Giai đoạn nào nguy hiểm nhất khi mắc sốt xuất huyết?

Phạm Hiền |

Bệnh sốt xuất huyết biểu hiện qua 3 giai đoạn bệnh, giai đoạn nguy hiểm từ ngày thứ 3 - 7 của bệnh, trong giai đoạn này có thể có nhiều biến chứng xảy ra nguy hiểm đến tính mạng.

Giai đoạn nào nguy hiểm nhất khi mắc sốt xuất huyết?

Giai đoạn nào nguy hiểm nhất khi mắc sốt xuất huyết?


Giai đoạn nào nguy hiểm nhất khi mắc sốt xuất huyết? - Ảnh 1.

Xuất huyết dưới da được biểu hiện những nốt xuất huyết rải rác. Nguồn: BV Vinmec.

Nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh đến các cơ sở y tế uy tín để được khám, chẩn đoán, điều trị và theo dõi những diễn biến nguy hiểm của bệnh. Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây nên. Bệnh lây theo đường máu, trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti. Loài muỗi này thường hoạt động mạnh vào lúc chạng vạng tối và rạng sáng.

Giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết phát triển theo ba giai đoạn:

Giai đoạn ủ bệnh: Giai đoạn đầu của sốt xuất huyết cũng có thể nhầm với sốt thường và sốt virus. Tuy nhiên, sốt xuất huyết thường có biểu hiện đặc trưng như: Da xung huyết, phát ban xuất huyết dạng chấm dưới da, chảy máu chân răng.

Nếu nặng thì người bệnh thường có biểu hiện đau bụng vùng gan, gan to, tiểu ít, nôn nhiều, lúc này xét nghiệm công thức máu có thể thấy hematocrit tăng cao và tiểu cầu giảm nhanh.

Giai đoạn nguy hiểm: Người bệnh bị mắc sốt xuất huyết thường chuyển sang giai đoạn nguy hiểm nhất sau đó khoảng 3 - 7 ngày. Đây là giai đoạn cần phải xem xét để có biện pháp xử trí phù hợp nhằm hạn chế những hậu quả xấu xảy ra.

Nếu bị thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc với các biểu hiện lâm sàng như:

Co giật, li bì.

Lạnh các đầu chi, da tái lạnh.

Huyết áp kẹt, hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu bằng hoặc dưới 20 mmHg, huyết áp tụt hoặc không đo được; đi tiểu ít...

Đồng thời có dấu hiệu xuất huyết như: Xuất huyết dưới da được biểu hiện những nốt xuất huyết rải rác ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn.

Xuất huyết niêm mạc được biểu hiện triệu chứng chảy máu mũi, chảy máu lợi và chân răng, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn.

Xuất huyết nội tạng được biểu hiện ở cơ quan tiêu hóa, phổi, não... và được xem là dấu hiệu nặng, nguy hiểm.

Một vài bệnh nhân có biểu hiện tràn dịch màng bụng, màng phổi.

Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như: viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim; những biểu hiện tình trạng nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không sốc.

Giai đoạn hồi phục: Giai đoạn này kéo dài 48-72 giờ.

Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều.

Giai đoạn nào nguy hiểm nhất khi mắc sốt xuất huyết? - Ảnh 2.

Các biện pháp phòng chống muỗi. Nguồn: Vinmec.

Lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết

Đối với sốt xuất huyết thể nhẹ, người bệnh có thể được điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, khoảng thời gian từ ngày 3 - ngày 7, người bệnh đặc biệt là trẻ em, cần được theo dõi sát để phát hiện các triệu chứng tiền sốc do mất máu.

Đặc biệt từ ngày thứ 3 của bệnh (tính từ ngày bắt đầu sốt), nếu nhận thấy một hoặc vài triệu chứng như vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng vùng gan, nôn nhiều, tiểu ít, hoặc xuất huyết nội tạng thì phải cấp tốc đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

Sốt xuất huyết do muỗi Aedes aegypti truyền bệnh, vì vậy mẹ bị sốt xuất huyết vẫn có thể cho con bú bình thường.

Nếu bị sốt cao chỉ hạ sốt bằng thuốc Paracetamon đơn chất, dùng 10-15mg/kg/lần trong 4-6 giờ. Khuyến cáo không dùng aspirin, ibuprofen vì có thể gây xuất huyết nặng hơn.

Sốt xuất huyết ở trẻ em thường nặng hơn ở người lớn. Trẻ em khi bị sốt xuất huyết dễ vào sốc và tái sốc hơn ở người lớn.

Đối với trẻ em, sốt xuất huyết đến ngày thứ 4 đã bắt đầu hết sốt và không có biểu hiện gì khác tức là bệnh đang thuyên giảm nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi. Nếu bé xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như lừ đừ hoặc li bì, đau vùng gan, nôn nhiều, tiểu ít, xuất huyết niêm mạc... thì phải đưa đến bệnh viện khám lại ngay.

Điều trị sốt xuất huyết chủ yếu là điều trị triệu chứng và phần lớn điều trị ngoại trú như: hạ sốt, bù dịch bằng đường uống. Nên uống oresol, nước sôi để nguội, nước trái cây, nước cháo muối loãng, nước dừa, nước cam, sữa......

Bác sĩ khuyến cáo, các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết: Bệnh sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền, hiện nay chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp hiệu quả để phòng bệnh hiện nay là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, đặc biệt và những nơi dễ ẩm ướt.

Phun thuốc chống muỗi đúng cách.

Mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

Dùng kem chống muỗi khi ở nhà cũng như ra ngoài.

Khi bị sốt xuất huyết cần phải được nghỉ ngơi, ăn đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu, bổ sung nhiều vitamin để nâng cao thể trạng, uống nhiều nước và theo dõi các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng như vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng vùng gan, nôn nhiều, tiểu ít , hoặc xuất huyết nội tạng của bệnh nhân để đưa người bệnh đến bệnh viện kịp thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại