Những suy đoán dựa trên lý thuyết
Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga linh hoạt hơn và tấn công mặt đất tốt hơn tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ - một trong những nhà thiết kế máy bay chiến đấu hàng đầu của Nga đã khẳng định như vậy.
Song, theo nhà báo quốc phòng David Axe, không nhận định nào trong số này đúng hoàn toàn. Và điều quan trọng hơn cả là, không nhận định nào trong số này quan trọng, cho dù có đúng đi chăng nữa.
8 năm trước khi thực hiện chuyến bay đầu tiên, mẫu tiêm kích tàng hình duy nhất của Nga chỉ là một nguyên mẫu thô sơ. Bất cứ sự so sánh nào với F-22 – mẫu máy bay đã đi vào hoạt động suốt 13 năm qua và thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu tại Trung Đông một cách đều đặn từ năm 2014, đều chỉ là dựa trên lý thuyết mà thôi.
Mikhail Strelets – nhà nghiên cứu phát triển tại Tập đoàn máy bay Sukhoi – đã không tiếc lời tung hô Su-57 trên kênh truyền hình Zverzda của Nga hôm 11/11 vừa qua. Ông Strelets nhấn mạnh, mẫu máy bay 2 động cơ của Sukhoi vượt trội hơn hẳn F-22.
So với Su-57, F-22 "thiếu khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất" – ông Strelets cho hay.
"Ban đầu F-22 được thiết kế để trở thành máy bay chiếm ưu thế trên không, trong khi Su-57 được định hướng là máy bay có độ linh hoạt lớn hơn ngay từ khi bắt đầu phát triển" ông Strelets nói, "Kết quả là, kho vũ khí trong thân của F-22 không thể mang được các loại đạn dược có trọng tải lớn".
Theo ông David Axe, những nhận định cho rằng Su-57 vượt trội F-22 đều là suy đoán dựa trên lý thuyết.
Hãy nhìn vào thực tế!
Nhà báo David Axe nhận định, tuyên bố của ông Strelets cho rằng Su-57 linh hoạt hơn F-22 khi ngay từ lúc ban đầu đã được thiết kế theo hướng này. Tuy nhiên, kinh nghiệm đã chứng minh điều đó không chính xác.
Trên thực tế, một số mẫu máy bay đa nhiệm thành công nhất ban đầu chỉ được thiết kế cho một nhiệm vụ duy nhất, sau đó mới dần mở rộng thêm các vai trò khác.
Các tiêm kích F-4, F-14, F-15 và F-16 của Mỹ đều là các chiến đấu cơ chuyên tác chiến không-đối-không nhưng theo thời gian, chúng đã trở thành các máy bay tấn công hiệu quả.
"Phương châm của chúng tôi là ‘đơn giản hóa’", Harry Hillaker – nhà thiết kế F-16 – phát biểu năm 1991.
Triết lý này đã đưa mẫu máy bay cơ động và giá cả phải chăng vào thời điểm đó (F-16) trở thành tiêm kích tấn công mặt đất chủ lực của Không quân Mỹ sau khi được tăng cường các cảm biến và vũ khí mới.
F-22 cũng vậy. Ban đầu nó được thiết kế để trở thành tiêm kích tác chiến không-đối-không. Nhưng những thuộc tính cho phép F-22 vượt trội hơn trong tác chiến đối không – gồm khả năng tàng hình và duy trì tốc độ cao – cũng cho phép chúng có đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ tấn công.
Không bao lâu sau khi F-22 được biên chế cho Không đoàn tiêm kích số 1 của Không quân Mỹ tại Virginia năm 2005, các phi công đã phát hiện ra một điều đáng kinh ngạc.
Trong quá trình huấn luyện với bom dẫn đường bằng vệ tinh ở Utah, các phi công nhận thấy họ có thể tăng tốc F-22 lên tốc độ siêu thanh ở độ cao 15.000m và thả những quả bom nặng gần 500kg từ khoảng cách xa hơn, với độ chính xác cao hơn các loại máy bay chiến đấu khác.
"Bắn hạ máy bay đối phương không phải là điều mà F-22 làm tốt nhất" – Chuẩn tướng Burton Field, khi đó đang là chỉ huy của không đoàn, nói với nhà báo David Axe. Tuy nhiên, đây là vai trò mà Lockheed Martin đã thiết kế cho mẫu máy bay này.
Khi phát triển khả năng tấn công mặt đất cho Su-57 ngay từ ban đầu, Sukhoi đã phức tạp hóa quy trình, và điều đó có thể làm giảm hiệu quả của chiếc máy bay ở bất cứ vai trò nào khác.
"Khi độ phức tạp của vũ khí tăng lên, thì tỷ lệ thất bại cũng gia tăng" – Chuck Spinney, một nhà cải cách nổi tiếng tại Lầu Năm Góc, giải thích trong bản báo cáo năm 1985.
Hình ảnh vệ tinh chụp các tiêm kích Su-57 được triển khai tới Syria hồi tháng 2/2018. Ảnh: Wiki
Trong bất cứ tình huống nào, vẫn có khả năng Su-57 không có được cơ hội để chứng tỏ những gì ông Strelets tuyên bố.
Mặc dù đã có một nhóm nguyên mẫu Su-57 được triển khai chóng vánh tới Syria đầu năm 2018 và ném xuống các mục tiêu một số lượng nhỏ các loại bom đất-đối-không như để quảng bá thì mẫu máy bay của Nga vẫn còn phải mất thêm nhiều năm nữa mới có đủ khả năng triển khai ở tiền tuyến.
Kremlin đã đặt đơn hàng Su-57 đầu tiên, với 12 chiếc, vào tháng 8/2018 và dự kiến sẽ xây dựng được phi đoàn đầu tiên trong năm 2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng đang giảm sút do kinh tế đình trệ, Moscow đã quyết định không đặt mua mẫu tiêm kích này với số lượng lớn.
Chính phủ Nga tìm cách "bẻ lái" câu chuyện này như một tin tức tốt lành cho Nga.
"Các vị biết đấy, hiện Su-57 được đánh giá là một trong những mẫu máy bay tốt nhất trên thế giới" – ông Yuri Borisov, Thứ trưởng Quốc phòng Nga, phát biểu hồi tháng 7/2018, "Do đó, chúng ta không cần thiết phải vội đẩy nhanh việc sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu thế hệ 5".
Tiêm kích tàng hình là "át chủ bài mà chúng ta luôn có thể dùng đến khi các mẫu máy bay thế hệ trước bắt đầu tụt hậu về năng lực của chúng" – ông Borisov cho biết thêm.
12 tiêm kích Su-57, trong đó chỉ có một số chiếc đủ khả năng xuất kích vào bất cứ thời điểm nào, có thể đủ để Nga đào tạo được một nhóm nhỏ phi công chuyên vận hành mẫu máy bay này. Song, Nga có lẽ chưa đủ khả năng để triển khai Su-57 trong các chiến dịch tác chiến kéo dài.
Do đó, theo nhà báo David Axe, "liệu tuyên bố của ông Strelets có đúng không, hay Su-57 có phải là máy bay tấn công ưu việt hơn F-22 không" thì cũng không phải là điều quan trọng.
Điều cần lưu ý ở đây là F-22 đang xuất kích thực hiện nhiệm vụ gần như đều đặn hàng ngày, trong khi Su-57 của Nga chưa từng làm được điều tương tự.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo David Axe