ tại các vùng biển viễn dương cho tới khi Liên Xô sụp đổ.

Theo vị chuyên gia, tiềm lực của J-15 không nên bị phủ nhận chỉ bởi những ghi nhận về mức độ an toàn.

Tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc hạ cánh khẩn cấp sau khi va phải chim

Về khả năng chiến đấu của J-15 với đối thủ trên biển và việc nó thiếu tinh vi hơn so với các mẫu máy bay chiến đấu mới được Hải quân Mỹ triển khai thì sao?

Xét tới những cải tiến đáng kể mà Trung Quốc đã tiến hành trên phiên bản J-11B kể từ năm 2012 để phát triển tiêm kích thế hệ 4++ J-16 và J-11D, có vẻ phiên bản J-15 cũng sẽ nhận được những nâng cấp tương tự đối với khung máy bay.

Một số nâng cấp có thể được dựa trên công nghệ dành cho các máy bay chiến đấu Su-35 (biến thể của Su-27) mà PLAAF mua từ Nga, trong đó có động cơ đẩy vector 3D và khung thân giúp giảm diện tích phản xạ radar.

Trung Quốc đang lên kế hoạch nâng cấp thêm cho J-11D với lớp phủ hấp thụ radar, radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA), khả năng triển khai tên lửa không-đối-không PL-15 (với ưu thế về tầm bắn lớn hơn tên lửa AIM-120C của Mỹ).

Những công nghệ này cũng đang được tích hợp trên khung tiêm kích hạng nhẹ J-10, cho ra đời phiên bản J-10C tinh vi hơn, được đưa vào trang bị của PLAAF từ tháng 4/2018.

Dự kiến, khung thân mới của J-15, với những nâng cấp này, sẽ được thoàn thiện vào thời điểm mà các tàu sân bay mạnh hơn của Trung Quốc được lắp ráp hoàn chỉnh vào đầu những năm 2020.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã xác nhận rằng nước này đang phát triển phiên bản tác chiến điện tử của J-15 để hỗ trợ cho các biến thể thông thường.

Theo ông Ait, khả năng mở rộng, cùng với việc được triển khai từ tàu sân bay có máy phóng điện từ, J-15 có thể trở thành tiêm kích hạm hàng đầu thế giới. Điều đó sẽ đặt ra nhu cầu cấp thiết hơn cho Hải quân Mỹ là phải có được một mẫu tiêm kích hạm chiếm ưu thế trên không mới.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của chuyên gia Abraham Ait

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại